Từ thuở xa xưa khi khoa học chưa phát triển, người Dao Đỏ tin rằng các hiện tượng tự nhiên mưa, gió, sấm, chớp... là do các thần thánh trên trời gây ra.
Do đó, để bảo vệ mùa màng và gìn giữ cuộc sống ấm no, hạnh phúc, hằng năm họ thực hiện các ngày cấm để kiêng gió, sấm, chớp.
Ông Hoàng Chàn Lợi, xóm Tàn Pà, xã Yên Lạc cho biết: Cứ đến ngày 1/3 âm lịch hằng năm, người Dao Đỏ lại thực hiện phong tục “kiêng sấm” và coi ngày này là ngày đại kỵ. Ngày “kiêng sấm” là ngày ''Pồ Câu'' (theo tiếng Dao) hay còn gọi là ngày cấm sét.
Tục kiêng này có từ bao giờ không ai còn nhớ, chỉ biết rằng từ thế hệ này sang thế hệ khác vẫn được người dân duy trì.
Theo quan niệm của người Dao Đỏ, thần sấm là vị quan đứng đầu thiên đình, được giao trọng trách cai quản trần gian. Suốt mùa khô, thần sấm chìm trong giấc ngủ, khi mùa mưa về thần mới thức dậy đi thị sát xóm, bản.
Lúc này, ai ăn ở tốt lành sẽ được thần ban cho nhiều may mắn, ai làm điều sai trái sẽ bị thần trừng trị. Do đó, vào ngày “kiêng sấm”, hầu hết các gia đình đều nghỉ lao động sản xuất, không vào rừng làm cỏ, chặt cây, không cầm dao, cuốc, xẻng để tránh sấm sét.
Đặc biệt, không được tạo tiếng động mạnh, vì cho rằng tiếng động mạnh làm thức tỉnh thần sấm và nếu làm thần tức giận có thể sẽ làm hại dân làng.
Vì vậy, vào ngày này, người Dao Đỏ không lên nương làm rẫy, tất cả mọi công việc đều gác lại và cùng nhau ở nhà nghỉ ngơi, dành thời gian làm việc lặt vặt trong nhà, chăm sóc con cái, đi thăm bạn bè...
Cũng như bao gia đình khác, đến ngày 1/3 âm lịch, anh Hoàng Chàn On cùng các thành viên trong gia đình đều gác lại mọi công việc lao động hằng ngày để “kiêng sấm”. Làm một mâm cơm có các món truyền thống như: thịt lợn, gà, canh cải, rượu,… để mời những vị khách đến nhà chơi.
Họ ngồi quây quần bên mâm cơm uống rượu, kể cho nhau nghe những câu chuyện thú vị hằng ngày mà họ đã nghe, nhìn thấy.
Trong dịp này, những người phụ nữ trong gia đình, hàng xóm tụ tập lấy đồ ra thêu thùa, may vá. Nhiều người bận rộn, mỗi năm chỉ thêu được một bộ, nay tranh thủ hoàn thành những bộ quần áo còn dang dở.
Những năm gần đây, thời tiết ngày càng bất thường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt và sản xuất của người dân. Vì vậy, tục “kiêng sấm” càng được đồng bào Dao Đỏ coi trọng.
Bà Hoàng Mùi Chướng, xã Yên Lạc chia sẻ: Ngày “kiêng sấm” có ý nghĩa rất đặc biệt đối với người Dao, chúng tôi cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Người Dao Đỏ có khá nhiều tục kiêng kỵ rất riêng, theo phong tục, trong một năm người Dao Đỏ có những ngày kiêng kị theo âm lịch như: Ngày mùng 1/1, người Dao kiêng không ra đồng làm việc, không đi cày bừa, không lấy củi.
Ngày 20/1 là ngày ''kiêng gió'', không nói lớn tiếng, những gia đình có trẻ nhỏ, người lớn có trách nhiệm dỗ dành để trẻ không quấy khóc; các thành viên trong gia đình không ra đồng, không lên nương làm việc và không được sát sinh để cấm gió Đông đến, để không bị gió thổi làm tốc mái nhà.
Ngày 20/2 kiêng như ngày cấm gió Đông, để cấm gió hướng Tây không làm đổ ngô, lúa, hoa màu. Ngày 21/2 kiêng không làm việc để tránh động vật phá hoại mùa màng. Ngày 5/5 kiêng không mang lá cây xanh vào nhà để không cho rắn xanh vào nhà...
Những tục kiêng kỵ được đồng bào duy trì thường xuyên, nhắc nhở con người ứng xử hòa nhã với nhau, cầu mong người người được an lành, mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu. Ngày “kiêng sấm” nói riêng, các ngày kiêng của người Dao Đỏ nói chung là nét văn hóa mang đậm bản sắc tín ngưỡng của đồng bào miền núi.