“Chìa khóa” nào để đầu tàu TP.HCM tiêu hơn 381,5 tỷ đồng mỗi ngày? - Ảnh 1.

Kinh tế khó khăn khiến người dân phải "thắt lưng buộc bụng". Ảnh: Công nhân Công ty Sông Hương Foods đang gói bánh để xuất khẩu. Q.H

Ngày cuối tuần, như thường lệ chị Mỹ Duyên (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM) đưa gia đình đi mua sắm tại Co.opmart Vĩnh Lộc. Tuy nhiên, khi dạo quanh một vòng, ngắm nghía, chị chỉ mua cho cô con gái 5 tuổi của mình một bộ đầm trẻ em với giá 129.000 đồng, giảm giá 30% và 1 bộ đồ thun trẻ em chỉ với 129.000 đồng, giảm 19%.

"Tôi thấy rất nhiều sản phẩm giảm giá, hầu hết sản phẩm đều treo bảng sale từ 30% - 40% nhưng khá vắng khách. Tuy nhiên, tôi chỉ mua cho con 2 bộ đồ mới để đi học nhà trẻ, còn lại thì phải tiết kiệm", chị Mỹ Duyên chia sẻ.

Người dân "thắt lưng, buộc bụng"

Chị Duyên là một trong hơn 5.700 người lao động của Công ty PouYuen Việt Nam bị cắt giảm việc làm hồi cuối tháng 6, đầu tháng 7 vừa qua. Khi thất nghiệp, chị Duyên được công ty hỗ trợ cho mỗi năm làm việc là 0,8 tháng lương, kể cả thời gian đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Tuy nhiên, số tiền này "như muối bỏ bể".

Mọi kế hoạch mua sắm, kể cả chuyến về quê tết năm nay cũng bị gia đình chị Duyên gác lại. 

"Giờ có đi siêu thị thì tôi cũng chỉ ghé chỗ thực phẩm, hàng thiết yếu như nước rửa chén, nước giặt, kem đánh răng, mì gói… là chính. Thời buổi kinh tế khó khăn, lại thất nghiệp nếu không khéo co là chết", chị Duyên nói.

img
img
img

Công nhân phải "thắt lưng buộc bụng" vì kinh tế khó khăn. Ảnh: Phương Uyên

"Dè sẻn chi tiêu" là cụm từ mà người lao động ở Khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) quán triệt từ nhiều tháng nay.

Chị Thanh - lao động của một doanh nghiệp may mặc trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A cho hay, từ hồi giữa tháng 6 đến nay, chị nghe nhiều về chương trình khuyến mại tập trung của TP.HCM là "Shopping Season 2023" với quảng cáo là khuyến mãi đến 100% nhưng vẫn không dám mơ ước đến.

"Người ta có khuyến mãi 100% thì cũng là mua 1 tặng 1 chứ, trong khi mình hiện tại đang khó khăn vì đơn hàng dệt may của công ty chỉ cầm chừng, mức lương cũng chỉ được khoảng 80% so với trước đây do công ty cũng khó khăn", chị Thanh nói.

img
img

Người tiêu dùng TP.HCM chỉ lựa chọn các sản phẩm thiết yếu khiến sức mua của nền kinh tế cũng không mấy cải thiện. Ảnh: Quốc Hải

Chương trình "Shopping Season 2023" bắt đầu diễn ra từ giữa tháng 6 và sẽ còn tiếp tục kéo dài thêm vài ngày nữa, đến 15/9. Có thể thấy, mùa khuyến mại năm nay của TP.HCM đã kéo dài gấp 3 lần so với các năm trước với mức giảm lên đến 100% để thúc đẩy tiêu dùng, gia tăng sức mua. Đây cũng là giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ hàng hóa, gia tăng sản xuất.

Đã có hơn 3.000 doanh nghiệp, với khoảng 7.200 hoạt động khuyến mãi hưởng ứng Shopping Season 2023 (không tính các chương trình khuyến mại thông thường). Trong đó, có khoảng 30% số chương trình khuyến mãi thực hiện ưu đãi vượt 50%.

