Ông Lê Đăng Sáu- Chủ tịch Hội ND xã Hoằng Thịnh cho hay: “Nghề mây tre đan có ở Hoằng Thịnh từ những thập niên 60, 70 của thế kỷ 20. Vào những năm 1987 - 1988, sản phẩm mây tre đan của làng nghề chủ yếu xuất khẩu sang các nước Liên Xô (cũ) và các nước Đông Âu, sau khi Liên Xô tan rã, sản phẩm chủ yếu xuất sang thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Ba Lan...”.
Chọn vầu đưa vào sản xuất hàng mây tre đan tại 1 gia đình ở xã Hoằng Thịnh.
Thu nhập 100.000-150.000 đồng/ngàyNghề mây tre đan ở Hoằng Thịnh là nghề cha truyền con nối, người đi trước truyền lại cho người đi sau. Xã có 1.615 hộ thì có tới 60% số hộ tham gia làm nghề mây tre đan, các em nhỏ từ 8 - 9 tuổi trở lên đã biết làm nghề.
Theo ông Sáu, lúc đầu ND ở đây chủ yếu sản xuất các mặt hàng truyền thống phục vụ sinh hoạt như rổ, rá, nong, nia... Giờ đây, sản phẩm của xã không chỉ phong phú về chủng loại mà còn đa dạng về mẫu mã phục vụ xuất khẩu. Trong đó phải kể tới Công ty Quốc Đại chuyên sản xuất chao đèn lồng, lẵng hoa, túi xách... xuất sang Nhật Bản, Ba Lan. Công ty đang tạo việc làm cho 170 lao động tại địa phương với thu nhập từ 2,5 triệu đồng/người/tháng trở lên.
Ông Sáu cho biết, mỗi lao động làm nghề có thu nhập từ 50.000-70.000 đồng/ngày, người làm giỏi tới 100.000-150.000 đồng/ngày. Thấy làm mây tre đan có thu nhập ổn định, ND các xã lân cận như Hoằng Lộc, Hoằng Thái đã sang Hoằng Thịnh học nghề.
Liên kết để phát triển bền vữngChúng tôi đến thăm cơ sở của gia đình anh Lê Duy Hòa (37 tuổi) ở thôn 4, Hoằng Thịnh, khi anh đang miệt mài hoàn thiện sản phẩm. Anh Hòa chia sẻ: “Tôi được bố mẹ truyền dạy nghề mây tre đan. Ban đầu, tôi học kỹ thuật tạo ra những sản phẩm đơn giản như rổ, rá, sau đó tiếp cận với những kỹ thuật phức tạp hơn như sản phẩm nôi cho trẻ em...”.
Theo anh Hòa, để có sản phẩm hoàn chỉnh phải trải qua nhiều công đoạn: Pha nứa, vầu, mây theo kích thước của sản phẩm, phân loại rồi phơi khô hoặc sấy. Sau đó dùng đèn khò làm sạch nguyên liệu, rồi bỏ vào kho sấy lưu huỳnh để chống mối mọt. Tuân thủ các công đoạn này, sản phẩm từ mây tre đan mới có tuổi thọ hàng chục năm. Theo anh Hòa, làm mây tre đan đòi hỏi óc sáng tạo và sự khéo léo. Với tay nghề khá vững của mình mỗi ngày anh Hòa có thể làm ra 5-7 sản phẩm các loại, với thu nhập từ 100.000-150.000 đồng.
Năm 2012, tổng doanh thu từ sản xuất hàng mây, tre đan ở Hoằng Thịnh khoảng 49 tỷ đồng, chiếm 41% tổng giá trị sản xuất của toàn xã.
|
Chị Hoàng Thị Hoa ở thôn Chợ Đình cho hay: “Để phát triển nghề truyền thống, gia đình tôi đã có 3 năm tham gia vào Hợp tác xã Mây tre đan Hoằng Thịnh, chuyên sản xuất tăm hương. Hợp tác xã được lập với mục đích là giúp các xã viên có điều kiện học tập, trao đổi cách làm lẫn nhau, cùng giúp nhau phát triển”.
Để ổn định nguồn nguyên liệu cung ứng cho bà con ND trong xã, gia đình chị Hoa đồng thời cũng là cơ sở cung cấp nguyên liệu. Chị cho biết: “Gia đình tôi lên tận các huyện vùng cao của tỉnh như Thọ Xuân, Quan Sơn, Quan Hóa để thu mua nguyên liệu rồi về cung cấp cho ND và những cơ sở sản xuất lớn trong xã, mỗi ngày gia đình bán ra trung bình gần 2 tấn nguyên liệu với giá 3.000 đồng/kg”.
Ông Sáu thông tin, nhằm giúp làng nghề phát triển bền vững, tới đây xã sẽ mở lớp đào tạo nâng cao tay nghề, đưa bà con đi học hỏi kinh nghiệm ở các địa phương làm mây tre đan nổi tiếng...
Lan Dương ( Lan Dương)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.