Dân Việt

Chủ tịch tỉnh Bình Định: "Mỏ đất 800 triệu nhưng đấu giá lên đến mười mấy tỷ đồng"

Dũ Tuấn 19/06/2024 10:05 GMT+7
Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định nói rằng, việc tạm dừng đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn do doanh nghiệp tham gia đấu giá xuất hiện hiện tượng "đánh nhau", đẩy giá lên quá cao, có nguy cơ dẫn đến tình trạng giá khoáng sản tăng. Đây là việc không tốt cho tỉnh nếu tiếp tục đấu giá.

Xuất hiện hiện tượng "đánh nhau", đẩy giá lên quá cao

Tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2024, ông Phạm Anh Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, hiện nay việc "đau đầu" là xử lý thực trạng thiếu mỏ khoáng sản phục vụ cho người dân.

Theo ông Phạm Anh Tuấn, thời gian qua tỉnh Bình Định đã tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản, thế nhưng lại xuất hiện hiện tượng doanh nghiệp tham gia đấu giá "đánh nhau", đẩy giá lên quá cao.

"1 mỏ đất tính ra giá chỉ 800 triệu đồng, nhưng khi vào đấu giá lại bỏ giá đến mức độ lên đến mười mấy tỷ. Như vậy, giá đất tự dưng tăng lên, các công trình của người dân, doanh nghiệp sau này cần mua khoáng sản sẽ bị thiệt. Việc này rất bức xúc", ông Phạm Anh Tuấn nói.

Chủ tịch tỉnh Bình Định:

Ông Phạm Anh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ảnh: DT.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, sau khi xem xét kỹ về mặt pháp luật, lãnh đạo tỉnh thống nhất, phải giới hạn lại trong các cuộc đấu giá, để không còn tình trạng đối tượng là cò mồi, không có công trình vẫn tham gia đấu giá, với mục đích kiếm tiền làm hồ sơ, có động cơ ăn chia.

"Vừa rồi quyết định tạm dừng đấu giá khoáng sản đã khiến nhiều người phản ứng nhưng tôi chấp nhận. Vì nếu tiếp tục đấu giá, đây là việc không tốt cho tỉnh. Đẩy giá lên rất chi là cao, chính vì vậy chúng tôi yêu cầu dừng lại", ông Tuấn nói.

"Tránh tình trạng xí phần để đấy, lợi dụng đẩy giá"

Ông Phạm Anh Tuấn cho biết, tỉnh Bình Định đưa ra tiêu chí mới với 3 nội dung chính để tiếp tục đấu giá khoáng sản, trong thời gian tới đây.

"Những người tham gia đấu giá phải có dự án trên địa bàn. Mỏ thương mại nhưng khi nào tỉnh yêu cầu vẫn phải cấp cho dự án theo giá dự án. Quy định thời hạn không quá dài, chỉ 2 năm từ ngày cấp phép khai thác thì phải dừng lại, còn muốn làm tiếp phải đấu. Tránh tình trạng xí phần để đấy, lợi dụng đẩy giá lên để kinh doanh", ông Phạm Anh Tuấn nêu yêu cầu.

Trước đó, việc đấu giá quyền khai thác 45 mỏ khoáng sản tại Bình Định đã diễn ra được 1,5 ngày, tuy nhiên đến chiều 26/12/2023 thì bất ngờ Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản thông báo tạm dừng việc đấu giá.

Động thái đột ngột trên, xuất phát từ công văn của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định đề nghị Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (thuộc Sở Tư pháp tỉnh Bình Định) tạm dừng việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản năm 2023, đối với các mỏ chưa tổ chức đấu giá.

Chủ tịch tỉnh Bình Định:

Tỉnh Bình Định đã đưa ra tiêu chí mới để tiếp tục các cuộc đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Ảnh: DT.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định cho hay, trong đợt này có 45 mỏ khoáng sản được đưa ra đấu giá quyền khai thác. Trong đó, đã đấu giá 23 mỏ khoáng sản (1 mỏ chỉ 1 hồ sơ đủ điều kiện tham gia nên bị hủy bỏ), còn lại 22 mỏ chưa đấu giá buộc phải tạm dừng.

Trả lời việc trong quá trình đấu giá, có việc gì bất thường buộc phải tạm dừng hay không?, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định khẳng định: "Khi triển khai đấu giá thấy chưa phù hợp nên phải tạm dừng, đấy là chuyện bình thường, không sao cả".

"Đối với những mỏ khoáng sản được doanh nghiệp đấu trúng thì coi như hoàn thành. Nhiều cơ quan đã tham gia theo dõi giám sát ngay từ đầu, kết quả đấu giá bình thường, không có gì bất thường", lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Bình Định khẳng định.