Năm 1435, hoàng đế Minh Anh Tông lên ngôi, bắt đầu thời kỳ đánh dấu cho sự suy sụp của nhà Minh. Sự xuống dốc của bộ máy cai trị trong nước khiến nhà Minh ngày càng suy yếu.
Trong khi đó tại Mông Cổ, các bộ lạc như Ngõa Lạt và Thát Đát thống nhất với nhau, khiến quân Mông Cổ ngày càng hùng mạnh. Năm 1439, Dã Tiên của tộc Ngõa Lạt lên nắm quyền thái sư trong chính quyền Mông Cổ của Khả hãn Thoát Thoát. Nhận thấy nhà Minh suy yếu, Dã Tiên nảy sinh ý định tiến đánh Trung Nguyên.
Trong thời gian này, để tránh xung đột với Mông Cổ, Minh Anh Tông đã phá lệ cho phép các đoàn sứ Mông Cổ vào triều cống có thể lên tới hàng ngàn người, đồng thời cho phép họ có thể buôn bán trao đổi các sản vật quý.
Năm 1448, Dã Tiên cử đoàn sứ bộ 2.524 người đến nhà Minh nhưng nói thăng lên là 3.598 người để lĩnh thêm đồ thưởng.
Trong triều nhà Minh bấy giờ, hoạn quan Vương Chấn được hoàng đế tin dùng nên ngày càng khuếch trương quyền thế, nắm hết các sự vụ trong triều. Vương Chấn cho điều tra phát hiện sứ bộ Mông Cổ chỉ có 2.524 người, ngựa Mông Cổ cống nạp cũng nhỏ và gầy, bèn hạ giá ngựa và giảm đồ ban thưởng xuống chỉ còn 1/5, đồng thời không cho đoàn sứ bộ ăn cơm.
Dã Tiên lấy cớ nhà Minh làm nhục đoàn sứ bộ của mình nên khởi binh tiến đánh. Năm 1449, Dã Tiên cho quân tiến xuống phía nam. Quân nhà Minh đại bại, quân tiếp viện đến cũng chung số phận.
Trước tình thế đó, hoạn quan Vương Chấn nắm hết quyền lực trong triều đình lại khuyến khích hoàng đế thân chinh ra trận, noi gương theo các đời trước như Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ. Hoàng đế từ nhỏ đến lớn chỉ lo hưởng lạc, chưa ra trận bao giờ, xem việc đánh trận rất đơn giản, nên đồng ý thân chinh xuất quân.
Các vị Đại thần trong triều, đứng đầu là Trương Phụ, hết sức can ngăn Minh Anh Tông. Trương Phụ là viên tướng từng chỉ huy quân Minh sang Đại Việt đánh thắng nhà Hồ. Trong lịch sử còn ghi lại Trương Phụ đã phạm nhiều tội ác với người Việt, khi về Nam Kinh đã mang theo rất nhiều sách quý của Đại Việt, hầu hết các sách sử, khiến ngay cả cuốn Đại Việt sử ký toàn thư sau này cũng phải dựa vào cả nguồn dân gian, dã sử, cũng như sử từ Trung Quốc.
Trương Phụ lúc này đã 75 tuổi nhưng lĩnh trọng trách từ Tiên Đế, ông cùng các Đại thần khác cố khuyên can Minh Anh Tông. Nhưng Anh Tông chỉ nghe và tin dùng hoạn quan Vương Chấn, nên quyết định thân chinh xuất quân.
Tháng 7 năm đó, Minh Anh Tông ban chiếu chỉ cho em mình là Thành vương Chu Kỳ Ngọc trấn thủ kinh thành, bản thân cùng hơn 50 vạn quân bắc tiến đánh Mông Cổ. Trương Phụ không khuyên được nên buộc phải đi theo.
Trong quá trình tiến quân, do binh sĩ đông đúc, hậu cần không đầy đủ khiến lương thực không đủ dùng, binh sĩ nhà Minh tranh đồ ăn của nhau. Nhận thấy binh sĩ không hăng hái, nhiều tướng đề xuất ngừng hành quân, nhưng Minh Anh Tông tin theo Vương Chấn nên lệnh tiếp tục tiến quân.
Khi quân Minh tới các thành gần biên giới với Mông Cổ, thấy rất nhiều xác binh lính nhà Minh chết trong trận chiến trước đó, thì bắt đầu hoảng sợ.
Lúc này mưa gió không ngớt, đường lầy lội, binh sĩ ốm hàng loạt, nhiều binh tướng xin tạm ngừng để nghỉ ngớt, nhưng Vương Chấn không nghe, lệnh phải tiến binh ngay đến Đại Đồng, nếu ai dâng biểu xin nghỉ ngơi sẽ bị bắt trói trước ba quân để thị uy.
Đúng lúc này có tin cấp báo Đại Đồng thất trận, quân cứu viện đến sau đó cũng bị phục binh Ngõa Lạt đánh tan, hai đội quân của nhà Minh bị tiêu diệt toàn bộ, thành Đại Đồng đã nằm dưới sự kiểm soát của quân Ngõa Lạt.