Tuy nhiên, dù đã sắp hết chương trình, vẫn chưa có số liệu thống kê nào chính thức nhưng khá nhiều công ty cho rằng mức tiêu thụ hầu như không thay đổi nhiều. 

Chỉ vài ngày gần đây, do có kỳ nghỉ lễ Độc lập kéo dài 4 ngày nên sức mua có phần cải thiện.

img
img

Dệt may là một trong những ngành công nghiệp truyền thống cũng sụt giảm, đơn hàng èo uột... Ảnh: Quốc Hải

Tại Saigon Co.op, chương trình giới thiệu và tôn vinh hàng Việt với tên gọi "Ngôi sao hàng Việt" vào đúng dịp lễ 2/9 đã góp phần kích cầu tiêu dùng hàng Việt khi có những hoạt động khuyến mãi nối tiếp nhau với mức giảm giá đến 50%, tặng thêm điểm thưởng cho khách hàng… Song sức mua trong 4 ngày lễ cũng chỉ tăng khoảng từ 30% đến 50% so với ngày thường.

Nền kinh tế vẫn khó… tiêu tiền

"Các trụ cột kinh tế của TP.HCM vẫn đang rất khó khăn. Đây cũng là nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng tại đầu tàu kinh tế phía Nam vẫn khá yếu", chuyên gia kinh tế - tài chính Trương Hiền Phương, Giám đốc cấp cao Chứng khoán KIS Việt Nam nhận định.

Theo ông Phương, có nhiều nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng của TP.HCM chững lại thời gian qua.

Thứ nhất, suốt thời gian vừa qua, tình hình siết trái phiếu doanh nghiệp làm cho hầu hết các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất định, mà số đông là các doanh nghiệp bất động sản. Và cần phải biết rằng, khách hàng lớn của ngành ngân hàng chủ yếu là các doanh nghiệp bất động sản.

"Các doanh nghiệp bất động sản thường vay tới vài trăm tỷ, thậm chí vài nghìn tỷ đồng. Trong bối cảnh thị trường gặp khó khăn như hiện nay, một số doanh nghiệp thậm chí còn phải nhờ tới sự chỉ đạo từ Chính phủ, thành lập tổ công tác để gỡ khó… Vì vậy , họ rất khó vay vốn để phát triển kinh doanh. Khi các doanh nghiệp bất động sản không vay vốn để phát triển kinh doanh được sẽ kéo theo sự trì trệ của hàng loạt ngành khác. Khi đó, tín dụng khó có thể tăng trưởng được", ông Phương phân tích.

Tuy số lượng doanh nghiệp thành lập tại TP.HCM trong 8 tháng đầu năm tăng nhưng nguồn vốn đăng ký lại giảm tới 12,4% so với cùng kỳ.

Trong khi đó, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào TP.HCM tính từ ngày 1/1/2023 đến ngày 20/8/2023 cũng chỉ đạt hơn 1,968 tỷ USD, giảm 27,2% so với cùng kỳ năm 2022.

Nguyên nhân thứ hai, thời gian vừa qua nền kinh tế cũng trải qua giai đoạn khó khăn nên rất nhiều doanh nghiệp phá sản. Những doanh nghiệp còn lại thì cũng co cụm, không dám đẩy mạnh việc tái đầu tư, tái sản xuất kinh doanh, đầu tư phát triển… nên nhu cầu vay vốn không cao, và tốc độ tăng trưởng tín dụng không cao là đương nhiên.

Nguyên nhân cuối cùng, theo ông Phương, là do việc tiếp cận dòng vốn từ ngân hàng cũng đòi rất nhiều điều kiện, trong khi thời gian vừa qua đa số các doanh nghiệp gặp khó khăn nên có thể chưa đáp ứng đủ các yêu cầu, các điều kiện để vay vốn ngân hàng.

