Tố - sự giàu có của người S’tiêng

San Nguyễn Thứ năm, ngày 26/05/2016 19:01 PM (GMT+7)
Tố (đồ đựng rượu) có từ rất lâu đời và có vai trò quan trọng trong phong tục văn hoá của người S’tiêng (huyện Bù Đăng, Bình Phước).
Bình luận 0

Tố góp mặt trong những ngày trọng đại như lễ đâm trâu, cưới hỏi, ma chay… Tố thể hiện sự giàu có, chỉ những gia đình nào nhiều trâu-lợn mới có được chiếc tố trong nhà.

img

Những chiếc tố của già làng Điểu Gô vẫn còn được giữ gìn tới nay. Ảnh: S.N 

Theo già làng Điểu Gô, xã Đức Liễu, huyện Bù Đăng, tố có hình dáng và công dụng gần giống như ché rượu cần của đồng bào Tây Nguyên. Rượu cái được ủ từ men lá rừng để trong những chiếc tố này có mùi vị thơm ngon hơn hẳn. Tố không chỉ đơn thuần là vật đựng rượu mà đó còn là tài sản, là của hồi môn của gia đình, mang đậm bản sắc văn hoá S’tiêng. Ngày xưa, chỉ những gia đình có của ăn của để mới có tố trong nhà. Tố càng nhiều chứng tỏ gia đình đó giàu có và được dân làng nể trọng.

Có nhiều loại tố như tố rang, tố tăng wot, tố kơn… được phân biệt bằng hình dáng, hoa văn hoạ tiết trên thân. Loại tố lớn nhất gọi là rơt nơn. Thoạt nhìn rơt nơn gần giống như chiếc chum của đồng bào Bắc Bộ. Chỉ những ngày lễ thật lớn, mổ tới 7 trâu, rơt nơn mới được đem ra sử dụng.

Loại tố thứ hai gọi là xà lung, thường dùng trong lễ cưới và ma chay. Xà lung gần giống rơt nơn nhưng nhỏ hơn, được dùng làm lễ vật “trả của” trong đám cưới. Nếu trong đám cưới của người Kinh nhất định phải có trầu cau thì đám cưới của người S’tiêng ở Bù Đăng không thể thiếu xà lung. Theo phong tục trước đây, chàng trai S’tiêng muốn lấy được vợ thì việc đầu tiên là phải sắm xà lung. Xà lung được xem như tài sản chàng trai trả công cho nhà gái đã sinh thành và nuôi dưỡng cô dâu.

Trong ngày cưới, nhà trai khiêng xà lung đi trước sang trao cho nhà gái, sau đó mới được rước dâu về, việc đó giống như hình thức nạp tài của ngưòi Nam Bộ. Ngày nay, xà lung còn ít, nên nhiều gia đình đã quy đổi số xà lung ra tiền mặt cho nhà trai đỡ vất vả. Đối với đám tang, người S’tiêng thường đập vỡ xà lung trên mộ- như một cách chia của cho người chết. Tuy nhiên, chỉ những gia đình giàu có mới giữ lại phong tục này vì xà lung đã hiếm và giá thành lại cao.

Ngoài rơt nơn, xà lung, còn có tố tăng got. Tăng got có cổ cao hơn rơt nơn, màu sắc bắt mắt, những chiếc tai tố vẫn là số chẵn nhưng to và vồng cao hơn. Hoa văn trang trí cầu kỳ với những con rồng uốn lượn quanh thân tố. Tuy nhiên, tăng got chỉ làm vật trang trí, ít đem ra đựng rượu vì theo ông Điểu Gô “rượu ủ trong tăng got uống nhạt hơn trong rơt nơn”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem