Lần đầu chúng tôi lên Hủa Bum là khi Mường Tè ( Lai Châu) còn chưa tách ra để lập huyện mới Nậm Nhùn. Chúng tôi vào trường Mầm Non. Nhà gỗ nhỏ trên đỉnh đồi. Khi cô hiệu trưởng vội đến đón khách, chúng tôi hơi bất ngờ. Cô cao, đẹp như diễn viên điện ảnh hay người mẫu.
Ở điểm trường chính này, để nấu ăn cho các con, cần có bếp. Ở các điểm bản khác, có hai nơi lớp đổ nát lắm, cần dựng lại. Để quyết định quy mô tài trợ dựng lại các điểm trường, tôi hỏi cô Đào về số lượng học sinh ở mỗi điểm.
Cô lúng túng. Tôi hơi bực, nói với cô: "Sao cô là hiệu trưởng mà không nhớ có bao nhiêu học sinh ở điểm bản?". Tôi bực không hẳn vì chuyện này, mà vì tôi thấy ngay từ đầu, cô không để tâm vào việc đang bàn. Có vẻ như cô cũng cố gắng tiếp chuyện đấy, nhưng thoắt cái lại thấy như chìm vào những nghĩ ngợi đâu đâu. Sau khi tôi nói, cô giật mình rồi nói vanh vách số học sinh ở tất cả các điểm trường. Ngồi bên tôi, anh Phó phòng Giáo dục huyện cùng đi im lặng.
Chúng tôi thống nhất sẽ hỗ trợ xây dựng bếp ở điểm trường chính và khảo sát xây dựng lại lớp học tại một điểm bản đông học sinh. Khi tạm biệt, anh Phó phòng giáo dục đứng riêng với cô Đào, nói nhỏ "Anh xin lỗi, hôm đó anh đi vắng không về kịp. Em thông cảm". Tôi đi qua tình cờ nghe, cũng không để ý.
Chúng tôi đi vào các điểm xa hơn. Rồi từ các thầy cô giáo của các trường khác, chúng tôi tình cờ biết được: Gia đình cô Đào vừa qua một biến cố lớn. Cháu gái đầu lòng mất vì tai nạn giao thông. Hỏi được số điện thoại của cô Đào thì đã khuya lắm rồi, chúng tôi vẫn gọi điện xin lỗi. Không nói được lời xin lỗi thì không ngủ nổi vì ân hận. Chúng tôi đổi lộ trình, quay lại thăm gia đình cô.
Nhà cô giáo rất nhỏ, đối diện với cổng của đồn biên phòng. Cô người xuôi, lên đây dạy mầm non cũng đã lâu. Lấy chồng là lính biên phòng. Dịp cưới, đồng đội thu nhặt thân cây, thanh gỗ, dựng căn nhà này.
Tấm ảnh hai vợ chồng cô Đào và con gái treo trên tường. Trong ảnh cháu gái khoảng gần 10 tuổi, rất khỏe mạnh xinh đẹp, tươi cười nhìn xuống. Chúng tôi không dám hỏi, nhưng cô vẫn nói nhỏ: "Vâng, cháu đầu đấy ạ!". Khi đó con gái sau của cô mới khoảng một tuổi. Bé để cho tôi bế, ngồi ngoan, nhưng rất buồn bã.
Lát thì chồng cô, anh Kỷ, một trung úy biên phòng, chạy về. Hai vợ chồng đều chân tình, quý khách. Đã nhiều năm trôi qua, tôi vẫn không thể quên hôm đó. Tất cả - chúng tôi và vợ chồng cô Đào – không hỏi, không nói gì về nỗi đau lớn kia.
Hai vợ chồng cứ giữ chúng tôi lại ăn cơm, nhưng chúng tôi hẹn dịp khác. Lúc tiễn chúng tôi ra xe, cô Đào xách một can 5 lít mật ong, nói là mật ong tự quay được. Đi miền núi, ngại nhất là chuyện các thầy cô cho quà. Trọng tình lắm nhưng thật lòng không muốn nhận. Tôi nói chưa hết câu từ chối, thì mắt cô giáo đã đầy lệ. Bạn tôi vội vàng cầm can mật ong. Lên xe, bạn nói: "Tôi thấy cô ấy sắp khóc òa lên rồi!".
Về Hà Nội, chúng tôi thông tin trên trang của Quỹ mật ong của giáo viên trên núi tặng, bán lấy tiền nhập quỹ. Chỉ một lúc mọi người mua ủng hộ hết ngay. Có người gửi 10 triệu đồng cho một lít mật ong. Riêng tiền từ can mật ong đó, đã đủ để sau đó làm bếp cho lớp học của cô Đào.
Hủa Bum là xã biên giới rất rộng, diện tích tới trên 260 km2. Trường Mầm non của cô Đào có một điểm ở trung tâm xã, nhiều điểm còn lại ở sâu các bản, bản xa nhất phải đi bộ đường núi đến vài chục km. Hiệu trưởng phải quán xuyến các điểm trường. Mỗi lần đi về các điểm trường vô cùng vất vả, và cả đi, cả về thì mất mấy ngày.
Anh Kỷ là lính biên phòng, ngày đêm trực, đi tuần. Sống ở vùng núi nhiều cái khó, cái thiếu, trẻ con cũng đâu có điều kiện như bình thường. Vì thế khi sinh bé thứ hai, hai vợ chồng gửi bé Hạnh Nguyên về thành phố Điện Biên để ông bà trông nom giúp. Và cũng để bé được ở nơi thành thị đông vui hơn. Một hôm, bé đi ra phố, tai nạn giao thông bất ngờ xảy ra!. Người bà thương cháu quá ngất lên ngất xuống. Tin dữ đến, cả đồn biên phòng xúm vào lo giúp.
Lo cho con xong, anh Kỷ lại trực biên phòng, cô Đào về với lớp. Bạn biết không, nếu là dạy tiểu học, trung học hay đại học, có thể dạy học mà vẫn buồn. Còn cô giáo Mầm non thì khác. Cô phải cười, phải hát, phải múa để các con hát múa theo…
Tôi biết, đồng đội, đồng nghiệp đã làm tất cả để mái nhà gỗ nhỏ của cô Đào không lạnh. Để nỗi đau ở đó nguôi ngoai.
Có một năm, ngày 20/11, đơn vị truyền hình tôi làm thực hiện chương trình "Ngày Việt Nam", như một cầu truyền hình từ khắp nước, chủ đề là "Ngày thầy trò".
Chúng tôi dự kiến trong ngày đó, Chủ tịch nước sẽ có bốn lần qua sóng truyền hình nói chuyện với giáo viên ở 4 nơi khác nhau, đều là những chỗ còn khó khăn. Đó là một trường ở Đất Mũi, là trường học Phương Mỹ (Hà Tĩnh) vừa bị ngập trong lũ, là trường dưới chân cột cờ Lũng Cú. Và điểm thứ tư – chúng tôi muốn Chủ tịch nước nói chuyện với riêng vợ chồng cô Đào ở Hủa Bum.
Đến Phủ Chủ tịch, tôi đã nghĩ phải trình bày thế nào để Chủ tịch nước nhận lời. Đã khi nào trên truyền hình Chủ tịch nước 4 lần trong một ngày chúc 20/11 cho 4 nơi cụ thể đâu. Nhưng bất ngờ, vừa nghe tôi nói về cô Đào, Chủ tịch nước đồng ý ngay.
Chúng tôi cử một xe truyền hình lưu động lên Hủa Bum. Cô Đào chỉ biết là sẽ có phỏng vấn cô để đưa lên sóng chương trình đó. Vào giờ chiều về tối ngày 20/11 ấy, tôi từ phòng tổng khống chế ở Hà Nội đợi sóng từ Hủa Bum. Hiện lên căn nhà gỗ nhỏ. Tiếng gà lên chuồng và âm thanh xóm núi qua sóng truyền hình rất to. Người dẫn đầu cầu Hủa Bum hỏi chuyện công việc của cô Đào, anh Kỷ, rồi nói: "Bây giờ, có một lời chúc tới vợ chồng cô qua sóng truyền hình". Cô Đào ngỡ ngàng khi trên tivi, Chủ tịch nước nói: "Cô Đào, anh Kỷ và cháu Bảo Ngọc thân mến…."