Tin này khiến Minh Anh Tông vô cùng sợ hãi, Vương Chấn cũng hoang mang, không còn hùng hồn như trước. Vương Chấn tuyên bố trước toàn quân là đã “chiến thắng” và vội vàng rút quân trở về.
Quân Minh rút lui, Tổng binh Quách Đăng đề nghị rút binh về phía đông qua đường Tử Kính vì đây là con đường an toàn nhất, toàn quân Minh được lệnh rút về theo lối này.
Nhưng đi được 40 dặm thì Vương Chấn nhớ ra con đường này đi qua Úy Châu quê nhà của mình. Ông ta lo sợ số quân lớn 50 vạn người sẽ giẫm nát lúa màu của trang trại nhà mình, nên lệnh chuyển hướng hành quân, cho quân đi quay lên hướng đông bắc, đi theo đường cũ từ Tuyên Phủ về Kinh thành. Phải mất đến 5 ngày sau quân Minh mới đến Tuyên Phủ.
Dã Tiên nhận thấy quân Minh đi đường vòng mất thời gian, liền cho 20 ngàn quân (trong đó có 5 ngàn kỵ binh) từ phía bắc đến vây đánh. Các tướng đề nghị để tinh binh chặn hậu cho Minh Anh Tông chạy nhanh trở về, nhưng Vương Chấn không đồng ý.
Quân Minh vừa rút khỏi Tuyên Phủ thì được tin quân Ngõa Lạt đuổi tới. Hoàng đế bèn cho anh em Ngô Khắc Trung và Ngô Khắc Cần ra chặn hậu. Dã Tiên cho quân đánh tới tiêu diệt toàn bộ số quân chặn hậu.
Minh Anh Tông nghe tin anh em họ Ngô tử trận liền cho 4 vạn quân ra đánh nhưng bị mai phục trên núi Diều Nhi khiến toàn bộ đạo quân Minh này bị tiêu diệt.
Minh Anh Tông cùng toàn quân rút đến pháo đài Thổ Mộc, phía đông cách thành Hoài Lai 20 dặm. Các tướng đề xuất nên đến Hoài Lai nhưng Vương Chấn cho rằng còn hơn 1000 xe quân dụng chưa theo kịp nên hạ lệnh toàn quân hạ trại tại Thổ Mộc để sáng hôm sau tiếp tục đi về Kinh thành. Quân Minh chọn chỗ cao đóng trại, nhưng lại cách xa nguồn nước.
Trong khi quân Minh hạ trại nghỉ ngơi qua đêm thì Dã Tiên cho quân đuổi theo suốt đêm không nghỉ. Sáng hôm sau quân Minh còn chưa kịp rút đi thì quân Ngõa Lạt đã đuổi tới bao vây Thổ Mộc. Phát hiện ra điểm yếu ở vị trí quân Minh, Dã Tiên liền cho quân cắt đứt nguồn lấy nước ở con sông phía nam. Quân Minh đào đất sâu đến 7 mét nhưng không tìm được nguồn nước.
Đúng lúc quân Minh khốn đốn vì bị vây và thiếu nước uống, thì Sứ giả của Dã Tiên đến đề nghị nghị hòa để rút quân về. Cả Minh Anh Tông và Vương Chấn đều mừng rỡ, cho người thảo chiếu nghị hòa rồi cho người mang dến trại của Dã Tiên.
Cho rằng vòng vây đã được mở, Vương Chấn cho quân tranh thủ xuống sông lấy nước uống. Trong lúc mấy chục vạn quân Minh đang tranh nhau lấy nước thì quân Ngõa Lạt đột ngột tấn công. Toàn bộ quân Minh hoàn toàn bất ngờ không phòng bị nên bị tiêu diệt.
Trong lúc hỗn loạn, hộ vệ tướng quân Phàn Trung không nén được tức giận xông tới trước mắt Vương Chấn mà hét: “Vì thiên hạ, ta phải giết tên gian tặc này!” Nói rồi ông ta vung chùy đánh chết Vương Chấn.
Phàn Trung xông vào quân Ngõa Lạt, diệt được hơn chục tên thì xuống sức và tử trận cùng toàn bộ binh sĩ và khoảng 50 quan văn lẫn võ. Trương Phụ cũng chung số phận tử trận tại đây.
Lúc này toàn bộ quân tướng nhà Minh đều bị tiêu diệt, chỉ còn lại Minh Anh Tông cùng một hoạn quan. Biết không thoát được, hoàng đế nhà Minh chọn ngồi một chỗ trước khi bị quân Ngõa Lạt bắt.
Thất bại này khiến Minh Anh Tông trở thành tù binh của người Mông Cổ hơn 1 năm trước khi được thả về. Hoàng đế bị bắt, triều đình nhà Minh hỗn loạn, khởi đầu cho sự suy thoái của triều đại này.
Trận chiến này cũng thay đổi cán cân giữa nhà Minh và Mông Cổ, người Mông Cổ không còn thần phục như trước mà nhiều lần uy hiếp lãnh thổ nhà Minh.