Các hàng hoá tươi như rau củ quả, thực phẩm, hàng đông lạnh đều được bỏ áp dụng kiểm dịch. Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp, địa phương, đặc biệt là địa phương có vùng sản xuất nông sản tập trung xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cần tiếp tục chủ động cập nhật thông tin về tình hình hàng hóa thông quan qua các cửa khẩu biên giới và phối hợp chặt chẽ với các tỉnh biên giới phía bắc trong công tác điều phối lưu lượng hàng hóa xuất khẩu qua địa bàn.
Đây là lần đầu tiên sau 2 năm, Trung Quốc mở cửa đối với việc nhập khẩu hàng đông lạnh sau thời gian theo đuổi chính sách Zero Covid-19.
Trước đó, từ tháng 1/2021, Bộ Công Thương thông tin đến các doanh nghiệp, hiệp hội về quy định mới, tăng cường quản lý hoạt động nhập khẩu, đặc biệt là thực phẩm đông lạnh nhập vào Trung Quốc qua các cửa khẩu ở các tỉnh Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang.
Cụ thể, phía Trung Quốc kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch Covid-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa đông và mùa xuân.
Phía Trung Quốc sẽ lấy mẫu hàng hóa nhập khẩu trong container để kiểm tra, xét nghiệm, khử trùng khi bốc dỡ hàng hóa, phun khử trùng phòng dịch container rỗng.
Đối với các loại hàng đông lạnh nhập khẩu, cần đủ 4 loại giấy tờ như giấy chứng nhận kiểm nghiệm, kiểm dịch hàng hóa nhập khẩu, chứng nhận khử trùng, thông tin truy xuất nguồn gốc hợp pháp và xét nghiệm axit nucleic âm tính với Covid-19 mới được vào thị trường Trung Quốc.
Do Trung Quốc tăng cường kiểm soát biên giới để ngăn chặn Covid-19 nên có ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chỉ tăng khoảng 2 tỷ USD mỗi năm sau khi Trung Quốc siết chặt kiểm soát biên giới.
Chia sẻ với PV Dân Việt, đại diện doanh nghiệp dệt may tại Hưng Yên cho biết, tác động của việc Trung Quốc kiểm soát dịch Covid-19 rất lớn đối với xuất khẩu của Việt Nam tại thị trường này. Trước đây, mỗi tuần chúng tôi có khoảng 4 chuyến, mỗi chuyến 3 container sang Trung Quốc nhưng hai năm nay giảm chỉ còn 1 chuyến/tuần. Ảnh hưởng lớn đến đơn hàng và gia công cho đối tác.
Đại diện doanh nghiệp sản xuất, chế biến cá tra thuộc VASEP cho biết, việc Trung Quốc mở cửa trở lại và nới quy định kiểm dịch sẽ giúp doanh nghiệp giảm áp lực về đơn hàng, doanh số. Tuy nhiên, DN cần chủ động để ổn định sản xuất, đa dạng hoá thị trường.
Theo thống kê, Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc mỗi năm đạt từ 40-50 tỷ USD, trong đó điện thoại linh kiện, sắt thép, sơ sợi, rau quả luôn đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, Việt Nam cũng nhập từ thị trường này trung bình từ 50-100 tỷ USD/năm. Việc thị trường Trung Quốc mở cửa, bỏ kiểm dịch Covid-19 là dấu hiệu đáng mừng cho kinh tế Việt Nam, khi nhiều doanh nghiệp hiện mất đơn hàng, không có hợp đồng gia công, tỷ lệ tồn kho dư thừa tăng cao.