Trông bông điên điển, tiếc thời con gái!

Thứ năm, ngày 18/06/2015 18:30 PM (GMT+7)
“Hồi đó, điên điển bạt ngàn, hái cỡ tàn điếu thuốc đã xâm xấp miệng cái rổ nhỏ (hơn nửa ký). Nay đất hoang hiếm như vàng, điên điển cũng thưa thớt theo. Hồi đó, khỏi cần rủ đã có cả đống trai tráng tấp vô hái phụ…”.
Bình luận 0

Điệp khúc “hồi đó” của dì Ba Rành (Nguyễn Thị Rành) ở xã Hòa Bình, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, mênh mông – chòng chành như dòng nước lũ sông Tiền ngầu đục mà hiếu động, khát khao bến bờ tưới tắm.

img
Bông điên điển vàng rực trong mùa nước nổi. (Ảnh: Internet)
Hồi đó, cật lực chống, chèo chiếc xuồng ba lá già cỗi từ nửa đêm hôm trước đến bốn – năm giờ sáng ngày sau, dì Ba mót được gần ký bông đẹp lung linh trong mùa nước nổi. 28.000 – 30.000 đồng, cho một buổi mưu sinh “tháo” mồ hôi mẹ mồ hôi con. Xếp riêng phân nửa số tiền kếm được, dì Ba xiêu vẹo đi lại một chùa quen, mua chai thuốc xoa bóp trị nhức mỏi hiệu Phật Quan Âm, do một nhóm dược sĩ ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai bào chế.
img

Vài ba chục người lam lũ, đủ trẻ già, mắt nâu vàng như dì Ba, góp nên những đống bông điên điển vàng rực ở các chợ vùng sâu miệt Đồng Tháp, An Giang. Từ đó, bông chạy tiếp vào hàng quán ăn địa phương hoặc “ngồi” xe tốc hành về chợ đầu mối Bình Điền, Hòa Bình, Phạm Văn Hai… của TP.HCM.

“Năm cơm – bảy cháo” như vậy nên 100g bông gợi nhớ miền Tây trong các món xào với tép rong, bóp xổi cùng bông súng, khế chua… đã vọt lên 90.000 – 110.000 đồng/dĩa, ở các nhà hàng lớn tại Sài Gòn.

img
Bông điên điển dân dã giờ thành đặc sản đất Sài Gòn.
Có lẽ vậy, một số người con miệt vườn cảm nhận rõ vị đắng – ngọt nơi nhụy bông nhỏ xíu kia.

Trật chìa nữa, nhiều người ghét cay ghét đắng kiểu ăn xổi ở thì lại chuộng món bông điên điển bóp xổi. Cách làm cực kỳ đơn giản: pha chén nước mắm chua ngọt, bóp sơ mớ rau bông súng đã bẻ vừa gắp, rưới đều nước pha rồi rắc nhẹ bông lên. Phải đảo thật nhẹ nhàng, nếu không sẽ tan nát đời… hoa. Đúng điệu bình dân là, dùng hỗn hợp: giấm nếp, pha ít đường thốt nốt, ớt hiểm giã để gây bão giông chiêu dụ từ làn hương chua – ngọt phảng phất.

img
Không có cá ngon thì “gá nghĩa” với vài con tép là cũng sáng một đời điên điển.
Không chờ nồi cá linh già kho rục, chẳng hứa hẹn với đĩa cá trê vàng chiên mắm gừng cay nồng hay con cá lóc nướng trui cong đuôi thơm phức, vì thố tép rong kho lạt phả khói đang xếp hàng chờ “gá nghĩa”.

Màu bông rực sáng một góc phòng, dịu dàng đưa đón những tâm hồn tha hương ngược xuôi “chuyến đò quê hương” tràn đầy trìu mến. Thêm chút giòn giòn xen lẫn nhịp đắng nhẹ, giúp tư vị ngọt thơm của bầy tép “không chịu dừng lại ở hai con” thêm bắt bén.
img
Ăn no phù sa, điên điển tải tâm tình quê hương vào những cái miệng tha hương.
Một số nông dân ở An Giang, đã nhanh tay nhanh chân trồng điên điển lấy bông, “kiếm ăn được” cả mùa nghịch và thuận. Có thể, điều bất hạnh của hàng trồng so với hàng hoang là không được ăn uống no nê lượng phù sa trời phú, nên trổ bông màu xanh nhạt chứ không vàng thắm màu hoa mai.

Còn dì Ba ở Tam Nông, hay tin giá 100g bông điên điển ở nhà hàng Sài Gòn bằng mấy ký bông cùng loại “sang tay” ở quê, tặc lưỡi thốt: “Quí trời đất ơi! Bông điên điển hèn mọn ở Xì – Gòn vàng son dữ vậy sao? Ước gì tui còn nhan sắc!”
(Thế giới Tiếp thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem