Nông dân giỏi tạo nhiều việc làm nông dân nghèo có thu nhập ổn định
Năm 2024, anh Trương Ngọc Nhật (xã Phú Gia, huyện Phú Vang) là một trong 63 nông dân trên cả nước được trao tặng danh hiệu "Nông dân Việt Nam xuất sắc". Bằng việc phát triển nuôi xen ghép và kinh doanh vật tư nuôi trồng thủy sản, từ hai bàn tay trắng, anh Nhật đã có doanh thu hàng chục tỷ đồng/năm.
Hiện anh Nhật đã sở hữu 35 hồ nuôi thủy sản xen ghép, bình quân mỗi hồ nuôi rộng từ 3.000 đến 5.000m2. Mỗi năm anh thu hoạch 10 tấn tôm chân trắng, 5 tấn tôm sú, 54 tấn cá dìa, 30 tấn cá đối, chưa kể lượng lớn cua. Doanh thu đạt được từ mô hình nuôi xen ghép là 11 tỷ đồng, lợi nhuận 2 tỷ đồng/năm.
Bên cạnh đó, anh Nhật còn sở hữu đại lý cung ứng vật tư, con giống thủy sản có doanh thu 12 tỷ đồng/năm, sau khi trừ chi phí đạt lợi nhuận khoảng 350 triệu đồng/năm. Tổng doanh thu của gia đình anh hiện mỗi năm đạt 23 tỷ đồng, tổng lợi nhuận mỗi năm đạt 2,35 tỷ đồng.
"Với 35 hồ nuôi cùng hệ thống cửa hàng cung ứng vật tư, con giống thủy sản cấp 1, hiện mỗi năm tôi giải quyết việc làm thường xuyên cho 15 lao động ở địa phương với thu nhập bình quân 12 triệu đồng/người. Ngoài ra, mô hình kinh tế của tôi còn tạo việc làm thời vụ cho 40 lao động. Có công ăn việc làm với thu nhập ổn định nên nhiều lao động từ chỗ hoàn cảnh gia đình khó khăn đã vươn lên thoát nghèo", anh Nhật chia sẻ.
Hơn 10 năm nay, mô hình nuôi xen ghép của anh trở thành hình mẫu để hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã Phú Gia cũng như huyện Phú Vang học hỏi, áp dụng vào phát triển kinh tế để vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Cùng với chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, anh còn hỗ trợ người dân bằng việc cho mua nợ vật tư nuôi trồng thủy sản đến cuối kỳ thu hoạch mới thanh toán. Hiện mỗi năm có khoảng gần 200 lượt hộ dân được anh cho mua nợ vật tư với số tiền dao động từ 60- 100 triệu đồng/hộ. Sự hỗ trợ thiết thực này đã giúp hàng trăm hộ dân từ hoàn cảnh khó khăn đã có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Anh Nhật cũng là một trong những người luôn đi đầu trong tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện ở xã Phú Gia cũng như huyện Phú Vang. Năm nào anh cũng trích một phần lợi nhuận thu được từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để tặng quà, hỗ trợ các hộ dân nghèo, cận nghèo và các hoàn cảnh kém may mắn ở trong và ngoài xã. Trong đó có 3 hộ dân hoàn cảnh khó khăn được anh nhận hỗ trợ kinh phí hàng tháng.
Phong trào nông dân giúp giảm nghèo lan tỏa
Ông Đỗ Viết Tư- Chủ tịch UBND xã Phú Gia cho biết, những năm qua, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" phát triển mạnh mẽ trên địa bàn xã, trong đó anh Nhật là một trong những hạt nhân giúp lan tỏa phong trào này. Với sự hỗ trợ về vốn bằng cách cho mua nợ vật tư nuôi trồng thủy sản và giải quyết việc làm cho nhiều lao động, anh Nhật đã giúp rất nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo.
Tại xã Phong Hiền (huyện Phong Điền), mô hình trang trại nuôi gà đẻ trứng, nuôi cá và trồng các loại cây ăn quả cho doanh thu tiền tỷ mỗi tháng của nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương Nguyễn Tấn Sáu tạo việc làm thường xuyên cho 7 lao động với mức thu nhập từ 7,5 - 10 triệu đồng/người/tháng, chưa tính lượng lớn lao động thời vụ. Nhờ có việc làm với thu nhập ổn định nên nhiều lao động làm việc tại trang trại của ông Sáu từ chỗ hoàn cảnh khó khăn đã vươn lên thoát nghèo.
Ông Hoàng Thanh Lương- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phong Hiền cho biết: Thực hiện phong trào "Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững", trong những năm qua, Hội Nông dân xã Phong Hiền đã triển khai sâu rộng cho cán bộ, hội viên và nông dân đăng ký danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Bình quân hàng năm có trên 68% hội viên nông dân cuả toàn xã đăng ký danh hiệu.
Thông qua phong trào đã tạo ra không khí thi đua sôi nổi, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế- xã hội ở địa phương. Đến nay toàn xã có gần 200 hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Các hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm cho hàng trăm lao động, giúp nhiều hộ khó khăn ở địa phương vươn lên thoát nghèo bền vững.
Theo Hội Nông dân tỉnh Thừa Thiên Huế, phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa, cuốn hút hội viên, nông dân tham gia. Từ trong phong trào xuất hiện nhiều hộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi vừa làm giàu cho gia đình, vừa giúp đỡ các hộ nông dân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn ở địa phương về vốn, việc làm để vươn lên thoát nghèo.
Tính riêng 3 năm trở lại đây, toàn tỉnh có 171.446 lượt hộ đăng ký thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và có hơn 94.494 lượt hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Trong đó, có 71.892 hộ đạt tiêu chí cấp cơ sở, 18.693 hộ đạt tiêu chí cấp huyện, 3.666 hộ đạt tiêu chí cấp tỉnh và có 243 hộ đạt tiêu chí cấp Trung ương.
Từ năm 2021, Hội Nông dân tỉnh có chủ trương thành lập Câu lạc bộ "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" các cấp. Hội đã thành lập được gần 70 Câu lạc bộ các cấp và các câu lạc bộ này là nơi nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi giao lưu, học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong sản xuất, kinh doanh, kết nối tiêu thụ, sản xuất theo chuỗi giá trị...
Các hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã và đang tạo việc làm tại chỗ cho hơn 21.190 lao động. Hội Nông dân các cấp vận động hơn 9,04 tỷ đồng giúp đỡ các hộ nghèo, khó khăn trong cuộc sống; vận động giúp đỡ 18.022 ngày công và hỗ trợ về vật tư, cây, con giống trị giá hơn 11,3 tỷ đồng cho hơn 1.624 lượt hộ nông dân nghèo tham gia phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.