Khu mộ đã được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh, ngày càng thu hút nhà nghiên cứu và du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Độc đáo di tích kiến trúc nghệ thuật mộ Hội đồng Suông họ Hà và là người Việt gốc Hoa nằm trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang). Video: TÂY HỒ.
Từ đường Nguyễn Trung Trực đi vào một con hẻm chừng 100m sẽ đến khu mộ cổ Hội đồng Suông. Di tích tọa lạc trên một đồi đất cao khoảng 5m với các hạng mục như khu nhà thờ, long đình, khu mộ táng và hai hòn non bộ khổng lồ.
Toàn cảnh di tích kiến trúc nghệ thuật mộ Hội đồng Suông trên đường Nguyễn Trung Trực, TP Rạch Giá (tỉnh Kiên Giang).
Bà Nguyễn Kim Thu - cháu ngoại ông Thiềm Sơn (ông Thiềm Sơn gọi Hội đồng Suông là cậu ruột), người đang quản lý khu mộ cho biết ông Hội đồng Suông (tên thật là Hà Mỹ Song) đã thuê 2 kíp thợ người Việt và người Hoa có tay nghề để xây dựng khu lăng mộ này.
Bà Nguyễn Kim Thu bên cạnh ngôi mộ cổ.
Theo bà Thu, mỗi ngày ít nhất có vài người, đông thì đến vài chục người đến tham quan khu mộ. Nhà thờ có lối kiến trúc của người Hoa.
Mái nhà chính điện được uốn cong ở 4 góc, trang trí bằng các mảnh sành nhiều màu. Tường trang trí nhiều bức họa khảm sành sứ miêu tả phong cảnh thiên nhiên và các tích truyện Trung Hoa.
Khu nhà mộ được điêu khắc trên đá cẩm thạch hết sức tinh xảo.
Đặc biệt, dưới nền khu nhà chính là một hầm có cửa về hướng Tây, vách tường xây bằng đá. Bà Thu cho biết trước năm 1975, tầng hầm này là nơi diễn ra một số cuộc họp quan trọng của cán bộ cách mạng của tỉnh Kiên Giang bấy giờ và còn là nơi ẩn náu của một số chiến sĩ cách mạng.
Hầm nằm phía dưới gian nhà thờ chính là nơi diễn ra một số cuộc họp quan trọng của cán bộ cách mạng và còn là nơi ẩn náu của một số chiến sĩ.
Khu lăng mộ có tường bao quanh với những bức phù điêu bằng cẩm thạch trắng của Ý nhập về Việt Nam.
Độc đáo nhất là những con lân, phật thủ lá cúc bằng đá cẩm thạch hồng trang trí trên các cột đá, được trạm trổ vô cùng tinh xảo, sinh động và “có hồn”. Người nằm trong mộ là cụ ông Hà Mỹ Đức và cụ bà Trần Thị Nghĩa Hương - song thân của ông Hội đồng Suông.
Hòn non bộ khổng lồ làm bằng đá ong được xây dựng trong khu mộ cổ.
Hai bên mộ là hai hòn non bộ khổng lồ làm bằng đá ong, mỗi hòn cao khoảng 7m, có hang động, những ngách nhỏ đi qua không phải khom người, bên hông có đường lên núi, gọi là đông sơn mộ và tây sơn mộ.
Đông sơn mộ tạo nên cảnh núi non hùng vĩ nổi lên giữa biển khơi. Tây sơn mộ giống như một đài sen lộng lẫy giữa bầu trời. Bên cổng đi vào là hai bảo lư lớn đặt trên hai con rùa đá. Trong nhà thờ chính còn rất nhiều bức họa nằm rải rác có đường nét sắc sảo, tạo nên vẻ đẹp, thích thú cho du khách khi chiêm ngưỡng.
Mái nhà chính điện được uốn cong ở 4 góc, trang trí bằng các mảnh sành nhiều màu.
Hiện nay, mộ cổ Hội đồng Suông được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngôi mộ và khu nhà thờ mang vẻ đẹp, độc đáo của nghệ thuật điêu khắc ở Việt Nam. Ngày nay, giao thông thuận tiện, khu mộ đang ngày càng được nhiều người biết và đến tham quan.
Mộ Hội đồng Suông tọa lạc trên thế đất hàm rồng thuộc địa phận khu phố 2, phường An Hòa, TP. Rạch Giá (Kiên Giang). Năm 1934, ông Hà Mỹ Song - một người Việt gốc Hoa đã bỏ tiền xây cất khu lăng mộ này để chôn cất cha mẹ mình. Theo lời truyền miệng, ông đã bỏ ra 3.000 lượng vàng để xây cất khu mộ.