Phóng sự của RT về vụ việc. Video: RT.
Theo RT, chính quyền Israel cho rằng việc phun thuốc diệt cỏ chỉ được triển khai trên các ruộng đất nông nghiệp của nước này. Tuy nhiên, các nhà chỉ trích và nông dân Palestine lại bác bỏ lời giải thích này, đồng thời gọi đây là “đòn chiến tranh nông nghiệp” của Tel Aviv.
Cụ thể, thuốc diệt cỏ của Israel được cho là đã bay theo gió, băng qua khu vực biên giới với Dải Gaza để xâm nhập lãnh thổ Palestine. Trong thuốc diệt cỏ có rất nhiều hóa chất độc hại, bao gồm cả glyphosate - vốn đã bị nhiều quốc gia trên thế giới cấm sử dụng vì lo ngại gây ung thư). Động thái “chiến tranh nông nghiệp” gần đây nhất được Israel triển khai là vào tháng 12.2018 vừa rồi.
Một nông dân Palestine gieo trồng hạt giống lúa mì gần biên giới với Israel ở phía nam Dải Gaza. Ảnh: Reuters.
“Chúng tôi không biết phải làm gì cả. Cứ mỗi năm, việc này lại lặp đi lặp lại nhiều lần”, người nông dân Palestine có tên Ahmed Badawi nói với RT rằng ruộng đồng của anh đã liên tiếp bị đầu độc và phá hủy bởi hành vi phun thuốc diệt cỏ dọc biên giới của Israel.
“Thuốc của họ làm hỏng toàn bộ các cây trong khu vực lận cận, khiến chúng tôi không còn gì để thu hoạch dọc biên giới. Thuốc còn đầu độc người dân, khiến họ bị ốm, bệnh”.
Cũng theo Badawi, không giống với những người nông dân Israel vốn được chính phủ Tel Aviv hỗ trợ bù đắp thiệt hại, ông không hề nhận được một đồng nào từ Nhà nước Do Thái.
“Thứ chúng tôi đòi hỏi cho những người nông dân Palestine ở 2 bên biên giới là sự bình đẳng. Họ đáng được đối xử như vậy”, ông Samir Zaqout thuộc Trung tâm Nhân quyền Al Mezan nói với RT.