Hai nhà nghiên cứu lịch sử người Tây Ban Nha vừa khẳng định chiếc chén bằng vàng hơn 1.000 năm tuổi được trưng bày trong nhà thờ San Isidoro ở thành phố Leon chính là chiếc chén huyền thoại mà người ta vẫn kiếm tìm bấy lâu nay.
Nhà thờ San Isidoro ngay lập tức đã phải đưa chiếc chén quý ra khỏi khu trưng bày sau khi người dân kéo đến ùn ùn để chiêm ngưỡng chiếc chén.
Chiếc chén bằng vàng có khảm nhiều đá quý trưng bày trong nhà thờ San Isidoro được khẳng định chính là chiếc Chén Thánh mà Chúa Giê-su đã dùng trong Bữa tối Cuối cùng.
Chiếc chén hiện được cất đi để đảm bảo an toàn. Dự kiến, nhà thờ sẽ thiết kế một phòng trưng bày lớn hơn để có thể phục vụ lượng khách thăm quan lớn mỗi ngày đổ về đây để chiêm ngưỡng chiếc chén quý.
Chiếc chén cổ được đúc bằng vàng, gắn mã não, cùng nhiều loại đá quý khác. Chiếc chén này từng thuộc quyền sở hữu của công chúa cả Dona Urraca, con gái nhà vua Tây Ban Nha Fernando I.
Nhà nghiên cứu lịch sử Trung cổ Margarita Torres và nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật Jose Manuel Ortega del Rio đã nhận định đây chính là chiếc Chén Thánh trong cuốn sách mới xuất bản hồi tuần trước có tên “Kings of the Grail” (tạm dịch: Vua của những chiếc chén).
Chiếc chén này đã nằm trong nhà thờ San Isidoro từ hơn 1.000 năm nay.
Kể từ thập niên 1950, khi nhà thờ bắt đầu mở một viện bảo tàng nhỏ, trưng bày những hiện vật cổ, chiếc chén đã thu hút rất đông khách tham quan bởi sự quý giá của nó. Giờ đây, chiếc chén còn nổi tiếng hơn bởi nó có thể còn mang những giá trị lịch sử lớn lao.
Trong cuốn sách mới của mình, hai nhà nghiên cứu đã đưa ra những bằng chứng là một số cuộn giấy da được viết bằng chữ Ai Cập cổ mà họ đã được tiếp xúc trong chuyến nghiên cứu ở Cairo. Những tài liệu cổ xưa này có nhiều đoạn miêu tả chiếc Chén Thánh mà hai nhà nghiên cứu cho rằng đó chính là chiếc chén đang được trưng bày trong nhà thờ San Isidoro.
Theo một số tài liệu lịch sử khác có từ thời Trung cổ thì chiếc Chén Thánh đã bị đánh cắp khỏi Jerusalem bởi các tín đồ Hồi giáo và đã lưu lạc tới Tây Ban Nha. Kể từ đây, tung tích chiếc Chén Thánh không còn được ai biết đến nữa.
Hai nhà nghiên cứu người Tây Ban Nha cho rằng cộng đồng những tín đồ Hồi giáo sinh sống ở Tây Ban Nha đã dâng chiếc Chén Thánh lên cho nhà vua Ferrnando I như một cống phẩm để nhà vua ra tay cứu giúp cộng đồng này vượt qua nạn đói.
Chiếc chén quý được trưng bày trong nhà thờ San Isidoro ở thành phố Leon, miền Bắc đất nước Tây Ban Nha.
Chiếc Chén Thánh từng được Chúa Giê-su dùng trong Bữa tối Cuối cùng - một đề tài truyền cảm hứng sáng tác cho nhiều họa sĩ thời Trung cổ.
Cận cảnh chiếc Chén Thánh đang rất thu hút sự quan tâm của công chúng Tây Ban Nha. Tuy vậy, không thể khẳng định đây chính là hiện vật lịch sử được tìm kiếm suốt nhiều thế kỷ qua chỉ bằng nghiên cứu của hai nhà sử học.
Thực tế, chiếc Chén Thánh trong nguyên bản không có gắn những viên đá quý. Hai nhà nghiên cứu lý giải rằng, vì chiếc chén thuộc quyền sở hữu của một nàng công chúa nên có lẽ nó đã được trang trí thêm cho phù hợp với vị chủ nhân mới.
Chiếc chén đã được nhà vua Fernando I tặng cho cô con gái cả.
Bộ phim “Indiana Jones And The Last Crusade” (Cuộc thập tự chinh cuối cùng - 1989) cũng được thực hiện dựa trên giả thuyết này. Trong đó, quân Đức từng tới Tây Ban Nha thời Thế chiến II với niềm tin rằng chiếc Chén Thánh đang được cất giữ tại tu viện Montserrat, gần Barcelona.
Thực tế, việc một số nhà thờ có từ thời Trung cổ khẳng định mình đang nắm giữ chiếc Chén Thánh không phải một câu chuyện mới. Nhà thờ Đức Mẹ Mary ở thành phố Valencia (Tây Ban Nha) cũng từng khẳng định mình đang nắm giữ một báu vật như thế. Rất nhiều giả thuyết đã được đưa ra xung quanh chiếc Chén Thánh lưu lạc từ Jerusalem tới Tây Ban Nha.
Dân Trí (Theo Dân Trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.