Hai con dấu trên giấy đi đường ở Hà Nội

Thanh Hải Thứ ba, ngày 10/08/2021 09:00 AM (GMT+7)
Hà Nội "náo loạn" vì giấy đi đường. Người dân, doanh nghiệp mất cả ngày khốn khổ chầu chực xin xác nhận Giấy đi đường, còn UBND cấp phường lãng phí một ngày vàng chống dịch để lo kiểm tra, xác nhận thủ tục hành chính cho người dân.
Bình luận 0

Tối muộn hôm qua (9/8), ông Nguyễn Mạnh Quyền – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội thông báo: "TP.Hà Nội sẽ điều chỉnh việc kiểm tra cho thực chất và phù hợp hơn".

Ông Quyền cũng là người ký văn bản 2562/UBND-KT nhằm siết chặt việc xác nhận và sử dụng giấy đi đường trong thời gian giãn cách xã hội trước đó hơn 24 giờ.

Đến sáng nay 10/8, UBND TP.Hà Nội chính thức có văn bản thông báo điều chỉnh văn bản 2562 do đã "lúng túng trong triển khai thực hiện, chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cũng như yêu cầu phòng chống dịch bệnh".

Trước đó, với văn bản 2562, lực lượng chức năng trực ngoài đường có thêm nhiệm vụ kiểm tra, nhắc nhở công dân ra đường phải có thêm lịch trực, lịch công tác hay văn bản phân công công việc. Một chị ở cơ quan tôi "được" cán bộ giữ chốt kiểm soát dịch Covid-19 nhắc nhở: Nếu ngày mai không có thì chị ở nhà, không phải đi làm. 

Thật sự là một văn bản gây nhiều hệ luỵ, phiền phức. Văn bản ban hành tối Chủ nhật, nên sáng đầu tuần những ùn ứ cục bộ xuất hiện trên nhiều tuyến đường ở thủ đô Hà Nội. Người đứng sát người trên đường phố, dòng người lưu thông bị chặn lại để lực lượng chức năng để kiểm tra giấy tờ.

Khuyến cáo 5K của Bộ Y tế tạm thời không có hiệu lực ở những chỗ như vậy. "Lấy đâu ra chỗ để đứng cách 2m" – một vị Giám đốc Bệnh viện đã nhận xét.

Chưa hết, văn bản 2562 còn được người dân đặt cái tên "công văn tăng cường tiếp xúc" khi những câu chữ trong đó khiến đại diện hàng nghìn doanh nghiệp đổ về các trụ sở UBND phường xin xác nhận giấy tờ.

Bởi, UBND TP.Hà Nội yêu cầu Giấy đi đường của một số cơ quan, đơn vị phải có xác nhận của cả cơ quan, đơn vị và chính quyền nơi cơ quan, đơn vị hoạt động (trước đó chỉ cần một trong hai nơi xác nhận).

Nghĩa là, trên tờ Giấy đi đường theo mẫu của UBND TP.Hà Nội, cần có hai con dấu đỏ chót. Một của đơn vị cấp Giấy đi đường cho nhân viên, một của UBND xã, phường xác nhận.

Người ta lại đôn đáo hỏi thăm nhau về mẫu lịch trực, lịch công tác sao cho chuẩn, tất tả hỏi thủ tục xin xác nhận của UBND phường, xã như thế nào.

 Hai con dấu trên giấy đi đường ở Hà Nội - Ảnh 2.

Lực lượng chức năng kiểm tra giấy đi đường của người dân trong sáng 9/8. (Ảnh: Trung Nguyên).

Cũng từ đây, những "sáng tạo" về mặt thủ tục hành chính được UBND cấp phường phát kiến ra để hướng dẫn doanh nghiệp nộp hồ sơ. Mỗi phường một kiểu, chỗ yêu cầu "5 gạch đầu dòng", nơi hướng dẫn doanh nghiệp cần "7 gạch đầu dòng".

Có những đại diện doanh nghiệp, chưa từng đến trụ sở UBND phường nơi doanh nghiệp hoạt động, giờ phải đôn đáo lo bộ hồ sơ gồm: Giấy đăng ký kinh doanh, Kế hoạch phòng chống dịch, Hợp đồng lao động, Căn cước/CMND hoặc giấy tờ tùy thân khác của người lao động, Giấy đi đường của đơn vị xác nhận cho người lao động. Có phường yêu cầu thêm Giấy ủy quyền nếu không phải trực tiếp Giám đốc đi làm hồ sơ, thậm chí yêu cầu cả Bảng lương của doanh nghiệp. 

