Các nhà lãnh đạo ASEAN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: "Ngày 8.8.2017, 630 triệu người dân Đông Nam Á chúng ta sẽ chính thức chào đón thời khắc “vàng” kỷ niệm 50 năm hình thành và phát triển của ASEAN. Từ 5 nước ban đầu, ASEAN đã lớn mạnh, trở thành Cộng đồng gồm 10 quốc gia làm chủ vận mệnh của mình và ngày càng trưởng thành hơn về chính trị, vững vàng hơn về kinh tế, hoàn thiện hơn về thể chế, gắn kết hơn trong quan hệ. Chúng ta cùng tự hào về ngôi nhà chung ASEAN - mô hình liên kết khu vực rất thành công.
Trải qua thăng trầm lịch sử, vượt kỳ vọng ban đầu, ASEAN không chỉ biến Đông Nam Á từ đối đầu sang đối thoại, từ nghi kỵ sang hợp tác, từ chia rẽ sang đoàn kết mà đỉnh cao là hình thành Cộng đồng ASEAN.
Ngày nay, Đông Nam Á hoà bình, an ninh, ổn định, phát triển là điểm sáng trên bản đồ thế giới đầy những bất ổn. Cộng đồng ASEAN đứng thứ 6 thế giới với GDP đạt gần 3 nghìn tỷ đô la Mỹ 1 năm. Đồng thời, ASEAN cũng là tổng hòa các nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, thắm tình đoàn kết các dân tộc chung sống trong hòa bình,an sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng sống của người dân được nâng cao.
Trong quan hệ với bên ngoài, kể cả với các cường quốc thế giới, ASEAN luôn chủ động đối thoại, hợp tác, là lực lượng dẫn dắt các cơ chế diễn đàn khu vực. ASEAN luôn đi đầu, trao đổi một cách xây dựng với tất các đối tác mọi vấn đề, từ biến đổi khí hậu, chống khủng bố, đến hòa bình ổn định trên Biển Đông, từ đó nâng cao vị thế quốc tế của ASEAN và từng thành viên.
Tham gia ASEAN từ năm 1995, Việt Nam tự hào đã sát cánh cùng các quốc gia thành viên đóng góp cho ngôi nhà chung ASEAN ngày nay. Trải qua hơn hai thập kỷ, dấu ấn Việt Nam đã ghi đậm cùng các bước trưởng thành, lớn mạnh của ASEAN.
Thế kỷ 21 đặt ra những cơ hội và thách thức to lớn cho ASEAN trong hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025, hướng tới“một Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, hướng tới người dân và lấy người dân làm trung tâm”. ASEAN đang thực hiện những đổi mới, điều chỉnh, linh hoạt hơn, hiệu quả hơn và cao hơn cả là tiếp tục duy trì tinh thần đoàn kết được vun đắp trong nửa thế kỷ qua.
Việt Nam cam kết sẽ cùng các nước: quyết tâm xây dựng một Cộng đồng đoàn kết, tự cường; thúc đẩy thương mại và đầu tư nội khối, phát triển hạ tầng, thu hẹp khoảng cách phát triển; hợp tác thiết thực phục vụ người dân, nâng cao đời sống, bảo đảm an sinh xã hội, khơi gợi lòng tự hào về Cộng đồng; xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên luật lệ, nhất là luật pháp và những nguyên tắc cơ bản của quan hệ quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác với các đối tác, giữ vai trò chủ đạo ở khu vực, có lập trường chung về các vấn đề quốc tế và khu vực".
Trước đó, ngày 7.8, chương trình làm việc trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 và các Hội nghị liên quan, đã diễn ra Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN+3 lần thứ 18, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao các nước tham gia Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 7 và Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24.
Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50.
Trọng tâm của các Hội nghị nhằm kiểm điểm quan hệ và hợp tác trong thời gian qua, định hướng hợp tác trong thời gian tới, trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời chuẩn bị cho Hội nghị Cấp cao ASEAN với các đối tác vào tháng 11.2017. Tại Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) lần thứ 24: các Bộ trưởng khẳng định ARF cần phát huy mạnh mẽ vai trò là diễn đàn hàng đầu về đối thoại và hợp tác an ninh, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, góp phần bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực Châu Á – Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, các Bộ trưởng nhất trí tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch Hành động Hà Nội thực hiện Tuyên bố Tầm nhìn ARF và hợp tác về các lĩnh vực ưu tiên như chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, cứu trợ thảm hoạ, chống phổ biến vũ khí và giải trừ quân bị và gìn giữ hoà bình.
Hội nghị đã thông qua danh mục các hoạt động cho năm giữa kỳ 2017-2018, trong đó Việt Nam sẽ chủ trì 2 Hội thảo về các chủ đề hợp tác giữa các cơ quan thực thi pháp luật trên biển và xây dựng năng lực cho lực lượng giữ hoà bình. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng nhất trí về thành lập Nhóm Giữa kỳ ARF về Công nghệ Thông tin và Truyền thông (ISM-ICTs) để đáp ứng nhu cầu hợp tác khu vực ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này.
