Cơm Việt Nam Rice - xúc cảm khi rút ví

Nguyễn Mỹ Linh Thứ hai, ngày 03/10/2022 09:24 AM (GMT+7)
Nông sản Việt Nam những năm gần đây xuất khẩu ngày một nhiều vào thị trường châu Âu, việc hiểu thị trường và thay đổi cách tư duy bán hàng hy vọng rằng sẽ mang đến một sự thay đổi mới, khởi sắc hơn cho các nhà sản xuất.
Bình luận 0

Tháng 9, 860 tấn gạo Việt Nam đầu tiên đã bước được vào kệ hàng trong các đại siêu thị của Pháp. 860 tấn gạo với tên gọi Cơm Việt Nam Rice không chỉ là niềm vui cho chất lượng của gạo Việt - đã vượt lên và đáp ứng đủ các loại tiêu chí ngặt nghèo của nước Pháp, với tôi – nó còn là ví dụ cho một cách tiếp cận thị trường mới, đã trưởng thành hơn của nông nghiệp Việt Nam.

Sau nhiều thập kỷ, hàng nông nghiệp - đặc biệt là hạt gạo của người Việt luôn phải núp bóng dưới cái tên của những nhà xuất khẩu khác, hoặc đi vào thị trường hẹp là chỉ bán trong các siêu thị của người châu Á, thì việc vào được thị trường lớn và phục vụ cho người Pháp – đồng nghĩa với việc đi qua được nhiều cửa ải mới mẻ. 

Cửa ải của chất lượng, cửa ải của an toàn sức khoẻ và một cửa ải nữa mà trước đấy nhiều nhãn hàng Việt Nam chưa làm được, là đáp ứng nguyện vọng về thị giác, tâm lý của người tiêu dùng.

Ngày hôm nay,  để bán được món hàng – các nhà nhập khẩu không còn đơn thuần chỉ nhập hàng hoá và bày bán nó trên kệ. Trong muôn vàn món hàng cùng một hạng mục, chất lượng không quá chênh nhau thì những câu chuyện được bán kèm trong chiến lược maketing đóng vai trò không hề nhỏ.

Người Pháp, đặc biệt yêu thích những gì liên quan đến lịch sử, nguồn gốc văn hoá và tính nhân văn của món hàng mà họ cầm lên tay, trả tiền cho nó. 

Cũng là một hộp chocolat, nhưng nếu có thêm dòng chữ bé li ti ở phía dưới rằng trong giá thành của hộp chocolat này sẽ có phần trích lại cho nông dân – thì cơ hội bán nó cho người tiêu dùng cũng cao hơn. 

Hạt gạo – nếu được ghi rằng được trồng trên những cánh đồng đặc biệt của miền nam Pháp – nơi mà hạt gạo được mang từ Đông Dương và cấy xuống đầu tiên tại mảnh đất phương nam, thì câu chuyện cũng khiến người mua được khích lệ để mà trả tiền. 

Cơm Việt Nam Rice - xúc cảm khi rút ví - Ảnh 2.

Cũng như nhiều nơi trên thế giới, nhiều tiệm bánh hay chocolat ở Paris, không hẳn thật ngon hơn những nơi khác, nhưng dòng chữ "gia truyền" hoặc năm ra đời của tiệm được tính bằng thế kỷ, cũng làm nó được tăng giá trị.

Quay trở lại với câu chuyện hạt gạo, còn rất ít nhà nhập khẩu của Pháp chấp nhận nhập hàng nông nghiệp và bày bán nó trên kệ, đơn thuần thương mại. Việc này chỉ xảy ra với những nhãn hàng lâu đời và nổi tiếng có tính quốc tế – nghĩa là giá trị của nó đã được định vị sẵn với người tiêu dùng, người ta tìm đến nó để mua. 

Với những nhãn hàng mới, đặc biệt là hàng hoá đến từ những nước như Việt Nam - việc tạo ra một thương hiệu mới – phù hợp với thẩm mỹ, tâm lý của người tiêu dùng gần như trở thành việc đảm bảo cho sự thành công. 

Tại công ty Heushen & Schrouff, một trong những nhà nhập khẩu lớn nhất châu âu và cung cấp hàng châu Á cho các đại siêu thị trên 30 nước, một trong những công việc của bộ phận maketing là tìm hiểu tâm lý người tiêu dùng để từ đó xây dựng những thương hiệu mới cho những món hàng muôn năm cũ.

Cơm Việt Nam Rice cũng vậy – là sản phẩm được đặt tên mới cho một dòng gạo của Lộc Trời nhập vào châu Âu. Bao bì làm mới – theo thẩm mỹ người tiêu dùng Pháp. Chữ Việt Nam - được chọn để khẳng định nguồn gốc quốc gia – thay vì là gạo con rồng, con bướm, con ó của các nước lân cận hiện đang bán tại cùng hệ thống siêu thị này. 

Trước Cơm Việt Nam Rice, chưa có gạo Việt Nam nào xuất hiện trong hệ thống tiêu dùng của Pháp nên việc gọi đích danh xuất xứ là một sự lựa chọn của nhà nhập khẩu và nhà sản xuất. Sự lựa chọn này dựa trên quan điểm rằng giữa Việt Nam và Pháp đã có một mối gắn kết trong lịch sử, việc gọi đích danh xuất xứ sẽ giúp định vị tốt hơn và mang đến cho người tiêu dùng nhiều thiện cảm.

Cũng tương tự, nhãn gạo Sapa là dòng gạo sẽ chỉ bán cho B&B, dù được sản xuất tại đồng bằng sông Cửu Long, nhưng Sapa với người Pháp là một tên gọi quen thuộc và vì thế gạo Sapa ra đời.

Người ta không chỉ mua một sản phẩm, mà mua kèm thêm một câu chuyện.

Nông nghiệp Việt Nam những năm gần đây xuất khẩu ngày một nhiều vào thị trường châu Âu, việc hiểu thị trường và thay đổi cách tư duy bán hàng hy vọng rằng sẽ mang đến một sự thay đổi mới, khởi sắc hơn cho các nhà sản xuất.

Theo số liệu từ hải quan, gần 60% hạt điều đang được bán tại nước Pháp đều có xuất xứ từ Việt Nam, tuy thế cho đến hiện tại chưa có một nhãn hàng hạt điều nào mang dấu ấn xuất xứ quốc gia mà nó được sản xuất.

Cơm Việt Nam Rice có thể được coi là ví dụ đầu tiên và tích cực cho một cách bán hàng khác. Một cách bán hàng không chỉ hỗ trợ cho hình ảnh quốc gia mà phù hợp hơn với tâm lý người tiêu dùng thế giới ngày hôm nay – đang ngày càng đòi hỏi tính minh bạch của sản phẩm và ưu tiên sau giá cả là xúc cảm khi rút ví tiền.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem