Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng (PCTN) đã họp đầu tháng Tám vừa qua dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo. Đây là phiên họp đầu tiên của Ban chỉ đạo kể từ sau Đại hội XIII của Đảng. Có lẽ vì thế nó mang theo tinh thần nghị quyết Đại hội.
Phải khẳng định dứt khoát rằng, chưa bao giờ công tác công tác đấu tranh PCTN, tiêu cực có chuyển biến tích cực và đạt kết quả đáng kể như trong thời gian vừa qua. Báo cáo Chính trị Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định, tham nhũng ở nước ta đã "được kiềm chế, ngăn chặn và có xu hướng giảm". Đây là nhận định mà phải dăm bảy kỳ đại hội mới đưa vào được trong Nghị quyết Đại hội. Từ Đại hội VII (1991) đến hết Đại hội XI (2011), sang nhiệm kỳ Đại hội XII (2016) tham nhũng, tiêu cực ngày càng nghiêm trọng, tinh vi, mở rộng hơn. Trong cả nhiệm kỳ Đại hội XII, bằng cố gắng, nỗ lực không ngừng nghỉ của cả hệ thống chính trị, công tác PCTN đã chuyển sang một giai đoạn mới.
Bắt đầu từ một mẩu tin nhỏ liên quan đến chiếc xe cá nhân Lexus được gắn biển số xanh do Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang lúc đó, Trịnh Xuân Thanh, sử dụng. Bài báo nhỏ đó đã tới được người đứng đầu Đảng ta Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về PCTN và ông yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ.
Đó cũng được nhiều người là "cú đấm mở màn" và cũng từ thời gian này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được nhân dân trao cho danh hiệu "Người đốt lò vĩ đại". Còn nhớ, những năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XII, nhiều cán bộ, đảng viên, kể cả một số đại biểu Quốc hội, có những nhận định thiếu lạc quan, kém tin tưởng về công tác PCTN, gọi công tác này là "đánh trận giả", "bắt ruồi chứ không bắt "hổ"… Khi đó, nhiều người nghi ngờ rằng, quan tham đầy ô dù, công tác PCTN không cân sức, có nhiều lực cản, bao che, né tránh, đe dọa, mua chuộc, không ai dám nói - đó là điều đáng sợ nhất. Chắc đến giờ sự hoài nghi về kết quả công tác PCTN đã không còn, nhất là "vùng cấm" đã giảm hẳn nhờ "lò" ngày càng cháy lên rừng rực.
Đảng, Nhà nước, Chính phủ, cả hệ thống chính trị đang dồn nhân lực, vật lực cho công tác phòng, chống đại dịch đại Covid-19, coi "chống dịch như chống giặc". Trong hoàn cảnh đó, có những người nghĩ rằng công tác PCTN sẽ giãn ra, "thư thư một chút"! Nhiều vụ án tham nhũng, án kinh tế lớn đã được xét đi, xét lại nhiều lần, các bị cáo như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ, "Út Trọc" đã quá "quen mặt", tội chồng tội, án đè lên án thì nên chăng có thể "khép lại"? Và như thế thì "lò" hãy ủ lửa đó, chống dịch xong ta lại khơi lên.
Tuy nhiên tại phiên họp Ban chỉ đạo vừa qua, người đứng đầu Đảng - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục khẳng định: "Qua thực tế 6 tháng đầu năm cho thấy, công tác PCTN không chững lại hay chùng xuống mà vẫn tiếp tục làm quyết liệt, bài bản, ngày càng có hiệu quả hơn, thêm nhiều bài học quý, có nhiều kinh nghiệm tốt hơn...".
"Củi" vẫn tiếp tục được cho thêm vào "lò". Điều này phần nào được Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo, Phan Đình Trạc đưa ra: Trong 6 tháng đầu năm, các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố mới 1.850 vụ án/3.294 bị can về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ, trong đó có 144 vụ án/384 bị can các tội tham nhũng. Cũng từ đầu năm 2021 đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật đối với trên 70 tổ chức đảng, trên 8.000 đảng viên vi phạm, trong đó có gần 180 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái và hơn 20 đảng viên bị kỷ luật do vi phạm về kê khai tài sản, thu nhập. Ngành Thanh tra, Kiểm toán đã phát hiện sai phạm về kinh tế 54.474 tỷ đồng và 1.760 ha đất, từ đó kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị thu hồi đất và kiến nghị xử lý hành chính 851 tập thể, 2.073 cá nhân một cách nghiêm khắc.