“Chìa khóa” nào để đầu tàu TP.HCM tiêu hơn 381,5 tỷ đồng mỗi ngày? - Ảnh 6.

Nguồn: Cục thống kê TP.HCM

Thiếu sự tiếp sức từ "mạch máu của nền kinh tế", cả ngành bất động sản - xây dựng đều khá trầm lắng. Thêm vào đó, ngành sản xuất công nghiệp của TP.HCM trong 8 tháng đầu năm cũng suy giảm.

Dữ liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến lương thực thực phẩm, đồ uống lại giảm tới 5,8%; 3 ngành công nghiệp truyền thống (sản xuất trang phục, dệt, sản xuất da và các sản phẩm liên quan) giảm sâu tới 9,9%. Đây là lĩnh vực vốn dĩ chiếm lĩnh thị trường tiêu dùng rộng lớn của TP.HCM.

Cả 3 trụ cột trên lung lay khiến tăng trưởng của thành phố sẽ khó đạt mục tiêu tăng trưởng GRDP đạt từ 7,5 - 8%, khi chỉ còn chưa tới 4 tháng nữa sẽ kết thúc năm 2023.

“Chìa khóa” nào để đầu tàu TP.HCM tiêu hơn 381,5 tỷ đồng mỗi ngày? - Ảnh 7.

Nguồn: Cục Thống kê TP.HCM


Trong khi người dân dè sẻn chi tiêu, doanh nghiệp đói vốn, đầu tư công lại ì ạch khiến dòng tiền"khó"  chảy vào nền kinh tế.

"Việc tăng giá điện và lương tối thiểu sẽ gây áp lực lên chỉ số giá tiêu dùng trong thời gian tới, vì vậy việc kiềm chế lạm phát phải luôn được ưu tiên để góp phần tăng sức mua nội địa và tăng trưởng kinh tế", Cục Thống kê TP.HCM dự báo.

Số liệu từ Cục Thống kê TP.HCM cho thấy, giải ngân đầu tư công tính từ đầu năm 2023 đến hết tháng 8/2023 đạt 21.768 tỷ đồng, đạt 31,8% theo kế hoạch vốn được UBND TP giao và chỉ đạt 30,9% so với kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Tốc độ giải ngân đầu tư công này được đánh giá là chậm và khó có thể hoàn thành chỉ tiêu 95% đến hết năm 2023 như Thủ tướng Chính phủ yêu cầu.

Chuyên gia kinh tế - tài chính Trương Hiền Phương nhận định, việc giải ngân đầu tư công đang được Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho nền kinh tế phát triển.

"Là một người con của TP.HCM, tôi kỳ vọng nhóm giải pháp như triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội tập trung vào các dự án cho vay kích cầu, các dự án hạ tầng giao thông, tuyến metro số 1, tuyến metro số 2, vành đai 3…  sẽ tạo ra hiệu ứng cho các ngành, lĩnh vực khác. Bởi đầu tư công liên quan đến điện, đường, trường, trạm, sân bay, bến phà…

Khi các ngành này phát triển tăng tốc sẽ mở ra cơ hội cho các DN cung cấp nguyên vật liệu, vật tư, thầu xây dựng… Tạo công ăn việc làm cho người lao động. Từ đó, cán bộ công nhân viên có thu nhập sẽ tăng chi tiêu vào các ngành khác, tăng tiêu dùng, mua sắm… Đây chính là kết quả mà 'hiệu ứng cánh bướm' mang lại", ông Phương nói.

Những tín hiệu le lói

Có thể nói, từ đầu năm đến nay, trong các cuộc họp chỉ đạo, xử lý công việc hàng tuần của lãnh đạo TP.HCM chưa bao giờ thiếu đi nội dung về "chuyên đề nhà đất". Lãnh đạo UBND TP.HCM còn trực tiếp gặp gỡ, lắng nghe các doanh nghiệp trình bày khó khăn, vướng mắc từ các dự án của doanh nghiệp, cũng như những khó khăn chung từ các quy định pháp luật.

