Tần Thủy Hoàng (259 TCN - 210 TCN), tên thật là Doanh Chính, là Hoàng đế đầu tiên của một Trung Hoa thống nhất, mở ra hơn 2.000 năm thiết chế hoàng gia trên mảnh đất này. Là một nhân vật lịch sử có ảnh hưởng rất lớn ở Á Đông, danh tiếng của Tần Thủy Hoàng sau mấy nghìn năm đã được cả thế giới thừa nhận. Xung quanh vị Hoàng đế này thực sự có rất nhiều câu chuyện bí ẩn, làm tốn nhiều bút mực của giới chuyên gia.
Thời Chiến Quốc, Tần và Tề là hai nước hùng cường nhất, đông tây đối địch. Quân Tần thực lực mạnh nhất. Các nước khác vì vậy vô cùng bất an, liền hưởng ứng sách lược "Hợp tung" của Tô Tần, liên hợp chống Tần. Tần vì để khắc chế liên hợp các nước, bèn áp dụng mưu "Liên hoành" của Trương Nghi.
Từ năm 318 TCN đến năm 269 TCN, Tần không ngừng mở rộng chiến tranh chinh phạt với cả 6 nước còn lại (Hàn, Triệu, Ngụy, Tề, Sở, Yên). Tần càng ngày càng mạnh, 6 nước tuy nhiều lần hợp trung đánh Tần nhưng đều bất lực trước tiến trình nhất thống giang sơn của nước Tần. Nước Tần trải qua 6 đời quân vương dốc sức phát triển, đến lúc này đã quốc phú dân cường, tạo nền móng vững chắc để Tần Thủy Hoàng cuối cùng nhất thống Trung Hoa.
Sau khi thành công tiêu diệt 6 nước, vị Hoàng đế vốn nổi danh là khát máu, tàn bạo ấy chẳng những không đem các phi tần vong quốc đi xử tử, càng không nạp họ vào hậu cung của mình mà lại làm ra một hành động khiến người đời kinh ngạc.
Theo đó, ông đã hạ lệnh cho người mô phỏng lại kiến trúc của hoàng cung 6 nước, sau đó xây dựng lại những tòa cung điện giống như vậy trên một ngọn núi tại phía bắc thành Hàm Dương.
Những phi tử vong quốc sau khi được đưa về kinh thành đều ở lại nơi này. Mặc dù tại đây, họ chẳng còn có được quyền lực hô phong hoán vũ như khi xưa, thế nhưng cuộc sống sinh hoạt thường ngày cũng không có gì phải lo lắng.
Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, việc làm trên của Tần Thủy Hoàng cũng chỉ nhằm mục đích khoe khoang chiến công thống nhất thiên hạ của mình mà thôi.
Thế nhưng chí ít đây vẫn được xem là một việc làm trượng nghĩa đối với phụ nữ trong bối cảnh phong kiến lúc bấy giờ.
Bởi ít nhất, những phi tử phải chịu cảnh nước mất nhà tan kia cũng không phải tuẫn tiết để bảo toàn danh dự, không bị biến thành chiến lợi phẩm, hơn nữa còn có được một cuộc sống không phải lo tới cái ăn cái mặc trong bối cảnh loạn lạc khi ấy.
Có thể nói, mặc dù được cho một cuộc sống yên bình ngay cả khi đã lâm vào cảnh nước mất nhà tan, thế nhưng những phi tần kia đều phải chấp nhận bi kịch cô quạnh đến cuối đời.