Kỳ 2: Dòng sông... nghẹt thở
Khúc sông “vô địch” tích nước
Chỉ vài chục cây số đầu nguồn sông Kôn, Bộ Công Thương đã cho phép triển khai đến 14 thủy điện, nhằm tận thu “bậc thang” của dòng sông này. Cụ thể, theo Sở Công Thương Bình Định, 14 dự án thủy điện trên có tổng công suất lắp máy 312,1MW. Trong đó, 2 thủy điện đã vận hành từ nhiều năm qua là Vĩnh Sơn (66MW) và Định Bình (9,9MW). Năm 2015, trên sông Kôn tiếp tục có 4 thủy điện vận hành phát điện, gồm Trà Xom (20MW), Vĩnh Sơn 5 (28MW), Tiên Thuận (9,5MW) và Văn Phong (6 MW). Theo thiết kế, các nhà máy thủy điện này sẽ cung cấp điện lượng bình quân hàng năm khoảng 258,97 triệu kWh. Hiện tại, trên sông Kôn, một số dự án thủy điện trong quy hoạch đang được triển khai thi công là Hồ Núi Một (1 MW), Ken Lút Hạ (6 MW), Vĩnh Sơn 3 (30MW), Vĩnh Sơn 4 (18MW)...
Người dân Ba Na làng Dak Tral than thở về việc “đòi nợ” Thủy điện Vĩnh Sơn 5. Ảnh: HÙNG PHIÊN
Theo một đánh giá chính thức của Sở Công Thương Bình Định, 4 nhà máy thủy điện đi vào hoạt động trong năm 2015 “sẽ góp phần làm tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh nhà, đồng thời tạo điều kiện giải quyết công việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương, tạo ra một bộ mặt mới ở vùng nông thôn miền núi; hạ tầng kinh tế, văn hóa - xã hội trên địa bàn các xã có dự án thủy điện được nâng lên một bước đáng kể”.
Đánh giá này chỉ “đá qua” về những bất cập của việc xây thủy điện, đó là “một số dự án thủy điện đã vượt qua nhiều khó khăn, nhất là về nguồn vốn để đầu tư xây dựng. Công tác giải phóng mặt bằng, công tác tái định canh, định cư, bồi thường đền bù, giải phóng mặt bằng kéo dài gây chậm trễ, ảnh hưởng đến tiến độ và hiệu quả đầu tư các dự án…”.
“Giành nước” chạy thủy điện
Ông Trần Quốc Lại - Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) tranh thủ tiếp PV NTNN trước một cuộc họp bàn giải quyết những bất cập do thủy điện mang lại. Theo ông Lại, trong số 14 thủy điện “bu bám” trên sông Kôn, riêng huyện miền núi Vĩnh Thạnh phải “gánh” 11 công trình. Rồi ông nhẩm kể vẻ như “không thể nhớ hết”, đó là các thủy điện: Vĩnh Sơn - Sông Hinh, Vĩnh Sơn 2, Vĩnh Sơn 3, Vĩnh Sơn 4, Vĩnh Sơn 5, Trà Xom, Ken Lút Hạ, Đăk Ple, Định Bình, Định Bình mở rộng...
Ông Lại thừa nhận, hiếm có một con sông nhỏ nào lại phải “gồng mình” gánh trên đó hơn chục công trình thuỷ điện như sông Kôn. Sự chen chúc của những công trình thủy điện này đã làm dòng sông Kôn bị “nghẹt thở” biến dạng, những cánh rừng già đầu nguồn cũng đang dần bị xóa sổ, hàng ngàn người dân phải rời khỏi không gian sống bao đời nay của họ. Chính quyền địa phương luôn phải “đứng giữa” áp lực về các chủ trương xây dựng thủy điện và những đòi hỏi bức thiết của người dân bị tác động từ việc xây thủy điện. Qua tiếp xúc với các đoàn chức năng, nhiều cán bộ và cử tri trong huyện đã rất bức xúc trước tình trạng quy hoạch xây dựng quá nhiều công trình thuỷ điện trên sông Kôn, làm “dị dạng” môi trường cuộc sống nơi đây.
Thực tế trong các năm qua, UBND huyện Vĩnh Thạnh đã từng đề nghị đình chỉ thi công đối với công trình Thủy điện Vĩnh Sơn 5 và Trà Xom do vi phạm môi trường trong quá trình thi công, chậm đền bù giải phóng mặt bằng, chưa thực hiện tái định cư, định canh cho người dân. Ngoài ra, huyện Vĩnh Thạnh cũng đề nghị đình chỉ thi công đối với Thủy điện Định Bình mở rộng vì chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục xây dựng theo quy định. Thế nhưng mọi chuyện đều đã được “khỏa lấp” và thủy điện vẫn tiếp tục xây dựng. Còn ông Từ Hải - Trưởng phòng TNMT Vĩnh Thạnh cho hay, một số chủ đầu tư thủy điện trên sông Kôn đã than thở là không thể đủ lượng nước để chạy phát điện. “Phá rừng, nguồn nước cạn kiệt, mùa khô tranh nhau tích nước. Thế thì làm sao mà đủ nước chạy đúng công suất. Tôi dám chắc, hầu hết các nhà máy thủy điện trên sông Kôn đều không thể chạy đúng công suất trong mùa nắng”- ông Hải nói.
Điều nghịch lý là chính sông Kôn đang được “cấp bù” nước từ… sông Ba. Bởi lẽ, đập Thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng trên sông Ba, thế nhưng khi phát điện xong thì không trả nước cho sông này, mà lại xả qua sông Kôn. Chính quyền và nhân dân nhiều vùng tại 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên đã nhiều lần “kêu trời” vì tai hại kiệt nước một khúc sông Ba.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.