Đặc biệt, tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án đầu tư trên địa bàn TP được thành lập, gồm 14 thành viên do Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi làm Tổ trưởng; Phó Chủ tịch UBND TP Bùi Xuân Cường làm Tổ phó Thường trực. Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư do các sở, ban, ngành của TP đang thụ lý hồ sơ, nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.

Đến nay, TP.HCM đã chỉ đạo và giải quyết được 67 dự án (tương đương 37,2% so với số lượng 180 dự án ban đầu). Trong đó, có 28 dự án theo hướng dẫn, đôn đốc của tổ công tác, 39 dự án qua rà soát của địa phương.

Ngoài ra, hoạt động mua bán, chuyển nhượng trên thị trường bất động sản TP.HCM cũng bắt đầu có những tín hiệu lạc quan.

“Chìa khóa” nào để đầu tàu TP.HCM tiêu hơn 381,5 tỷ đồng mỗi ngày? - Ảnh 10.

Thị trường bất động sản từ tháng 7/2023 đã xuất hiện những tín hiệu le lói... Ảnh: Quốc Hải

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA), nhận định những nỗ lực của UBND TP.HCM bước đầu đã đạt được một số kết quả tích cực, góp phần tăng cường niềm tin cho thị trường bất động sản.

"HoREA kỳ vọng với sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là thông qua sự phối hợp hoạt động hiệu quả của các tổ công tác Chính phủ, tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và UBND TP sẽ góp phần giải quyết cho hầu hết các dự án bất động sản đang gặp vướng mắc trên địa bàn", ông Châu nói.

Ngoài bất động sản, một tín hiệu khác cũng khá khả quan là môi trường kinh doanh của thành phố được tiếp tục được cải thiện.

Điều này thể hiện thông qua dòng vốn FDI chảy vào TP.HCM 8 tháng đầu năm đạt 390 triệu USD tăng 26,2% so với cùng kỳ. Thành phố cũng ghi nhận 762 dự án FDI mới trong khoảng thời gian này, tăng 59,1% so với 479 dự án của cùng kỳ năm 2022.

Song, bức tranh kinh tế thành phố 8 tháng đầu năm lại ghi nhận sự tăng trưởng chậm ở  lĩnh vực xuất nhập khẩu. Theo đó, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của doanh nghiệp TP.HCM tại các cửa khẩu trên cả nước 8 tháng đầu năm 2023 đạt 27,5 tỷ USD, giảm 16,1% so với cùng kỳ. Tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 36,2 tỷ USD, giảm 17,3% so với cùng kỳ.

3 Kịch bản tăng trưởng kinh tế của TP.HCM

Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng cho Thành phố trong năm 2023. Cụ thể, theo kịch bản 1, tăng trưởng GRDP của Thành phố đạt 6,08%, muốn vậy tăng trưởng trong quý 4/2023 phải đạt ít nhất mức 10,37 – 12,46%.

Ở kịch bản thứ 2, tăng trưởng GRDP cả năm 2023 của Thành phố đạt 6,47%, muốn vậy tăng trưởng quý 4/2023 phải đạt từ 9,91 – 14,26%.

Kịch bản 3 tăng trưởng GRDP đạt mức 7,5%, muốn vậy tăng trưởng quý 4/2023 phải đạt từ 11,54 – 14,58%.

Khi sản xuất, xuất khẩu của doanh nghiệp vẫn còn phải phụ thuộc vào sức khỏe của các nền kinh tế lớn trên thế giới, thì các chuyên gia cho rằng, để chủ động hơn, TP.HCM chỉ có thể cố gắng làm chủ một công cụ, đó là đầu tư. Đây cũng là cách tốt nhất để đưa tiền vào nền kinh tế.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cũng xác định khi khó khăn, phải tập trung vào những gì đang có trong tay. Trong đó, đầu tư công sẽ đi đầu, tiếp theo là tháo gỡ vướng mắc cho các dự án của khu vực tư nhân.

