Vào một buổi sáng đầu tháng 6, đúng vào thời điểm dịch Covid-19 đang nóng ở Bắc Giang và Bắc Ninh, tôi nhận được điện thoại của mẹ báo bà đi khám bệnh tại bệnh viện và được bác sĩ yêu cầu nhập viện ngay lập tức. Lâu nay bà vẫn bảo sức khỏe bình thường, nên thông tin này khiến tôi hơi hoảng. Tại sao bà lại đi khám vào lúc này và sao đi khám lại không thông báo gì cho con cháu?
Bà kể bà tới khám định kỳ lấy thuốc điều trị cao huyết áp, nhưng do mấy hôm nay cứ đau bụng lâm râm nên làm thêm siêu âm. Bác sĩ siêu âm cho bà xong chẩn đoán bà bị viêm túi thừa manh tràng, cần phải nhập viện ngay để theo dõi. Tôi gọi điện cho một anh bạn bác sĩ, anh ấy khuyên trường hợp của bà ở lại viện là hợp lý.
Cũng trong ngày hôm đó, có tin 2 nữ điều dưỡng của bệnh viện này được phát hiện dương tính với SARS-CoV-2 trong quá trình chăm sóc bệnh nhân Covid-19. Cả gia đình tôi ai cũng lo, nhưng tôi biết đơn nguyên điều trị bệnh nhân Covid-19 hoàn toàn độc lập và bệnh viện đã áp dụng các biện pháp cần thiết để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân và nhân viên y tế, nên động viên tinh thần bà và trấn an cả nhà để cho bà nằm viện.
Mẹ tôi ở lại điều trị. Bệnh viện cho phép 1 người thân duy nhất được tới chăm bệnh nhân. Em gái tôi lãnh trách nhiệm này. Bà được chụp CT ổ bụng, điều trị kháng sinh. Rất may bà đáp ứng điều trị tốt. Vài ngày sau bà được nội soi dạ dày và đại tràng, phát hiện ra vài tổn thương rất nhỏ trong dạ dầy, nhưng không chẩn đoán được là viêm loét hay có u. Bà được điều trị thêm kháng sinh trong 3 ngày rồi cho ra viện và sau 1 tháng quay lại tái khám.
Cả nhà tôi vui mừng. Hú vía.
Ngẫm lại mới thấy là may, nếu như bà không tình cờ đi khám để lấy thuốc điều trị cao huyết áp, ở nhà đau bụng lâm râm cứ gắng chịu vì sợ đến bệnh viện dễ mắc Covid-19, thì rất có thể bệnh tình đã tiến triển nặng thêm. Và hậu quả có thể là sẽ phải điều trị lâu hơn, sức khỏe bị tổn hại nặng nề hơn.
Mùa dịch Covid-19, rất nhiều người bệnh sợ đến bệnh viện. Vài hôm nay nghe thấy những câu chuyện buồn về việc bị ốm không dám đi khám, tự mua thuốc về chữa và có người đã tử vong.
Một bệnh nhân nam 64 tuổi ở huyện Thạch Thất (Hà Nội) có tiền sử bị gút mãn tính, viêm loét dạ dày, suy thận mãn tính đã tự điều trị ở nhà bằng thuốc mua qua mạng. Khi sức khoẻ quá yếu, có biểu hiện nôn ra máu, tím tái bệnh nhân mới tới viện cấp cứu. Bệnh viện Đa khoa Thạch Thất hết sức cứu chữa, nhưng bệnh nhân vẫn không qua khỏi.
Một bé trai 3 tuổi ở quận Đống Đa (Hà Nội) có biểu hiệu đau bụng, cũng được mẹ tự mua thuốc về điều trị. Bé trai đã suýt bỏ mạng vì bị viêm phúc mạc ruột thừa.
Thực sự đến bệnh viện có đáng ngại trong mùa Covid-19 hay không? Câu trả lời là không!
Để tránh lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở y tế đã áp dụng nghiêm ngặt quy trình phòng dịch theo bộ Tiêu chí an toàn bệnh viện của Bộ Y tế. Các bệnh viện thực hiện việc phân luồng, sàng lọc bệnh nhân ngay từ đầu, đồng thời bố trí lối đi riêng cho người có bệnh lý nền, người có nguy cơ cao… để loại bỏ nguy cơ dịch bệnh xâm nhập.
Bên cạnh đó, theo quy định của Bộ Y tế, tất cả cán bộ nhân viên bệnh viện được định kỳ xét nghiệm, các bệnh nhân và người nhà bệnh nhân cũng vậy. Tới đây lại xuất hiện mối quan ngại mới: Tôi nằm viện, tôi có 1 người nhà vào chăm sóc, xét nghiệm của chúng tôi ai trả tiền, bởi phí xét nghiệm cũng không hề rẻ.
Hóa giải mối lo ngại này, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn hướng dẫn nguồn kinh phí chi trả xét nghiệm virus SARS-CoV-2 khi tăng cường xét nghiệm tại các cơ sở khám chữa bệnh (KCB). Theo đó, chi phí xét nghiệm Covid-19 được chi trả dựa trên 2 nguồn, gồm quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) và ngân sách nhà nước (NSNN).
5 nhóm người thuộc diện áp dụng gồm:
- Bệnh nhân nội trú;
- Người bệnh ngoại trú thực hiện xét nghiệm sau khi có quyết định chuyển vào điều trị nội trú;
- Cán bộ, nhân viên y tế, người lao động tại cơ sở KCB;
- Người chăm sóc bệnh nhân (tối đa không quá 2 người luân phiên) nếu được cơ sở y tế đồng ý cho ở lại;
- Người nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam đã hoàn thành thời gian cách ly y tế theo quy định nhưng thuộc các nhóm nêu trên.
Phạm vi áp dụng là các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc, bao gồm cả bệnh viện dã chiến và cơ sở tiếp nhận, điều trị ban đầu Covid-19. Các nhóm trên khi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại các cơ sở khám chữa bệnh được chi trả dựa trên 2 nguồn kinh phí, gồm quỹ BHYT và NSNN. Cụ thể, quỹ BHYT chi trả với các đối tượng trong 5 nhóm trên với người có thẻ BHYT khi đi KCB tại cơ sở theo phạm vi được hưởng và mức hưởng của trường hợp được bệnh viện chỉ định xét nghiệm.
Với những người thuộc nhóm trên nhưng không có thẻ BHYT hoặc có thẻ BHYT không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT và phần cùng chi trả (nếu có) của người bệnh, kinh phí sẽ do NSNN chi trả.
Vậy nên, những ai bị bệnh trong thời điểm này cần bình tĩnh, đừng vì quá lo ngại Covid-19 mà từ chối điều trị bệnh, dẫn đến những hậu quả đáng buồn.
Bệnh viện nào cũng có đường dây nóng, cùng các dịch vụ kết nối với bệnh nhân qua Facebook, Zalo, hay app trên điện thoại di động. Hãy liên lạc với bệnh viện trước để được tư vấn rồi hãy đến viện.
Và nhớ khi đến bệnh viện thì tuyệt đối tuân thủ thông điệp "5K" của Bộ Y tế.
Đừng vì những lo ngại vô căn cứ, những thông tin truyền miệng không có cơ sở khoa học mà tránh né những vấn đề sức khỏe của mình và "chịu đựng" không đến viện khi bị ốm trong mùa Covid. Nỗi sợ vô hình đó có khi còn khiến bạn suy nhược cả về tinh thần và thể chất nhanh hơn trận ốm, nhanh hơn đại dịch.