Tôi còn nhớ đoạn cuối trong lời chúc với cô Đào: "Tôi biết để làm công việc dạy học ở vùng cao, các thầy cô giáo phải vất vả, hy sinh nhiều. Riêng hai vợ chồng cô còn có mất mát riêng rất lớn. Tôi mong cô Đào, anh Kỷ vượt qua để chăm sóc cháu Bảo Ngọc...".
Thời gian qua đi. Lần trở lại Hủa Bum, chúng tôi "đăng ký" trước xin được ăn tối ở nhà cô Đào. Vẫn căn nhà nhỏ ấy, hôm đó bữa cơm rất đông vui. Ngôi trường mầm non của cô Đào đã được xây dựng mới khang trang. Trẻ em sạch sẽ hơn, nhanh nhẹn hơn trước rất nhiều. Bé gái ngày xưa hay khóc khi tôi bế nay đã cười đùa.
Ít năm trước, chúng tôi nghe tin hai vợ chồng có thêm bé gái nữa. Hầu như tháng nào chúng tôi cũng lên vùng cao, nhưng lâu rồi chưa lên lại Hủa Bum.
Lại một lần 20/11 nữa. Tôi nhớ về căn nhà gỗ của cô Đào, anh Kỷ. Tôi nhớ về các thầy cô và tất cả cán bộ xã thôn của một nơi vùng núi Quảng Bình sáng sáng đồng loạt đi xe máy về thôn bản để chở học sinh đi học, chiều lại đưa về.
Tôi nhớ đến thầy giáo do thiếu giáo viên nên làm "thầy mầm non" ở Pa Cheo (Bát Xát). Khi chúng tôi đến, thầy giáo mầm non (có thể là nam giáo viên duy nhất của hệ mầm non?) đang dạy các em múa trong sân. Thấy người lạ, chàng trai ấy có lẽ rất ngại nhưng vẫn ngượng nghịu uốn người làm mẫu cho đám trẻ.
Tôi nhớ đến một thầy giáo cắm bản, ở trên núi đã lâu, nhưng cơ địa không chịu nổi rượu, say vật vã khổ sở mỗi lần cố uống chỉ để để thuyết phục người ta cho con đến lớp.
Tôi nhớ đến những căn nhà tạm năm nao của giáo viên cắm bản chênh vênh trên vực ở Y Tý, mùa đông ngăn gió bằng tấm bạt sọc xanh đỏ quấn quanh tường.
Tôi nhớ cô Hồng giáo viên ở Mường Hum, mùa lũ đi qua suối bị nước cuốn trôi, mấy ngày sau mới tìm thấy thi thể kẹt trong hốc đá. Tôi nhớ cổng nhỏ trước ngôi nhà lưng núi của vợ chồng thầy Hoàng, cô Thủy của trường Trung học cơ sở A Vao (Quảng Trị), và dáng cô Thủy đầu chít khăn tang đứng chơi vơi ở đó. Thầy Hoàng mấy hôm trước đó đi qua ngầm đã bị lũ cuốn đi.
Tôi nhớ đến những chén rượu uống ở Đồng Văn mừng 4-5 cặp chồng giáo viên người xuôi lên, vợ người Mông. Tôi nhớ cô giáo cắm bản nơi heo hút, ríu rít nói cười khi có khách đến, rồi khi chúng tôi chuẩn bị đi thì tìm mãi mới thấy cô trốn ra hiên sau khóc, vì chút nữa lại một mình với núi.
Tôi nhớ có căn nhà lá sườn núi ở Mường Khương mái thủng tan tành, cô giáo cắm bản cười chỉ cho tôi chiếc chậu nhôm, cô đã dùng che cho đứa con một tuổi bụ bẫm khi mưa đá cục trút xuống ào ào…
Vẫn biết 20/11 là ngày Nhà giáo Việt Nam, đủ để nghĩ về mọi người làm nghề dạy học. Nhưng trong thâm tâm, tôi vẫn nghĩ, giá như có thêm một ngày – Ngày của giáo viên vùng cao đất Việt.