Các tháng còn lại của năm nay, TP.HCM phải tiêu 45.790 tỷ đồng, gần bằng kết quả hai năm 2021 và 2022. Như vậy, mỗi ngày thành phố phải cố gắng xài cho được hơn 381,5 tỷ đồng.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cho biết, một trong các yếu tố gây vướng cho công tác giải ngân vốn đầu tư công của thành phố là công tác giải phóng mặt bằng. Vì vậy, ông Mãi yêu cầu các quận, huyện, TP. Thủ Đức, các sở ngành phải sát sao hơn trong công tác này.

"Công tác giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ rất nặng nề. Do đó, TP.HCM cần phải tập trung thì mới có thể đạt được mục tiêu là 95%. Tôi đề nghị lãnh đạo các địa phương, các sở ngành và các nhà đầu tư phải quyết liệt trong công tác để đảm bảo đến cuối năm về đích trong công tác giải ngân vốn đầu tư công", ông Phan Văn Mãi nói.

“Chìa khóa” nào để đầu tàu TP.HCM tiêu hơn 381,5 tỷ đồng mỗi ngày? - Ảnh 12.

TP.HCM đã thành lập Tổ công tác có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án. Ảnh: Q.H

Tuy nhiên, để giải ngân dòng tiền này, cần gỡ "điểm nghẽn" vốn và cơ chế. Việc triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội tập trung vào các dự án cho vay kích cầu, các dự án hạ tầng giao thông, tuyến metro số 1, tuyến metro số 2, vành đai 3… được xem là giải pháp trọng tâm trong hơn 1 tháng qua để gỡ "điểm nghẽn" này. Tuy nhiên, vẫn cần phải có thời gian để đánh giá.

"Tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm, bị động... của nhiều cán bộ, công chức đang và sẽ ảnh hưởng đến quá trình thực hiện đầu tư công, hay các dự án thị trường bất động sản. Đây là điểm nghẽn rất lớn và cần tháo gỡ trong thời gian tới", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, nhấn mạnh. 

Bởi, theo ông Châu, điểm nghẽn này nếu không được tháo gỡ thì dù có nhiều chính sách đưa ra để kích thích kinh tế phát triển, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công... cũng sẽ khó thực hiện, vì con người vẫn là quan trọng nhất.

Cũng nhận ra thách thức này là rất lớn, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi chia sẻ toàn thành phố đã đề ra các nhóm rõ ràng để làm bằng được kế hoạch này.

Hiện, TP.HCM đã tìm cách bổ sung để giảm tải cho cán bộ, đẩy nhanh tốc độ thi hành. Đặc biệt, tại dự án đường Vành đai 3 (dài hơn 76 km, tổng mức đầu tư gần 75.400 tỷ đồng, lớn nhất trong các dự án giao thông phía Nam từ trước đến nay; đoạn qua TP HCM dài 47 km), huyện Hóc Môn, Củ Chi, đã bổ sung gần 50 người cho mỗi đơn vị. Ban Bồi thường, giải phóng mặt bằng tại TP.Thủ Đức cũng đang trong quá trình thêm người để đáp ứng công việc.

Ngoài ra, xác định đây là nhiệm vụ chung, ngoài những nhân sự chuyên trách, ông Mãi chỉ đạo toàn hệ thống chính trị từ xã đến thành phố, phải xắn tay áo để làm.

"Các đơn vị phải rút ngắn thời gian xử lý thủ tục, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, đôn đốc, gỡ khó cho các dự án. Những dự án chậm trễ, thành phố sẽ kiên quyết cắt giảm, nhà thầu chay ì, sẽ bị xử lý nghiêm", ông Mãi khẳng định.

Người đứng đầu chính quyền TP.HCM cũng yêu cầu các địa phương rà soát thay thế hoặc điều chuyển công việc những cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm và không đáp ứng được yêu cầu công việc.

Quốc Hải thực hiện

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem