Sơn “biển số” và đội lân nhí đi lên từ vất vả long đong

Trần Đáng Thứ năm, ngày 07/02/2019 12:31 PM (GMT+7)
Thương “lũ quỷ nhỏ” số phận long đong, anh Sơn mang chúng về dạy cho cái nghề chuẩn bị lớn lên kiếm cơm, cái thú múa lân và trên hết là đạo làm người…
Bình luận 0

Trời chập choạng, “thằng quỷ nhỏ” Nguyễn Văn Hoàng Thông vẫn ngồi bó gối trước sân tập của Đội lân - sư - rồng Đạt Anh Đường dưới dốc cầu Bà Ngọt (xã Đạo Thạnh, TP.Mỹ Tho) chờ Sơn “biển số” (anh Nguyễn Thành Đông – chủ đội lân, TP.Mỹ Tho, Tiền Giang) đến mở cổng sân tập. 

Một đội lân, trăm số phận

Gần 19h00, “lũ quỷ nhỏ” (cách “gọi yêu” của anh Sơn “biển số” với các thành viên đội lân) mới lục tục kéo đến sân tập. Nhiều năm nay, vào thời điểm này là đội lân nhí Đạt Anh Đường vào cao điểm tập luyện trước khi bước vào mùa múa lân khi Tết đến, xuân về.

img

Anh Sơn “biển số” lo lắng khi nhìn “lũ quỷ” luyện “Mai Hoa Thung”

Không ai bảo ai, “lũ quỷ nhỏ” bắt tay vào việc bày dụng cụ ra tập. Em Thái Bảo mới 7 tuổi cũng không ngoại lệ. Em cùng các thành viên lớn hơn trong đội hì hục lăn quả bóng to đùng  ra giữa sân tập.  Trông thằng bé ốm tong teo nhảy tót đứng lên vai một thành viên khác thực hiện động tác chồng người để đi trên trái bóng mà tội nghiệp.

Ở một góc sân, các thanh viên khác bày 21 cột sắt (cao từ 1,2m – 2,5) luyện trò “Mai Hoa Thung”.  Theo anh Sơn “biển số” trò “Mai Hoa Thung” được xem là khó nhất và nguy hiểm nhất trong kỹ thuật múa lân.

Các thành viên đội lân phải chinh phục thử thách trên 21 cột cao xếp hình dáng như cánh hoa mai. Họ phối hợp với nhau thật nhịp nhàng trên các cột sắt, như: đứng trên vai hay đùi người cầm đuôi; xoay vòng, đi giật lùi… “Đây là trò múa lân đẹp mắt nhưng rất nguy hiểm. Đã có “thằng quỷ nhỏ” té gãy tay khi luyện tập”, anh Sơn “biển số” thổ lộ.

Sau một lúc nhảy nhót trò “Mai Hoa Thung”, Hoàng Thông ngồi bệt xuống góc sân thở dốc, mồ hôi nhễ nhại. Theo Thông, em mê múa lân từ khi lên 5, lên 7 tuổi. Sau này, khi cha mẹ ly dị, em tá túc theo đội lân của anh Sơn “biển số”. “Con theo chú Sơn không phải vì tiền mà mê múa lân. Bây giờ ngày con đi phụ hồ, chiều về luyện tập, tới khi có show thì đi múa lân”, Thông thổ lộ.

Sau 10 năm đi theo đội lân Sơn “biển số”, Thông là một trong những thành viên lớn nhất trong đội, năm nay Thông 20 tuổi.

img

Em Thái Bảo - một thành viên "nhí" nhất trong đội lân, đang tập luyện giữ thăng bằng trên bóng.

Hoàn cảnh “thằng quỷ nhỏ” Thái Bảo tội nghiệp chẳng kém. Mẹ dắt em và hai anh trai từ Campuchia về Việt Nam sống lay lắt đầu đường, xó chợ ở TP.Mỹ Tho. Sau những ngày vất vưởng, bà mẹ đưa 3 anh em đến Đội lân - sư - rồng Đạt Anh Đường gởi gắm anh Sơn “biển số” xin miếng ăn, chốn ở rối đi biệt xứ. 3 anh em từ đấy dựa hẳn vào đội lân.

“Chú Sơn thương tụi con lắm. Tối nào tụi con cũng luyện múa lân chờ đi phục vụ. Chú Sơn lo hết chỗ ăn, chỗ ở cho anh em con”, Bảo lí nhí.

Hiện, đội lân nhí này có hơn 20 thành viên, từ 7 – 20 tuổi. Mỗi thành viên ứng với một ngôi sao xấu. Em Minh Tiến, cha bệnh chết, còn mẹ hằng ngày phải đi buôn bán dạo kiếm sống. Không được học hành, Tiến thường đi trộm cắp, tương lai mịt mờ tăm tối đang chờ, nếu không gặp được anh Sơn. Còn em Trọng Nhân có hoàn cảnh éo le không kém. Cha bỏ đi lúc em còn nhỏ, mẹ phải ở nhà trọ, hằng ngày đi phụ bán cháo cho người hàng xóm ở khu Giếng Nước để sống qua ngày. Em không có tiền đi học, sống lang thang đường phố...

Mắc nợ “lũ quỷ”…

Anh Sơn “biển số” đứng dõi theo mấy “thằng quỹ nhỏ” nhảy loi choi trên dàn “Mai Hoa Thung”. Thi thoảng, anh lại giật mình khi một thành viên nhí bước hụt chân một cột sắt. “Tôi mắc nợ “lũ quỷ”, anh cười nói.

Anh kể, chục năm trước vì chiều con trai (Nguyễn Văn Đạt) mê múa lân, anh quyết định mua đầu lân, cái trống về cho con chơi. Đám trẻ lang thang, bán vé số… ở TP.Mỹ Tho thấy thế bu lại chơi cùng. Một số đứa mãi chơi quên cả tập vé số trên tay đã đến giờ xổ số vẫn chưa kịp bán.

Thấy chúng mê múa lân, sống lang bạt, anh quyết định thành lập đội lân nhí để cho chúng một mái nhà vừa nuôi nấng vừa dạy bảo.

Chị Lý Nguyệt Hằng (vợ anh Sơn) thấy vậy cũng phụ một tay giúp chồng quán xuyến “lũ quỷ”.

“Nói thật, đến công an khu vực còn lo tôi không quản được “lũ quỷ”. Bởi, bọn chúng trước khi về với đội lân là những đứa trẻ bất kham: trộm cắp vặt, lang thang, chửi tục, đánh lộn…”, Sơn “biển số” kể.

img

Em Nguyễn Văn Đạt (đánh trống) - con trai anh Sơn, giờ đã là thủ lĩnh của đội lân "nhí"

Ấy vậy mà theo thời gian, cùng với tình thương, anh đã cải huấn được “lũ quỷ”. Mỗi đứa trẻ về với đội lân, cùng với việc khuyến khích đi học lại, anh còn dạy bọn trẻ cái nghề dập biển số xe máy, xe hơi rồi gởi đi học thêm ở các tiệm sửa xe trong tỉnh để chúng có cái nghề khi lớn lên sau này. Mỗi tháng, anh đều trả lương cho các em.  

Với nghề múa lân, ngoài việc giúp các em giải khuây, Sơn “biển số” còn nhận show biểu diễn để các em đi múa, trước để biểu diễn, rèn nghề, sau để kiếm thêm chút tiền "lì xì". “Vợ chồng tôi không lấy tiền thưởng mà để các em quyết định. Sau buổi biễu diễn, “lũ quỷ” tự chia tiền thưởng múa lân với nhau”, anh cho biết.

Sau 10 năm quản lý đội lân nhí toàn những đứa trẻ ngỗ nghịch, Sơn “biển số” thổ lộ, đó là một công việc vất vả, lo âu nhưng cũng đầy cảm mến. “Nhiều lúc không chịu nổi những khó khăn, bất mãn với “lũ quỷ”, đôi khi cũng định  cho đội lân “tan đàn, sẻ nghé”, nhưng nghĩ đến những bất an, rình rập của mặt trái xã hội mà vợ chồng tôi không nỡ chia tay với lũ trẻ”, chị Hằng tâm sự.

img

Đội bóng "nhí" hăng say tập luyện chuẩn bị vào mùa lân Tết

Thế là vợ chồng họ cứ tiếp tục duy trì đội lân, nuôi dưỡng “lũ quỷ”. Có những đứa giờ đã có vợ, có con, ra đi rồi lại về với đội. Anh Sơn “biển số” cho biết, vừa mua mảnh đất gần 2 tỷ để làm sân luyện tập, dựng nhà biểu diễn cho đội lân nhí có chỗ biểu diễn miễn phí cho bà con địa phương.

Quan trọng hơn, Sơn “biển số” vừa dành quỹ đất cất nhà cho “lũ quỷ” để ổn định cuộc sống khi bọn chúng đến tuổi lập gia đình. “Vợ chồng tôi quyết định sẽ xây nhà cho mỗi thành viên đội lân để tụi nó có mái nhà sau này mà cưới vợ, đẻ con. Giờ mà không giúp thì biết bao giờ mấy đứa có được mái nhà. Tôi thương bọn chúng như con, như thằng Đạt nhà tôi”, anh bộc bạch.

img

Tối muộn đám trẻ sau những giờ tập luyện đã mướt mồ hôi nhưng vẫn chưa chịu rời bãi tập

Ngồi nghe chúng tôi chuyện trò, anh Huỳnh Quang Minh - Cán bộ thiết kế công trình giao thông (Sở Giao thông - Vận tải Tiền Giang) chêm vào: “Ông Sơn “biển số” thương bọn nhỏ lắm. Có bao nhiêu tiền, ổng chia hết cho bọn nhỏ ăn sáng. Nhờ ổng mà bọn nhỏ hết phá phách xóm làng, trộm cắp, tu tâm, dưỡng tính”.

Rời xã Đạo Thanh, chúng tôi vẫn còn nghe tiếng trống đì đùng của đội lân nhí đang tập dượt. Tết đã đến với muôn nhà muôn người. Một mùa xuân yêu thương lại đến với “lũ quỷ”. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem