Đó cũng có thể là mùi va-ni thơm dịu từ nồi mứt dừa, là vị cay nồng của gừng tươi trong mẹt bánh chè lam... Riêng với tôi, cứ bất chợt thấy thoảng trong không khí hương thơm của quả mùi già, tôi biết là Xuân đang đến gần.
Tôi không biết cái mùi thơm dìu dịu nhưng nồng ấm ấy để lại ấn tượng đặc biệt trong tôi tự bao giờ. Có lẽ nó đã ăn sâu và da thịt tôi trong cả một thời thơ ấu. Nhớ ngày tôi còn bé, vào mỗi dịp cuối năm, cứ mỗi lần đi chợ Tết, mẹ không bao giờ quên mua mấy mớ mùi già. Khác với những loại rau bán Tết khác, gánh mùi già bao giờ cũng chỉ được bày bán một cách tuềnh toàng, khiêm nhường giữa dãy hàng hoa hoặc rau tươi.
Khác hẳn với những người bán rau và hoa khác, người bán mùi già chẳng mời mọc, chèo kéo khách bao giờ. Và cũng không giống khi mua các món hàng khác, người mua mùi già dường như cũng chẳng bao giờ mặc cả. Có lẽ nó đủ rẻ để người ta hỏi giá là mua ngay. Còn nhớ lần đầu tiên đi chợ, nhìn thấy mẹ mua mớ cây già cỗi, xấu xí với chi chít quả tròn nhỏ xíu màu nâu nhạt ấy, tôi đã hỏi mẹ để làm gì, rau già thế thì ăn làm sao được? Mẹ tôi cười bảo rằng: nó có ích lắm, chẳng qua là con chưa biết đấy thôi.
Rồi chiều ba mươi Tết, mẹ cho mớ cây xấu xí ấy vào nồi, đổ đầy nước rồi đun lên. Khi nồi nước sôi, một mùi thơm nồng ấm lan khắp gian bếp nhỏ, khắp khoảnh sân rồi tỏa lên khắp không gian, xua đi cái ẩm ướt, rét mướt của buổi chiều cuối đông lạnh lẽo.
Thì ra loại nước thơm mà mẹ vẫn dùng để tắm cho chúng tôi được nấu từ loại cây này. Hồi ấy không có xà phòng và sữa tắm như bây giờ, được tắm gội bằng thứ nước thơm ấy là bọn tôi thích nhất. Cái mùi thơm dìu dịu cứ vương mãi trên đầu tóc, trên da thịt, áo quần làm chúng tôi thấy Tết như đến nhanh hơn.
Rồi sáng mồng một Tết, ai cũng say ngủ bởi đêm qua thức muộn đón giao thừa. Ấy thế mà mùi nước thơm xông lên cánh mũi đã đánh thức mọi người bật dậy. Bao giờ cũng thế, mẹ tôi luôn dậy sớm vào sáng mồng một để làm mâm cơm cúng Tổ tiên đầu năm. Và mẹ không bao giờ quên đun một nồi nước thơm từ cây mùi già.
Lần lượt từng đứa được mẹ cho uống một ngụm nước thơm, rửa mặt, rửa tay chân bằng thứ nước thơm ấy. Mẹ bảo: “Như thế, cả năm sẽ luôn gặp những điều may mắn tốt lành, sẽ luôn sạch sẽ thơm tho trong việc làm và cả trong suy nghĩ.”
Khi trưởng thành, rồi có gia đình riêng, tôi lại bắt chước mẹ đun nước tắm từ cây mùi già. Tôi vẫn giữ cái nếp đun nước lá thơm như thế vào mỗi dịp Tết đến xuân sang. Năm nay, lần đầu tiên con trai tôi hỏi: “Sao sáng mồng một Tết nào cũng rửa mặt bằng nước thơm hả mẹ?”.
Tôi nhìn con, rồi lại trả lời: “Như thế, cả năm sẽ luôn gặp những điều may mắn tốt lành, sẽ luôn sạch sẽ thơm tho trong việc làm và cả trong suy nghĩ, con ạ”. Nhìn con trai ngây mặt ra, tôi biết: cũng giống tôi hồi xưa, nó chưa thể hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói đó.
Bây giờ người ta tắm gội bằng xà phòng, bằng sữa tắm với biết bao loại mùi thơm nhân tạo khác nhau, có còn ai thích thú với mùi thơm tự nhiên của nước tắm đun từ cây mùi già không nhỉ? Tôi không biết có bao nhiêu người làm như thế và cho đến nay, còn bao nhiêu gia đình giữ thói quen như thế. Chỉ biết đối với riêng tôi, nếu chưa có nồi nước mùi già, chưa có cái hương thơm dìu dịu nồng ấm ấy lan tỏa khắp không gian, tôi thấy như Tết vẫn chưa về.
HNV (Theo HNV)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.