Năm 1214, nhằm tránh quân Mông Cổ ở phía bắc, nhà Kim chuyển kinh đô về Biện Kinh (tức Khai Phong – kinh đô cũ của nhà Tống). Thành Cát Tư Hãn cho rằng việc nhà Kim chuyển kinh đô về phía nam là nhằm củng cố và xây dựng lực lượng chống lại mình nên quyết định tiếp tục tấn công nước Kim một lần nữa.
Tháng 6/1214, Mông Cổ tấn công nhà Kim lần 2. Quân Mông Cổ từ Bắc Khẩu tấn công Cảnh Châu, Kế Châu, Đàn Châu, Thuận Châu, v.v..
Tháng 10/1214, Mộc Hoa Lê cầm quân tiến đánh Liêu Đông và liên tiếp giành chiến thắng. Sang năm 1215, quân Mông Cổ chiếm được Thông Châu, áp sát Trung Đô Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay).
Thành Cát Tư Hãn lệnh cho Mộc Hoa Lê tiến đến Yên Kinh, Triết Biệt thì đóng quân nhằm chặn tất cả các đường tiếp tế lương thảo từ Biện Kinh cho Yên Kinh.
Yên Kinh vô cùng vững chãi với 3 lớp hào và 900 tháp canh, hệ thống các máy bắn tên và hoả khí được bố trí dày đặc. Tuy nhiên không giống như lần trước, lần này quân Mông Cổ dùng máy bắn đá tấn công khiến quân Kim gặp khó khăn.
Hoàn Nhan Thừa Huy chỉ huy quân phòng thủ hết mùa đông đến mùa xuân, tuy nhiên lương thực trong thành cũng cạn. Hoàn Nhan Thừa Huy phải gửi huyết thư đến Kinh đô Biện Kinh xin cứu viện. Vua Kim liền cho quân chuyển lương đến Yên Kinh, nhưng dọc đường bị quân Mông Cổ tiêu diệt.
Không có lương thực, Hoàn Nhan Thừa Huy quyết định mở đường đánh một trận phá vây nhưng các tướng khác lại không tuân lệnh. Hoàn Nhan Thừa Huy dùng máu viết thư báo sự việc lên Vua rồi uống thuốc độc tự vẫn. Viên tướng trấn thủ thành hoảng sợ, vào ban đêm cùng ái thiếp bỏ trốn khỏi thành.
Các tướng trong thành Yên Kinh không thống nhất ý kiến liền đánh lẫn nhau. Đám quân thua trận liền mở toang thành đầu hàng quân Mông Cổ. Mộc Hoa Lê tiến quân vào trong thành, 8 vạn quân Kim bị tiêu diệt, Yên Kinh thất thủ vào tháng 5/1215.
Lúc này tàn dư bộ lạc Miệt Nhĩ quay lại quấy nhiễu thảo nguyên Mông Cổ. Thành Cát Tư Hãn buộc phải quay về thảo nguyên Mông Cổ. Mộc Hoa Lê được tin tưởng trao quyền chỉ huy toàn quân Mông Cổ đánh Kim.
Năm 1217, Thành Cát Tư Hãn cho sứ giả đến Đế quốc Khwarezm (bao gồm Iran, Turkmenistan, Uzbekistan, nửa Afghanistan và các vùng lân cận ngày nay) mang theo nhiều châu báu mong được giao thương, Tuy nhiên Đế quốc Khwarezm xem thường người du mục nên bắt giam lại.
Thành Cát Tư Hãn cho 3 sứ giả đến lần thứ hai, nói rõ mong muốn được giao thương và xin thả đoàn người trước đó. Tuy nhiên vua Shah Ala ad-Din Muhammad cho chém đầu một sứ giả, cạo trọc đầu 2 sứ giả còn lại nhằm hạ nhục rồi cho thả ra, đồng thời giết chết toàn bộ 500 người đến trước đó.
Được tin, năm 1217, Thành Cát Tư Hãn quyết định tấn công trừng phạt Khwarezm.
Lúc này Mộc Hoa Lê phụ trách thảo phạt nhà Kim. Thành Cát Tư Hãn rất tin tưởng vào tài năng và sự trung thành của Mộc Hoa Lê, phong cho Mộc Hoa Lê làm Quốc vương, Thái Sư cùng ấn tín bằng vàng, đồng thời còn hứa "Tử tôn truyền quốc, thế thế bất tuyệt".
Thành Cát Tư Hãn lệnh cho các bộ lạc Đông bộ cùng quân đội các tộc Khiết Đan, Nữ Chân, Hán tộc đến dưới trướng Mộc Hoa Lê, để ông phụ trách việc thảo phạt Kim quốc.
Thành Cát Tư Hãn còn ban "Cửu du đại kỳ" (lá cờ lớn có 9 tua), căn dặn chư tướng: "Mộc Hoa Lê cầm cờ này phát hiệu thi lệnh, cũng như ta đang ở đây." Cờ này tượng trưng cho quyền lực vô hạn của Đại Hãn.
Thành Cát Tư Hãn lại tuyên bố: "Phạm vi phía bắc, do ta quản lý; toàn bộ phía Nam do khanh cai trị", điều này có nghĩa giao phó cho Mộc Hoa Lê nửa giang sơn phía nam. Không một ai khác có được sự tin tưởng tuyệt đối của Thành Cát Tư Hãn đến như thế.
Nghiêm khắc với thuộc tướng
Mộc Hoa Lê luôn lắng nghe lời khuyên của các thuộc tướng và những người khác. Một lần một vị tướng người Hán là Sử Thiên Nghê kiến nghị lên Mộc Hoa Lê:
"Hiện nay Trung Nguyên vừa mới bình định, những nơi đại quân tới, nếu buông thả cho sĩ binh cướp bóc tài vật của bách tính, thì vi phạm tâm nguyện chăm sóc chúng dân của bậc đế vương, cổ nhân thường nói : 'Có thể lấy thiên hạ ngay lập tức, nhưng không thể trị thiên hạ ngay lập tức.' Quân Mông Cổ uy chấn các nơi, quốc thế cường thịnh, nhưng không thể chỉ dựa vào vũ lực mà quản lý đế quốc."
Mộc Hoa Lê khen phải, lập tức cấm chỉ việc cướp bóc, trả những tù binh già yếu về quê. Ông ra quy định kỷ luật quân Mông Cổ nghiêm minh, nhờ đó quân Mông Cổ thể hiện diện mạo mới.
Nhà Kim đánh Nam Tống thất bại
Năm 1217, Mộc Hoa Lê chỉ huy quân tiếp tục tấn công Kim. Cũng năm này, Truật Hổ Cao Kỳ nắm chức Tể tướng của nước Kim, chỉ huy toàn quân Kim. Nhưng trước sức mạnh của quân Mông Cổ, Truật Hổ Cao Kỳ phải cho rút quân về nam.
Bị mất các vùng đất phía bắc, Truật Hổ Cao Kỳ quyết định đánh Nam Tống để lấy vùng đất phía nam, đồng thời có thêm nguồn tài lực chống Mông Cổ. Tuy nhiên quân Kim đánh Nam Tống thất bại, năm 1218 thì Truật Hổ Cao Kỳ bị xử tử.
Qua đời trên chiến trường
Năm 1223, Mộc Hoa Lê cho quân tấn công vào Thiểm Tây, đánh thành Trường An, quân Kim có 20 vạn do tướng Hoàn Nhan Hợp Đạt chỉ huy.
Mộc Hoa Lê cùng 10 vạn quân bao vây quân Kim ở Phượng Tường suốt hơn 1 tháng, quân địa phương của Kim liên tục quấy nhiễu quân Mông Cổ. Theo kế hoạch thì quân Tây Hạ sẽ đến chi viện, tuy nhiên Mộc Hoa Lê chờ quân Tây Hạ mãi không được nên sinh ra phẫn uất.
Mộc Hoa Lê tiếp tục đưa quân tiến đánh Sơn Đông, mấy lần đại chiến đều giành chiến thắng. Quân Kim phải tập trung ở Đồng Quan, đóng cửa quan cố thủ, không dám nghênh chiến.
Lúc này Mộc Hoa Lê lâm bệnh rồi qua đời, trước khi mất ông di ngôn cho người em: "Ta vì quốc gia thành tựu đại nghiệp, binh đao suốt 40 năm, đánh Đông dẹp Tây, ta không có điều gì tiếc nuối, chỉ hiềm thành Biện Kinh chưa hạ được, nên ngươi phải tiếp tục nỗ lực!".
Danh tướng nhận nhiều vinh dự
Mộc Hoa Lê mất, quân Mông Cổ không còn như trước, khiến việc đánh Kim bị ảnh hưởng. Một năm sau, Thành Cát Tư Hãn phải đích thân cầm quân đánh Kim, ông nói rằng: "Nếu Mộc Hoa Lê còn sống, ta không cần phải tự thân đến nơi này!"
Trong đội quân của Thành Cát Tư Hãn rất nhiều người tài giỏi, không kể xuất thân, nhờ thế mà đội quân này đã sản sinh ra những vị tướng kiệt xuất. Ví như Tốc Bất Đài được ghi nhận trong lịch sử là đánh đâu thắng đấy xuất thân trong gia đình thợ rèn, gia nhập quân ngũ với cấp bậc thấp nhất.
Trong cuộc nội chiến ở Mông Cổ, Triết Biệt với tài bắn tên của mình đã khiến Thành Cát Tư Hãn bị thương suýt mất mạng. Nhưng chính Thành Cát Tư Hãn lại trọng dụng và cho Triết Biệt chỉ huy một đội quân hộ vệ cho mình. Sau này Triết Biệt trở thành viên tướng kỳ tài chinh phục khắp thế giới.
Mộc Hoa Lê xuất thân thấp nhất trong các tướng, chỉ là một nô lệ, nhưng bằng sự trung thành và tài năng của mình mà trở thành viên tướng kiệt xuất, được nhận nhiều vinh dự nhất, chỉ đứng sau Thành Cát Tư Hãn, nắm giữ một nửa giang sơn phía nam của Mông Cổ.
(Hết)