Nhiệm kỳ vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực sự là một thành công không thể phủ nhận trên nhiều lĩnh vực hoạt động. Tuy nhiên, chỉ 5 năm tại vị, ông Nguyễn Xuân Phúc với trọng trách to lớn ấy cũng không thể hoàn thiện mọi việc vốn còn tồn đọng, khó khăn nhất định của một vài nhiệm kỳ cũ để lại cần khắc phục. Chính vì thế, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính, trên đà tích cực của nhiệm kỳ mà ông kế thừa, được hy vọng sẽ khắc phục tiếp những gì tồn tại của các nhiệm kỳ trước đó.
Phát biểu trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước sau lễ tuyên thệ, tân Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh tới những thành tựu của Chính phủ tiền nhiệm mà ông được kế thừa nhưng trên tinh thần tiếp tục đổi mới và hành động, Thủ tướng đã đưa ra 5 ưu tiên của Chính phủ, đồng thời có nhắc đến vai trò kiểm soát quyền lực của nhân dân…
Tôi dự đoán, rất có thể tân Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng sẽ nhanh chóng xác định phương châm hành động chủ yếu của Chính phủ trong thời gian tới với bản lĩnh và sự quyết liệt, rốt ráo trong công việc của ông.
Mà với Thủ tướng, những gì ông ấp ủ và đang làm dang dở bên Ban Tổ chức Trung ương Đảng suốt 6 năm qua, kể từ khi về làm phó Trưởng ban rồi giữ trọng trách Trưởng ban hẳn cũng sẽ được ông đặc biệt quan tâm, như tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giảm biên chế, ủng hộ tư tưởng dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm nhưng được bảo vệ bằng những thiết chế "6 dám" do Ban Tổ chức Trung ương đang chủ trì nghiên cứu, đề xuất để Trung ương Đảng ban hành.
Chỉ có vậy mới giúp đất nước phát triển mà không sợ mất cán bộ giỏi và cán bộ tài năng, để họ có khát khao cống hiến thì cũng không lo lắng nhiều như hiện tại vì những vi phạm có thể xảy ra khi họ là người đi trước. Từ đó sẽ thực sự tạo nên một Chính phủ hành động, một Chính phủ năng động, sáng tạo và vì dân.
Là một nhà lãnh đạo luôn có tư duy sáng tạo và bản lĩnh, ông Phạm Minh Chính đã để lại những dấu ấn riêng khi được Đảng phân công xuống làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh (2011-2015), để rồi thành quả là những trái ngọt mà ông gieo đến nay đã trở thành những trái quý, như kinh tế, xã hội phát triển, hành chính được cải cách và bộ máy nhân lực gọn nhẹ...
Có một câu chuyện khiến tôi bị cuốn hút đặc biệt và cũng là lần đầu tôi được trực tiếp nghe Bí thư tỉnh ủy Phạm Minh Chính kể lại vào năm 2014. Rất có thể từ câu chuyện đó, lãnh đạo Quảng Ninh đã đầu tư mạnh làm hạ tầng, xem như cách "làm tổ đón đại bàng".
Dịp cuối năm 2013, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands, ngài tỉ phú Sheldon Adelson đã sang Việt Nam. Tỉnh cử một phó Chủ tịch tỉnh đích thân tiếp cận và mời mọc vị tỷ phú nọ bằng nhiều cách, ông ta mới chịu đến thăm Quảng Ninh và bay trên một chiếc trực thăng đi mượn (nhờ Tập đoàn Hoà Phát).
Ông Phạm Minh Chính và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tiếp ngài tỉ phú rất trân trọng. Họ muốn giới thiệu với Tập đoàn Las Vegas Sands để phát triển kinh tế đảo Vân Đồn trong tương lai. Cứ ngỡ vị thượng khách kia sẽ lắng nghe tỉnh trình bày cặn kẽ dự án, song không ngờ cuộc tiếp chỉ diễn ra có ít phút với câu hỏi "tử huyệt": Bao giờ Quảng Ninh có sân bay và hạ tầng cơ sở khác như là đường cao tốc? Bao giờ người dân Việt Nam được vào chơi casino? Nếu giải đáp được cho tôi điều này thì chúng ta hãy bàn sâu hơn...".
Nói xong, ông ta xin phép ra về mà không nán lại giao lưu với lãnh đạo địa phương.
Một câu hỏi cứ ngỡ đơn giản như vậy nhưng cuối cùng khiến cả các lãnh đạo Quảng Ninh đau đầu.
Theo tôi, rất có thể cũng nhờ ngài tỉ phú nọ nói thẳng, nói thật điều đó mà Quảng Ninh biết mình đang ở đâu và ít nhiều lộ ra cái "gót chân Asin" của mình trong suốt nhiều năm mà chính lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh chưa nhìn ra để khắc phục.
Tại sao mình không tạo ra cái tổ "ngon lành" để đón đại bàng nếu muốn đại bàng bay về làm tổ?