Một cán bộ trong doanh nghiệp có hàng nghìn lao động đặt ở huyện ngoại thành Hà Nội đặt câu hỏi với chúng tôi: Chủ tịch xã làm sao giám sát, kiểm tra được mấy trăm trang lịch công tác, lịch trực của chúng tôi? Băn khoăn thế, nhưng doanh nghiệp của vị này vẫn phải thực hiện thủ tục "ở trên giao xuống".

Vậy là, sau một đêm, UBND cấp phường, xã làm thay công việc của cả ngành KHĐT, LĐTBXH hay Công an để kiểm tra các loại giấy tờ liên quan đến doanh nghiệp.

Kiểm tra, xác nhận để làm gì khi vẫn "thòng" câu "doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những thông tin đã khai báo"?

Còn nhớ, từ ngày 24/7, Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19. Lãnh đạo Thủ đô nhấn mạnh đây là "thời gian vàng" để khống chế dịch bệnh.

Ngày đầu tiên trong chuỗi "thời gian vàng", các cửa ngõ Thủ đô loay hoay với xe luồng xanh, trước khi Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT) và Cục CSGT (Bộ Công an) vào cuộc phối hợp phân luồng từ xa. Sau đó, dân tình mất vài ngày làm quen với mẫu Giấy đi đường do thành phố công bố.

Và như đã biết, thêm một ngày "vàng" ở Thủ đô trôi qua với những đám đông ùn ứ trên đường chờ kiểm tra giấy tờ, những UBND phường ùn ùn người đến làm thủ tục hành chính khiến cán bộ phường rơi vào tình trạng quá tải. Cán bộ các phường thay vì dành ngày vàng chống dịch đã quay sang hướng dẫn, tiếp nhận xử lý hồ sơ cho doanh nghiệp. 

Trong khi đó, những cơ quan Nhà nước trên địa bàn TP, ví dụ như Sở KHĐT Hà Nội – cơ quan cũ của ông Nguyễn Mạnh Quyền đã thông báo dừng đón tiếp trực tiếp công dân tại trụ sở để thực hiện Chỉ thị 17 của UBND TP.Hà Nội.

Nói dại mồm, sau này nhỡ có thông báo "CDC Hà Nội tìm những người đã đến UBND phường X ngày 9/8 trong khung giờ …" thì thật căng!

Sau một ngày mệt nhoài với những tranh cãi, với thủ tục hành chính nhiêu khê, người ta dẫn trích đoạn trong truyện ngắn Đôi mắt của nhà văn Nam Cao để liên tưởng: "Anh đi, hỏi. Anh về, hỏi, hỏi nữa. Anh vừa ra khỏi làng, sực nhớ quên cái mũ, trở lại lấy, cũng hỏi rồi mới cho vào. Lát nữa anh ra, lại hỏi. Hình như họ cho cái việc hỏi giấy là thú lắm".

Đây là câu nói của nhân vật Hoàng – một nhà văn ở Hà Nội về tản cư tại vùng nông thôn.

Chúng tôi không nghĩ vậy, bởi ngay trong truyện ngắn Đôi mắt, Hoàng là nhân vật có cái nhìn phiến diện "đã quen nhìn đời và nhìn người một phía thôi".

Chúng tôi biết rằng, TP.Hà Nội đang áp dụng những biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để giữ gìn sức khỏe cho người dân. Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội là để ngăn chặn dịch bùng phát.

Phần đông người dân Hà Nội đang chấp hành nghiêm những chỉ đạo của Thành phố, bởi họ chắc chắn không muốn Thủ đô "bung và toang". Những cá nhân, vi phạm cần được xử lý nghiêm theo chế tài đã có, xướng tên trên các phương tiện truyền thông.

Những quyết sách với mục đích tốt đẹp cần nhìn từ người dân. Quy định kiểm soát chặt chẽ việc giãn cách xã hội không nên kèm theo đống giấy phép con.  Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp cấp Giấy đi đường và bản thân những người cầm Giấy đi đường phải thực hiện theo quy định và chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu vi phạm.

Những ai không thực hiện đúng đã có chế tài xử lý, đừng vì một số ít cá nhân vi phạm kéo theo nhiêu khê, phiền phức cho hàng nghìn, hàng chục nghìn người khác.

Tận dụng thời gian vàng, như cách lãnh đạo Hà Nội đã nói, rất cần những quyết sách vàng để Thủ đô đạt được mục tiêu kép. Quyết sách phải nhanh nhưng không thể ẩu, gây khó cho dân. 

 Và đừng để ngày vàng hôm sau, chúng ta phải ngồi lại "rút kinh nghiệm" hay điều chỉnh cho thực chất hơn những quyết sách của ngày hôm trước.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem