Choáng ngợp trước kiến trúc độc đáo trong ngôi nhà thờ cổ ở Hà Nội. Clip: Bích Thuận - Thảo Quyên
Dòng họ Đỗ tại Việt Nam là một dòng họ có sức ảnh hưởng nhất định đến lịch sử phát triển của dân tộc với truyền thống hiếu học và đỗ đạt. Nhiều người con ưu tú của dòng họ Đỗ đã khẳng định được tên tuổi và đóng góp nhiều công sức vào công cuộc dựng xây nước nhà. Trong đó phải nhắc đến cụ tổ dòng họ Đỗ Thế Giai ở làng Đông Ngạc, Hà Nội.
Với nhiều cống hiến của mình, khi qua đời, cụ Đỗ Thế Giai được tôn làm thần, gọi là Thượng đẳng phúc thần và được triều đình xây dựng cho ngôi nhà thờ họ theo kiến trúc đình làng. Ông Đỗ Quốc Hiến hiện là chủ nhân đời thứ 15 của ngôi nhà thờ có niên đại gần 300 năm này.
Tìm đến nhà thờ họ Đỗ tại một con ngõ sâu bên trong làng Đông Ngạc, chúng tôi may mắn gặp ông Đỗ Quốc Hiến, hậu duệ đời thứ 15 dẫn đi tham quan về cảnh quan ngôi nhà.
Mở đầu lời giới thiệu, ông Hiến không khỏi tự hào: "Đây không phải nhà thờ bình thường, kiến trúc nhà thờ họ Đỗ có nhiều nét tương đồng kiến trúc của đình. Nhà thờ họ Đỗ là ngôi nhà thờ họ hiếm hoi được phép xây dựng theo lối kiến trúc của một ngôi đình làng".
Theo lời ông Hiến, nhà thờ họ Đỗ gồm 2 căn, căn ngoài là tiền tế (nơi diễn ra các lễ tiết), căn trong là chính điện (nơi cúng bái). Mỗi căn rộng 172 m2, hai căn xấp xỉ 350 m2. Điểm đặc biệt nhất của nhà thờ họ Đỗ là có khoảng không rộng 50 cm để làm nơi lưu thông khí trời ở giữa 2 căn nhà. Nguyên liệu chính để xây dựng nhà là các loại gỗ lim, xoan rừng, có độ bền cao. Mái nhà lợp bằng ngói âm dương, nền nhà lát gạch màu đỏ.
Tại gian tiền tế, nổi bật nhất là các bức hoành phi, câu đối được lưu giữ từ đời xưa. Bức hoành phi "thiết thạch tinh trung" (trung thành như sắt đá), và "thượng đẳng phúc thần" (phong thần) treo chính giữa có thể dễ dàng nhìn thấy khi bước vào, bên trái là bức "vạn phúc du đồng" và bên phải là bức "ngũ phúc lâm môn".
Gian chính điện vốn có tổng cộng 5 gian nhưng giờ chỉ còn 3 gian. Trong đó, gian chính giữa là thờ hai vợ chồng cụ Đỗ Đại Vương, gian bên phải thờ thầy giáo của cụ Đỗ Đại Vương cùng các cụ tổ trên cụ Đỗ Đại Vương, còn gian bên trái thờ cụ tổ thế hệ sau cụ Đỗ Đại Vương.
Các ban thờ tại gian chính điện được chạm trổ khá tinh xảo với các họa tiết trang trí theo lối vân xoắn, hoa lá cách điệu. Đây là lối chạm trổ độc đáo, có giá trị nghệ thuật cao.
Dù nhà thờ đã có tuổi đời 300 năm nhưng dòng họ Đỗ vẫn giữ được nguyên vẹn tất cả các hiện vật quý giá thời cha ông như hoành phi, câu đối, hương án, giường thờ, bộ kiệu, và nhiều vật dụng tế lễ khác. Ngoài ra, vật phẩm có giá trị phải kể đến hai tấm bia đá niên đại 1771 khắc ghi công trạng và đức độ của cụ tổ Đỗ Thế Giai.
"Từ những gì được lưu giữ, mỗi thành viên lại thấy được công lao to lớn của tổ tiên trong việc hình thành nên dòng họ hay công lao với nước nhà được sử sách ghi công. Chính bởi những giá trị lịch sử văn hóa ý nghĩa ấy mà nhà thờ họ luôn có một vị trí đặc biệt trong tâm thức của mỗi người con trong dòng họ", ông Hiến bộc bạch.
Với những người con luôn dành trọn vẹn tình cảm cho quê hương như ở làng Đông Ngạc thì các vấn đề còn tồn đọng trong công tác bảo vệ, giữ gìn di tích nhà thờ cổ cùng những di vật và truyền thống tốt đẹp từ đời cha ông luôn mang nhiều nỗi trăn trở. Ông Hiến cũng không ngoại lệ.
Ông cho biết, khách du lịch, trong đó có khách nước ngoài đã đến tham quan, tìm hiểu về ngôi nhà thờ có tuổi đời hàng trăm năm của dòng họ ông và tỏ ra rất thích thú. Điều đó cũng chứng tỏ du khách thập phương rất quan tâm đến lịch sử và những giá trị cổ xưa.
Vì vậy, việc bảo tồn, gìn giữ nhà thờ cũng như các hiện vật còn lưu giữ là rất quan trọng, nhất là sau này địa phương phát triển về du lịch, sẽ có nhiều người đến tham quan hơn.
Là một nhà thờ cổ có giá trị và hình thái kiến trúc độc đáo. Tuy nhiên, do thời tiết khắc nghiệt, mưa nắng, bão giông và thời gian dài bào mòn, một vài vật cổ đã xuống cấp nghiêm trọng.
"Trải qua thời gian dài, nhiều cây cột, cái kèo trong ngôi nhà đã bị hư hại nặng. Một số vật dụng làm bằng gỗ bị mọt cắn mòn dần. Ví dụ như hiện nay còn 1 cái kiệu trước đây cụ Đỗ Thế Giai được ban tặng, cái kiệu đó khoảng chừng 1 thời gian nữa thôi là sẽ không còn nguyên vẹn, nếu không giữ gìn, bảo quản một cách cẩn thận thì chắc chắn là nó hỏng thôi", ông Hiến chia sẻ bằng ngữ điệu đầy nuối tiếc.
Năm 2013, 2014, nhà thờ họ Đỗ đã từng được Sở Văn hóa Hà Nội về đo đạc, xem xét để xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia nhưng do một số người trong dòng họ không đồng ý nên chưa xếp hạng được, vì thế mà Nhà nước chưa có điều kiện giúp đỡ về kinh phí tu sửa nên ông Hiến cũng gặp không ít khó khăn.
"Trong khả năng có hạn, hàng năm, chúng tôi đều tìm cách chắp vá, sửa sang tạm thời những đồ vật có dấu hiệu hư hại. Chưa biết tương lai ra sao nhưng hiện tại những người con trong dòng họ Đỗ vẫn đang cố gắng duy trì nguyên trạng cho ngôi nhà", ông Hiến chia sẻ thêm.