Với phương châm "lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", người đứng đầu Đảng bộ Quảng Ninh ngày đó đã tạo nên một diện mạo thật sự đổi thay chỉ trong dăm năm. Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn, Cảng Tàu khách Quốc tế Hòn Gai, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái... ra đời trong hoàn cảnh như thế.
Được biết, tổng vốn đầu tư huy động được ngoài ngân sách cho đến nay đã lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Thật là ngoạn mục!
Trên bình diện cải cách hành chính, Quảng Ninh cũng trở thành điểm sáng, để rồi sau vài năm ông Phạm Minh Chính nhậm chức Bí thư tỉnh ủy, nền tảng vững chắc mà ông tạo dựng trước và sau khi rời về nhận trọng trách mới, cao hơn trên Trung ương, đó là việc có một "hiện tượng Quảng Ninh" luôn nằm trong top dẫn đầu cả nước về chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI nhiều năm.
Trong công tác xây dựng tổ chức Đảng, mô hình Quảng Ninh ngay từ khi ông Chính còn công tác tại địa phương cũng luôn là điểm sáng để các tỉnh học tập khi tiến hành cải cách hành chính như tinh giản bộ máy hành chính và hệ thống chính trị nói chung. Cách làm này vừa gọn nhẹ lại vừa hiệu quả, hiệu suất công tác tốt hơn mà lại bớt chi ngân sách khá nhiều.
Điển hình Quảng Ninh về tinh gọn bộ máy đã và đang được triển khai rộng hơn trong phạm vi cả nước và tỏ rõ tính tích cực của nó là điều không thể phủ nhận khi ông lại được Đảng tin, tín nhiệm giao trọng trách Trưởng ban Tổ chức Trung ương...
Ông từng bày tỏ rằng, tình trạng bộ máy hành chính nhà nước vốn rất cồng kềnh, chồng chéo. Có thời kỳ càng thực hiện tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to hơn, biên chế càng tăng thì lấy tiền ở đâu cho việc cải cách tiền lương?
Và nay, trên cương vị người đứng đầu của Chính phủ, tôi tin rằng Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ mạnh tay trên nhiều mặt trận, từ kinh tế, xã hội, chính trị, an ninh, quốc phòng cho đến công việc chống tiêu cực, tham nhũng vốn khoá trước đã làm rất tốt. Tất cả đã góp phần khiến cho dân tin, dân yêu vào chế độ rất nhiều.
Tuy nhiên, để làm tốt, "thần thiêng còn nhờ bộ hạ". Một bộ máy Chính phủ mạnh, ngoài người đứng đầu, các vị Bộ trưởng-Tư lệnh ngành cũng cần phải giỏi và đồng bộ. Tiếc rằng, những người đứng đầu Chính phủ của chúng ta nhiều nhiệm kỳ vừa qua cũng không hoàn toàn là được chọn người như kiểu nhiều quốc gia mà đều do tập thể Bộ Chính trị cho ý kiến trước khi trình Quốc hội bỏ phiếu.
Vì thế, nhiều cử tri và kể cả Đại biểu Quốc hội cũng không khỏi băn khoăn khi họp, bàn thảo để bầu ra người giữ trọng trách của các ngành. Ngoài những vị được giới thiệu rất xứng đáng, đã bộc lộ sự nổi trội trên một lĩnh vực tại địa phương mình, bộ, ngành mình đảm trách mà sau đó được tiến cử làm bộ trưởng, như trường hợp Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn vừa qua, thì cũng có những vị trí tìm chưa ra người xuất sắc, bộc lộ tài năng từ địa phương ở mảng đó, mà người được giao trách nhiệm vẫn khiến dư luận e ngại băn khoăn.
Hy vọng ngay từ khoá này, Đảng, Quốc hội và Chính phủ cần sớm nghĩ đến chuyện các ứng cử viên tương lai giữ chức bộ trưởng cần trình bày trước Quốc hội chương trình hành động cụ thể nếu như được giới thiệu nhân sự cho vị trí đó để BCH Trung ương chấm điểm trước khi trình Quốc hội bỏ phiếu. Chỉ có như vậy chúng ta mới yên tâm do tìm được người tài giỏi phục vụ đất nước thực thụ.
Hy vọng rồi đây cơ chế sẽ tiếp tục được thay đổi để chúng ta chung tay xây dựng một xã hội mà người dân có đời sống tốt hơn, chứ không chỉ dừng lại ở mức "cơm no áo ấm", người dân đến "cửa quan" sẽ không bị gây phiền hà, nhũng nhiễu và được bảo vệ bằng hệ thống pháp luật nghiêm minh, hoàn chỉnh...
Một Việt Nam hùng cường vào năm 2045 nếu muốn thành công thì mỗi nhiệm kỳ như hôm nay sẽ phải có những viên đá quý, được đào luyện, mài giũa cẩn thận đặng góp sức để xây nên một lâu đài trong mơ ước nhưng sẽ là hiện thực trong tương lai.