Về định hướng tương lai, các Bộ trưởng cam kết tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xây dựng lòng tin, nghiên cứu và phát triển các biện pháp ngoại giao phòng ngừa phù hợp với nhu cầu của khu vực; đồng thời giữ vững các nguyên tắc nền tảng và định hướng của Diễn đàn như đồng thuận, phát triển tiệm tiến, chú trọng cân bằng giữa các vấn đề an ninh truyền thống và phi truyền thống. Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh trong bối cảnh khu vực đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh đa chiều, phức tạp, ARF cần nỗ lực nâng cao “tính hành động”, đề ra các sáng kiến hợp tác thiết thực, đáp ứng quan tâm chung của các nước.
Dịp này, Hội nghị đã thông qua 02 Tuyên bố Bộ trưởng Ngoại giao ARF về Đánh bắt cá trái phép và Phòng chống ma túy.
* Về các vấn đề khu vực và quốc tế, tại các Hội nghị ASEAN+3, EAS và ARF, các Bộ trưởng đã thảo luận thẳng thắn các vấn đề cùng quan tâm, ảnh hưởng trực tiếp đến việc duy trì hoà bình, an ninh và ổn định của khu vực, trong đó nổi lên là tình hình Biển Đông, Bán đảo Triều Tiên, và các thách thức an ninh mới như khủng bố và bạo lực cực đoan, an ninh mạng. Theo đó, bên cạnh việc chia sẻ tình hình, các Bộ trưởng đều nhấn mạnh hoà bình và an ninh là điều kiện tiên quyết thúc đẩy hợp tác, phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Riêng về Biển Đông, các Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến tình hình vừa qua, trong đó có các hoạt động đơn phương như quân sự hoá, xây dựng trên các cấu trúc tranh chấp. Hội nghị khẳng định tầm quan trọng của duy trì hoà bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; nhấn mạnh các bên liên quan cần giải quyết hoà bình các tranh chấp, kiềm chế, không sử dụng vũ lực, tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982, thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), hoan nghênh việc ASEAN và Trung Quốc nhất trí thông qua khung Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) làm cơ sở thúc đẩy đàm phán xây dựng một COC hiệu quả và thực chất.
* Phát biểu tại các Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đánh giá cao những tiến triển đạt được trên nhiều lĩnh vực giữa ASEAN và các đối tác; đề xuất một số biện pháp tăng cường hơn nữa vai trò của tiến trình ASEAN+3, EAS và ARF đối với hòa bình, an ninh và phát triển ở khu vực Đông Á. Phó Thủ tướng nhấn mạnh các diễn đàn này cần phát triển theo hướng thúc đẩy hợp tác sâu rộng, phù hợp với tính chất của từng diễn đàn và trên cơ sở bảo đảm vai trò trung tâm của ASEAN, góp phần xử lý những thách thức an ninh ở khu vực, thúc đẩy liên kết và kết nối ở khu vực. Phó Thủ tướng đề nghị các Đối tác tiếp tục hỗ trợ ASEAN thực hiện các mục tiêu xây dựng Cộng đồng 2025 thông qua triển khai các dự án thiết thực.
Về định hướng hợp tác trong tương lai, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN+3 tập trung hợp tác về thương mại, tài chính, nâng cao năng lực và kết nối khu vực, dành ưu tiên cho phát triển doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs). Tại Hội nghị EAS, Phó Thủ tướng đề nghị ASEAN tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, xem xét tích cực bổ sung hợp tác biển thành lĩnh vực hợp tác ưu tiên mới của EAS, phù hợp với lợi ích và quan tâm chung của tất cả các nước. Trong họp ARF, Phó Thủ tướng đề xuất củng cố và mở rộng các biện pháp đối thoại và xây dựng lòng tin, xây dựng nhận thức chung và năng lực triển khai ngoại giao phòng ngừa.
Trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh khẳng định tầm quan trọng và ý nghĩa của việc bảo đảm hòa bình, ổn định nói chung, trong đó có an ninh biển, là lợi ích chung của các quốc gia trong và ngoài khu vực. Trưởng đoàn Việt Nam đã nêu những quan ngại về tình hình trên thực địa, bao gồm các hoạt động tôn tạo, xây dựng và quân sự hoá; đề nghị duy trì các nguyên tắc và lập trường đã có về vấn đề Biển Đông trong các văn kiện của ASEAN cũng như giữa ASEAN với các đối tác, nhất là giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, tôn trọng LPQT, Công ước Luật biển 1982, các tiến trình ngoại giao và pháp lý; kêu gọi các nước đối tác và cộng đồng quốc tế tiếp tục ủng hộ nỗ lực của ASEAN và Trung Quốc, thúc đẩy sớm đàm phán thực chất để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc về pháp lý.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.