Dấu tích còn lại
Làng Đông Sơn nằm bên bờ Nam sông Mã, dựa lưng vào núi Rồng thuộc địa phận phường Hàm Rồng, TP. Thanh Hóa (Thanh Hóa). Làng Đông Sơn gắn liền với những thăng trầm của vùng đất xứ Thanh. Đầu thế kỷ XX, các nhà khảo cổ đã phát hiện những di vật có niên đại trên 2.500 năm ở làng Đông Sơn.
Kiến trúc tinh xảo trên các xà gỗ trong nhà ông Lương Trọng Duệ . |
Và, cũng từ sự kiện này góp phần làm nên tên gọi cho một nền văn hóa khảo cổ học nổi tiếng thế giới: Văn hóa Đông Sơn. Làng cổ Đông Sơn từng được tấn phong vào danh sách 10 ngôi làng cổ đẹp nhất nước cùng với làng cổ Đường Lâm, Phước Tích... nhưng làng cổ Đông Sơn độc đáo ở chỗ hội đủ 5 di tích về khảo cổ, danh thắng, lịch sử văn hóa, cách mạng kháng chiến và kiến trúc.
Trải qua bao thăng trầm thời gian và những dập vùi của bom đạn chiến tranh, những gì còn lại ngôi làng này không còn nhiều. Trong làng, chỉ còn 13 ngôi nhà trên 100 năm tuổi được UBND phường liệt kê vào danh sách nhà cổ. Tuy nhiên, nhiều ngôi nhà đang xuống cấp, không giữ được nét kiến trúc cổ nên duy nhất chỉ 1 nhà được UBND tỉnh Thanh Hóa xếp hạng là nhà cổ.
Thế nhưng, trên thực tế ghi nhận của chúng tôi, 13 ngôi nhà cổ được liệt vào danh sách cần được bảo tồn gấp đang có một số phận hết sức mong manh. Hệ thống cấu trúc của một ngôi làng cổ đang bị phá vỡ, nhà cao tầng mọc lên khắp nơi chẳng ai có quyền cấm cản. Phải đến đây mới thấy được nỗi xót xa trước cảnh tượng nhiều ngôi nhà cổ đang bị xuống cấp hay đã qua cải tạo nên bị biến dạng tới mức vào trong thì không nhận ra nổi đây đã từng là một ngôi nhà cổ.
Ngậm ngùi... làm mới
Ngôi nhà cổ 5 gian của gia đình anh Dương Đình Huệ, theo các cụ kể lại thì đã hơn 200 năm tuổi, do bị xuống cấp nghiêm trọng nên cuối năm 2011, gia đình đã cải tạo lại nhưng vẫn dựa trên khung cũ của ngôi nhà cổ, hơn 60% các hạng mục trong nhà đã được gia đình thay mới.
Anh Huệ cho biết: “Gia đình cũng có nghe nói là sẽ có một khoản kinh phí của Nhà nước dành để giúp đỡ tu bổ cho các ngôi nhà cổ ở làng Đông Sơn nhưng chờ mãi mà không thấy, trong khi nhà mỗi ngày một xuống cấp, nhiều khi gió bão to một chút là không ai dám ở trong nhà. Vì thế chúng tôi phải sửa chữa kiên cố hóa nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng”.
Ngôi nhà cổ của bà Lê Thị Sử thuộc kiến trúc nhà 3 gian đã trải qua 5 năm đời của họ Lương, đến nay nhiều cây gỗ cũng đã bị mọt ruỗng.
Một trường hợp cá biệt khác, đó là ngôi nhà cổ của nhà bà Lương Thị Lời, vì gia đình không có điều kiện nên đã bán cho ông Lương Trọng Thắng, sau khi mua ông Thắng đã di chuyển toàn bộ khung nhà về nhà ông dựng lại.
Duy nhất trong làng có ngôi nhà cổ của ông Lương Trọng Duệ có từ thời Nguyễn cách đây hơn 200 năm là được công nhận đạt di tích cấp tỉnh năm 2006.
Tuy ngôi nhà đã qua hai lần tu sửa, nhưng vẫn giữ nguyên được nét độc đáo, kiến trúc của ngôi nhà cổ. Ông Duệ cho biết gia đình đã bỏ ra hàng trăm triệu đồng để tự tu sửa chứ cũng không có một sự trợ giúp nào từ phía chính quyền.
Ông Nguyễn Đức Trường - Phó Chủ tịch phụ trách mảng Văn hoá – Xã hội phường Hàm Rồng cho biết: “Ngoài ngôi nhà của ông Duệ đã được công nhận, 12 ngôi nhà còn lại người dân trong làng có thể sửa, phá đi làm mới bất cứ lúc nào mà chúng tôi cũng đành bất lực”.
Hà Thứng