Riêng các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, từ sau Phiên họp 19 của Ban Chỉ đạo đến nay, đã khởi tố mới, khởi tố thêm, phục hồi điều tra, kết thúc điều tra, truy tố, xét xử hàng chục vụ án, hàng trăm cá nhân…
Các vụ án được làm quyết liệt, đến nơi đến chốn, không "đầu voi đuôi chuột", "đánh rắn giữa khúc" mà tiếp tục được làm rõ hơn, mở rộng khi có dấu hiệu sai phạm. Điều này thể hiện qua việc khẩn trương đưa ra xét xử những vụ án trọng điểm như: Vụ án xảy ra tại Công ty Ethanol Phú Thọ và Tổng Công ty xây lắp dầu khí Việt Nam; Dự án cải tạo và mở rộng sản xuất giai đoạn 2, Công ty Gang thép Thái Nguyên; Tổng Công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco); Công ty Nhật Cường và một số đơn vị liên quan... Như vậy có cả "củi" mới, cả "củi" cũ, cả "củi tươi", cả "củi khô"... bảo đảm "lò" vẫn cháy hồng đỏ rực.
Một chuyển biến rất tích cực nữa là tình trạng "trên nóng dưới lạnh" những năm trước đây đã và đang được khắc phục. Điều này có nghĩa là số lượng "củi" để cho vào "lò" không chỉ ở trung ương mà còn được cấp từ nhiều địa phương và các bộ, ngành. Các địa phương qua thanh tra, kiểm tra đã chuyển 80 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật. Nhiều địa phương đã khởi tố mới nhiều vụ án tham nhũng, án kinh tế… Đó là, tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm trong các vụ án, vụ việc xảy ra tại Đồng Nai, Bình Dương, TP Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi; vụ án đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ liên quan đến Phan Văn Anh Vũ; vụ án xảy ra tại Cục Quản lý dược - Bộ Y tế, Công ty VN Pharma và các cơ quan, đơn vị có liên quan...
Tại phiên họp vừa qua, Tổng Bí thư Trưởng Ban chỉ đạo đã yêu cầu, tới đây, các vụ việc tiêu cực sẽ được làm rõ nội hàm, phạm vi để phòng, chống theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Như vậy, không những có những khúc "củi to" mà còn nhiều "những thanh củi vừa và nhỏ" tiếp tục giữ cho "lò" liên tục "đỏ lửa".
Nếu như trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 là chúng ta đang ra sức đề chiến thắng loại "giặc" vô hình thì trong cuộc đấu tranh PCTN thì là "quân ta đánh quân mình". Đọc các con số, nhất là những vụ án tham nhũng, án kinh tế lớn, thời gian qua chúng ta thấy vui mừng cho kết quả công tác PCTN nhưng lại rất trăn trở vì trong công tác này và xót xa vì tiền thuế của dân, doanh nghiệp, tiền đi vay... bị tham nhũng, lãng phí, thất thoát rất lớn, vì hầu hết các tập thể, cá nhân vi phạm hầu hết là cán bộ, đảng viên, công chức nhà nước, trong đó có nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý có chức cao, quyền trọng!
Chúng ta mừng vì các cơ quan chức năng "khui" ra được những đầu mối, đường dây, "cánh hẩu", lợi ích nhóm, nhưng cũng trăn trở, băn khoăn và giật mình khi tham nhũng, đưa hối lộ, nhận hối lộ, môi giới hối lộ đã "bắt rễ" vào được cả những cá nhân công tác trong cơ quan, đơn vị trọng yếu, cơ mật của Đảng và Nhà nước.
Chúng ta vui mừng vì gần đây, các cơ quan chức năng đã kịp thời ngăn chặn không để một đại biểu của dân, một Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương lọt vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nhân dân. Nhưng cũng băn khoăn và đặt câu hỏi: tại sao ông Trần Văn Nam đã trải qua nhiều vị trí như công tác quan trọng và vi phạm kỷ luật từ lâu mà đến nay mới được phát hiện? Phải chăng, công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát ở những nơi đó có vấn đề?
Ngày 28/7/2021, Bộ Chính trị vừa ban hành Quy định số 22-QĐ/TW "Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng" một phần xuất phát từ những sai sót trong công tác kiểm tra, giám sát ở nhiều nơi thời gian qua, và nhằm góp phần quan trọng vào bịt kín các lỗ hổng trong công tác quản lý, kiểm tra, giám sát cán bộ?
Trong cuộc chiến kiên trì, bền bỉ, lâu dài chống "giặc nội xâm" này, từ thực tế những năm gần đây, người dân rất tin vào quyết tâm chính trị của Đảng ta. Đến nay, người dân càng tin hơn khi trong đại dịch Covid-19, "Người đốt lò vĩ đại" yêu cầu tiếp tục cho "củi" vào "lò" để cho "lò" luôn luôn "rực cháy", dù "cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được"; "ai nhụt chí thì dẹp sang một bên cho người khác làm". Đó là sự kết tinh ý chí chính trị, tầm nhìn, sự kiên định và cả tâm huyết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đó cũng là tiếng lòng của nhân dân hiện nay: "Dân ta đã nói là hành. Đã đốn quyết đốn cả cành lẫn cây".