Điều thú vị là tác giả cuốn sách này là một nhà toán học. Ông sinh năm 1948 tại Hưng Nguyên (Nghệ An). Ông bảo vệ luận án tiến sĩ Toán học tại Đại học Tổng hợp mang tên Lomonosov (MGU) ở thủ đô Moskva (Liên bang Nga). Hiện ông sinh sống tại CHLB Đức và CH Czech.
Là nhà khoa học tự nhiên nhưng từ nhỏ Nguyễn Huy Việt đã được bậc thân phụ truyền cho lòng yêu Truyện Kiều. Những câu thơ lục bát lung linh tiếng Việt đã nhập hồn cậu bé trường làng đi suốt cuộc đời. Ông đã thuộc lòng văn bản Truyện Kiều đến mức có thể đọc xuôi ngược xoay chuyển trước sau một cách tài tình đến kinh ngạc. Và không chỉ có thế. Bằng công cụ toán học ông còn giải mã, khám phá được nhiều sự kỳ lạ mà thiên tài Nguyễn Du đã tạo ra rất thần kỳ trong tác phẩm của mình.
Đầu tiên ông nói đến những kỷ lục đơn giản của các câu Kiều tính theo số chữ cái trong câu. Thí dụ: hai câu duy nhất có tất cả các từ đều có bốn chữ cái (câu lục 2541: "Rằng nàng chút phận hồng nhan", câu bát 424 "Lòng xuân phơi phới chén xuân tàng tàng"). Hoặc từ phát hiện của nhà thơ Vương Trọng
câu Kiều 1993 "Nàng càng e lệ ủ ê" đạt kỷ lục là có bốn chữ đứng liền nhau trong câu mà có ít chữ cái tạo nên nhất: e lệ ủ ê, Nguyễn Huy Việt đã nêu thêm ba kỷ lục nữa của câu thơ này: là câu Kiều duy nhất có nhiều từ nhất được viết bởi chỉ một chữ cái, không kèm phụ âm nào: e, ủ, ê; là câu lục ngắn nhất; là câu Kiều ngắn nhất. Như vậy câu Kiều 1993 đạt tới bốn kỷ lục.
Tiến tới nữa nhà toán học mê Kiều đã thiết lập ma trận lục bát Kiều để cho thấy thêm nhiều kỷ lục của tuyệt tác văn chương này. Bằng ma trận đó ông đã tìm ra thí dụ, ba câu 1151, 2005, 2109 "là ba câu lục và cũng là ba câu Kiều chứa ít phụ âm nhất với chỉ 5 phụ âm mỗi câu" (tr. 29). Tương ứng ba câu lục có nhiều phụ âm kỷ lục với 19 phụ âm mỗi câu là 27, 1401 và 2809. Còn nhiều nữa trong 70 kỷ lục của Truyện Kiều bạn đọc vào sách sẽ biết.
Tác giả: Nguyễn Huy Việt
Nhà xuất bản Thanh Niên, 2020
Số trang: 337 (khổ 16x24cm)
Số lượng: 1000
Giá bán: 170.000
Ngoài các kỷ lục đó, cuốn sách này còn cho bạn biết những điều kỳ thú khác. Như "Số nguyên tố và Truyện Kiều". Định nghĩa số nguyên tố là "những số nguyên lớn hơn 1 có tính chất chỉ chia hết cho 1 và chính nó". Bài viết này trong sách rất thú vị. Tác giả viết: "Euclit đã có định lý về số nguyên tố từ khoảng 300 năm trước Công Nguyên nên không thể khẳng định rằng Nguyễn Du, một người uyên bác, sống ở thế kỷ 18-19, lại không biết gì về số nguyên tố. Vậy, biết đâu Nguyễn Du chọn viết đúng 1627 cặp lục bát là một số nguyên tố để Truyện Kiều trở thành "bất khả phân chia" theo nghĩa như đã phân tích trên" (tr. 226). Có thể đây là một phép toán của nhà toán. Nhưng vận vào thơ, và văn chương nói chung, những phép toán có khi lại tìm ra những đáp số bất ngờ. Ví như "Lục bát kiểu đồng cở" (tr. 269) trong Truyện Kiều với các thống kê của tác giả sẽ khiến độc giả ngỡ ngàng và thán phục.
Cuốn sách dừng lại ở phần Tổng kết với một kết luận của tác giả: "Một phát hiện đặc biệt thú vị là Truyện Kiều không hề có bất kỳ hai cặp lục bát nào đồng cở với nhau, nghĩa là tất cả 1627 cặp lục bát Kiều đều là riêng cở" (tr. 335). Và tác giả treo hai giải thưởng cho người nào giải được hai câu đố ông nêu ra, mỗi giải 6 triệu đồng. Ông nói: "Giải dự tính được trao vào dịp kỷ niệm 10 năm Hội Kiều Học Việt Nam. Đến 30/6/2022, nếu vẫn chưa ai có lời giải đúng thì tác giả sẽ công bố lời giải" (tr. 336).
Bạn nếu muốn giải hai câu đố của tác giả, cũng như biết thêm những kỷ lục và những điều thú vị khác của Truyện Kiều, hãy đọc cuốn sách này của tiến sĩ toán học Nguyễn Huy Việt. Biết đâu bạn chẳng được khích lệ từ đó một lòng yêu lòng say mê tìm hiểu phân tích cuốn truyện thơ tuyệt tác của nước Nam do một người Nam là thiên tài Nguyễn Du tạo thành.
Hẹn bạn lần tới với một cuốn sách mới khác.
Phú Thọ, 15.2.2021