Quá trình "diệt mục tiêu" của SU 30MK2 Việt Nam

Thứ hai, ngày 13/01/2014 12:45 PM (GMT+7)
Giờ G đã điểm. Nhận lệnh xuất kích, hai máy bay tiêm kích đa năng Su 30MK2 sơn màu trắng xanh cô ban đem theo bom và rocket lấy đà rồi lao vút trên không trung.
Bình luận 0
Gần tới trường bia, biên đội tách ra, chiếc Su 30MK2 do đại úy phi công Vũ Đình Thi, chính trị viên phi đội và trung tá phi công Ngô Quốc Tiến, biên đội trưởng vọt lên phía trước, lấy độ cao, khóa mục tiêu, bổ nhào trút toàn bộ rocket vào vị trí “quân địch”.

Su 30MK2 với 4 thùng phóng rocket dưới 2 cánh máy bay lăn bánh ra đường băng. Ảnh: Văn Thành
Su 30MK2 với 4 thùng phóng rocket dưới 2 cánh máy bay lăn bánh ra đường băng. Ảnh: Văn Thành

Gần như cùng lúc, chiếc Su 30MK2 do thượng tá phi công Nguyễn Mạnh Cường, phi đội trưởng và đại úy phi công Nguyễn Khắc Hoàng, biên đội trưởng cũng lao xuống ném hai quả bom rồi vọt lên. Mặt đất rung chuyển sau tiếng nổ dữ dội, kèm theo khói bụi bốc cao nơi trước đó là mục tiêu ném bom. Sau khi không quân “đánh mở cửa”, các loại pháo mặt đất, xe tăng đồng loạt nã đạn vào “đối phương” rồi bộ binh tràn lên…

Khổ luyện


Đây là một phần “trận đánh” phối hợp quân binh chủng hợp thành tại trường bắn Mây Tào phối hợp giữa Sư đoàn 9 thuộc Quân đoàn 4 và Sư đoàn không quân 370 diễn ra vào cuối tháng 12.

Đối với phi công chiến đấu, bắn ném (bắn rocket và ném bom) huấn luyện là một khoa mục khó, đòi hỏi phi công phải tích lũy nhiều giờ bay và kinh nghiệm. Tuy nhiên, bắn ném diễn tập còn khó hơn gấp nhiều lần, nhất là lần đầu tiên áp dụng phương pháp bắn ném mới-bắn ném tọa độ.

Phạm Quý Sơn đang lắp rocket và bom vào máy. Ảnh: TĐ
Phạm Quý Sơn đang lắp rocket và bom vào máy. Ảnh: TĐ

Trước đây, khi diễn tập phi công được bay ba vòng. Vòng một bay qua trường bia để bật hệ thống vũ khí, vòng hai bắn ném và cuối cùng bắn ném nốt bom đạn nếu còn. Phi công có thêm thời gian chuẩn bị, nhưng không phù hợp với thực tế chiến trường hiện đại.

Thượng tá Ngô Quang Hiền, trung đoàn trưởng Trung đoàn 935 cho biết, do tính chất nhiệm vụ ngày càng đòi hỏi cao, hiệp đồng chiến đấu giữa các đơn vị, quân binh chủng càng chặt chẽ, thời gian tính bằng giây, độ chính xác tính bằng mét, vũ khí ngày càng đa dạng, nên các cuộc diễn tập càng về sau càng nâng cao độ khó để khi có tình huống chiến tranh thì phi công đáp ứng được.

Anh khẳng định: “Từ nay về sau, tất cả phi công của trung đoàn phải huấn luyện chuyên sâu vào nội dung này để đáp ứng nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc hiện tại và trong tương lai”.

“Độ khó” ở đây là lần đầu tiên phi công chỉ được thông báo tọa độ vị trí đặt bia, thời gian công kích, mục tiêu phải bay đến mới biết, sau đó phải quyết định bắn ném thật nhanh. Nếu xác định sai vị trí, bấm nút cắt bom nhanh hay chậm đều có thể gây nguy hiểm cho đồng đội đang ém quân quanh mục tiêu, chờ không quân khai hỏa để tràn lên. Hoặc phi công phối hợp không ăn ý, đến trễ giờ G, khi bộ binh đã tràn lên mà bắn ném thì có nguy cơ bom đạn rơi trúng quân mình.

Nhân viên vũ khí hàng không Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: TĐ
Nhân viên vũ khí hàng không Nguyễn Thanh Hải. Ảnh: TĐ

Đại úy phi công Vũ Đình Thi chia sẻ kinh nghiệm sau chuyến phóng rocket thành công: Thời tiết buổi diễn tập sáng cũng là một trở ngại đáng kể. Trời mù nước, độ phủ của mây cao 4-6 phần hướng công kích, tầm nhìn chỉ còn 4-5km, phi công phải tìm mục tiêu bằng mắt nên cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu không xác định được bia, hoặc vào sai hướng thì không thể công kích được. Su 30MK2 có tốc độ bay vượt 2 lần âm thanh nên phi công chỉ có 2-5 giây để tìm bia, sau đó phải nhanh chóng chỉnh hướng, nhắm, bóp cò…

Lần đầu tiên ra quân diễn tập bắn ném đạn thật của biên đội đạt loại giỏi làm nức lòng anh em phi công, nhất là đối với những phi công trẻ toàn trung đoàn.

Ở trung đoàn 935, những phi công trẻ nhưng đã là chỉ huy biên đội, phi đội như đại úy Vũ Đình Thi không phải khó gặp. Gặp đại úy phi công Đặng Đức Công, biên đội trưởng phi đội 1 đang trực chiến tại sân bay mới biết tuy còn trẻ nhưng anh đã kinh qua lái nhiều loại máy bay chiến đấu khác nhau, từ Mig 21, Su 22 đến bây giờ là Su 30MK2. Khi chỉ mới trên 50 giờ bay Su 30MK2 anh đã tham gia bắn ném đạn thật trên biển và đất liền và đều đạt kết quả giỏi và xuất sắc.

Su 30MK2 có tốc độ bay vượt 2 lần âm thanh nên phi công chỉ có 2-5 giây để tìm bia, sau đó phải nhanh chóng chỉnh hướng, nhắm, bóp cò…
Đại úy Vũ Đình Thi chia sẻ

Đại úy Công tâm sự: “Khi leo lên máy bay thì không còn nghĩ gì khác ngoài nhiệm vụ, với quyết tâm tiêu diệt mục tiêu. Khi bắn ném xong, được các thầy, đồng đội chúc mừng thì rất vui. Từ đó bản thân khẳng định được trình độ, đồng thời tự tin vào vũ khí, sức mạnh của lực lượng không quân đủ sức bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải của tổ quốc”.
Ném bom trên biển

Thượng tá phi công Nguyễn Hữu Trọng, Phó phi đội trưởng Phi đội 1, một lão tướng được anh em phi công trẻ kính phục vì “bắn ném các kiểu bom đạn, trường bia nào cũng có mặt, đặc biệt là bắn ném biển xa”.

Đối với anh, để bắn ném đạt hiệu quả cao thì phi công phải học hỏi, nghiên cứu làm chủ khả năng kỹ chiến thuật của máy bay, từng bài bay, rút kinh nghiệm từ những chuyến bay trước. Và dĩ nhiên là phải nghiên cứu sâu về từng loại vũ khí… Như nhiều phi công lão luyện ở trung đoàn, thượng tá Nguyễn Hữu Trọng đã tham gia hàng trăm đợt bắn ném trên biển và đất liền.

Mới nhất là đợt diễn tập phối hợp với Quân khu 7 đầu tháng 12 tại trường bắn Mây Tào. Biên đội Su 30MK2 gồm hai chiếc, trong đó một chiếc do anh và đồng đội ném hai quả bom chùm trúng tâm mục tiêu, được Sư đoàn không quân 370 và Quân khu 7 khen ngợi.

Một chuyến bay để lại nhiều cảm xúc với anh và đồng đội hơn cả việc ném trúng mục tiêu là vào tháng 4 năm nay biên đội Su 30MK2 hai chiếc gồm các phi công Nguyễn Hữu Trọng, Lê Văn Hợi, Trần Quốc Toản và Nguyễn Gia Nhân mang 4 quả bom ra thực hành bắn ném ở khu vực biển đảo thuộc chủ quyền Việt Nam.

Thời tiết rất xấu. Ra tới nơi, trời càng xấu, mưa nhiều nơi, ở cao độ 200-3.000m có nhiều đám mây nhỏ lúp chúp, che khuất tầm nhìn và mục tiêu… Mục tiêu trên biển, nhỏ cỡ 3 thùng dầu chụm lại, cách đảo 3km nhưng do thời tiết xấu nên phải di chuyển liên tục, lúc ở bên Đông, khi lại bên Tây.

Biên đội vừa phải cơ động tránh mây, vừa phải tìm kiếm mục tiêu. Sau khi phát hiện mục tiêu, biên đội mau chóng cắt bom. Biên đội bay lại 2 vòng, nghiêng cánh chào bộ đội trên đảo, tự hào khi thấy mục tiêu bị hủy diệt hoàn toàn.

Sau này nghe đồng đội trên đảo kể lại, 4 quả bom đều rơi chụm tâm, sức công phá làm cột nước dâng cao gần 30m. Sau chuyến bay, biên đội được Bộ Tổng tham mưu và Quân chủng tặng bằng khen. Đối với thượng tá phi công Lê Văn Hợi, Phó chủ nhiệm chính trị, thì đây là lần đầu tiên quân đội ta tổ chức bắn ném trên biển xa, các anh là những phi công được vinh dự tham gia và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nhiệm vụ cũng là cơ sở để đánh giá quân đội ta, trong đó có không quân không chỉ sẵn sàng hy sinh để giữ gìn từng tấc đất chủ quyền mà còn đủ sức để bảo vệ biển đảo tiền tiêu của tổ quốc.

Trung đoàn 935 thuộc Sư đoàn không quân 370 có nhiệm vụ trực ban chiến đấu thường xuyên 24/7 bảo vệ vùng trời, biển, đảo biên giới và thềm lục địa khu vực phía Nam, huấn luyện bay với trên 16 năm giữ an toàn bay tuyệt đối. Ngoài ra trung đoàn còn tham gia diễn tập bắn ném hiệp đồng quân binh chủng với các quân đoàn, quân khu, vùng hải quân, bay tuần tiễu đất liền, biển, đảo, bay che đầu các đoàn công tác, bay mục tiêu cho hải quân, phòng không luyện tập vũ khí, bay biểu diễn, chào mừng và các dịp lễ lớn. Su 30MK2 là loại máy bay hiện đại nhất của không quân Việt Nam đồng thời là một trong những loại máy bay hiện đại nhất thế giới hiện nay. Vũ khí trang bị cho Su 30MK2 gồm pháo, bom, rocket, tên lửa đối không, đối hạm, đối đất.

Tiền Phong (Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem