Kiev đã bị tấn công vào hôm 15/4 bởi một loạt vụ nổ mạnh nhất kể từ khi lực lượng Nga rút khỏi khu vực này hai tuần trước. Moscow cho biết họ đã tấn công một nhà máy ở thủ đô chuyên sản xuất và sửa chữa các tên lửa của Ukraine, bao gồm cả tên lửa chống hạm.
Bộ Quốc phòng Nga cho biết: "Số lượng và quy mô của những cuộc tấn công bằng tên lửa vào các mục tiêu ở Kiev sẽ gia tăng nhằm đáp trả bất kỳ động thái khủng bố hoặc hành động phá hoại nào trên lãnh thổ Nga do Ukraine thực hiện".
Kirill Kyrylo, 38 tuổi, một công nhân tại một cửa hàng sửa chữa ô tô, cho biết anh đã nhìn thấy ba vụ nổ tại một tòa nhà công nghiệp bên kia đường, gây ra một đám cháy và sau đó được lực lượng cứu hỏa dập tắt.
"Tòa nhà bốc cháy và tôi phải nấp sau chiếc xe hơi của mình", anh nói, đồng thời chỉ vào những mảnh kính vỡ của tiệm sửa chữa cũng những mảnh kim loại văng ra từ tòa nhà đang cháy bên kia đường.
Vụ tấn công xảy ra sau khi Kiev tuyên bố đánh chìm chiến hạm thuộc hạm đội Biển Đen của Nga bằng tên lửa của Ukraine, giáng một trong những đòn nặng nề nhất cho nỗ lực của Moscow và là biểu tượng cho sự kháng cự của Kiev trước một lực lượng được trang bị hiện đại hơn.
Ukraine cho biết quân đội nước này đã bắn trúng tàu tuần dương Moskva bằng tên lửa từ bờ biển. Nga không xác nhận vụ tấn công nhưng cho biết con tàu bị chìm sau vụ hỏa hoạn do nổ kho đạn. Moscow cũng nói thêm rằng hơn 500 thủy thủ đã được sơ tán.
Mặc dù Nga không thừa nhận rằng tên lửa Ukraine đã bắn trúng con tàu, nhưng vào đầu ngày 15/4, nước này đã tấn công nơi mà họ mô tả là một nhà máy sản xuất và sửa chữa tên lửa chống hạm ở Kiev, đây được đánh giá là một động thái nhằm trả đũa Ukraine.
Moskva cho đến nay là tàu lớn nhất của Nga trong hạm đội Biển Đen, được trang bị tên lửa dẫn đường để tấn công bờ biển và bắn hạ máy bay, cùng với đó là radar để bảo vệ phòng không cho hạm đội.
Trong một bài diễn văn, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy đã bày tỏ lòng kính trọng đối với "những người đã chứng minh rằng tàu chiến Nga hoàn toàn có thể bị hạ gục".
Nga đã sử dụng sức mạnh hải quân của mình để phong tỏa các cảng của Ukraine và làm dấy lên lo ngại về một cuộc đổ bộ dọc theo bờ biển. Mặc dù vậy nếu không có soái hạm Moskva, khả năng đe dọa Ukraine từ bờ biển của lực lượng Nga có thể bị tê liệt.
Michael Kofman, một chuyên gia về quân sự của Nga, viết trên Twitter: "Nếu các báo cáo về vụ chìm tàu Moskva là đúng thì đó sẽ là đáp án cho câu hỏi về tình trạng quân sự hiện tại của Nga".
Không có tàu chiến nào có kích thước lớn như vậy bị đánh chìm do xung đột kể từ khi Tướng Belgrano của Argentina, bị trúng ngư lôi của Anh trong cuộc chiến Falklands năm 1982.
Ở Mariupol, Bộ Quốc phòng Nga cho biết họ đã chiếm được nhà máy thép Ilyich, một trong những khu công nghiệp cuối cùng còn tồn tại ở thành phố phía đông bị bao vây, nơi chứng kiến cuộc giao tranh khốc liệt nhất và thảm họa nhân đạo tồi tệ nhất.
Ukraine cho biết họ đã đẩy lùi các lực lượng Nga ở thị trấn Popasna và Rubizhne, khu vực phía bắc Mariupol. Cả hai báo cáo vẫn chưa được Reuters xác nhận.
Nga đã rút quân khỏi miền bắc Ukraine trong tháng này sau khi cuộc tấn công bằng xe thiết giáp khổng lồ nhằm vào Kiev bị đẩy lùi ở ngoại ô thủ đô.
Moscow cho biết mục tiêu chính của họ là kiểm soát Donbass, một khu vực phía đông của hai tỉnh vốn đã bị lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn nắm giữ một phần và Nga muốn Kiev nhượng lại.
Cảng Mariupol bên Biển Đen, nơi sinh sống của 400.000 người trước chiến sự, đã trở thành đống đổ nát sau bảy tuần bị bao vây và ném bom, với hàng chục nghìn người bị mắc kẹt bên trong. Ngoài ra, hàng nghìn thường dân được ghi nhận đã thiệt mạng.