Từ vụ 7 học sinh chết đuối: Cảnh báo về các chuyến dã ngoại

Thứ ba, ngày 31/12/2013 06:50 AM (GMT+7)
Cái chết đau lòng của 7 học sinh ngày 29.12 là hồi chuông cảnh báo cho nhiều trường học trong công tác bảo vệ an toàn cho các em khi đi dã ngoại, tham quan...
Bình luận 0
Hạn chế ngoại khóa vì không an toàn

Hoạt động ngoại khóa, tham quan du lịch kết hợp giảng dạy là một trong những yêu cầu trong việc học tập tại các trường học. Các hoạt động này nhận được sự hào hứng của rất nhiều học sinh, giáo viên bởi nó tăng cường sự tương tác, giao lưu, giúp tiếp thu kiến thức một cách tốt hơn, nâng cao kỹ năng giao tiếp. Tuy nhiên, ở nhiều trường học, do thiếu điều kiện bảo vệ an toàn cho học sinh mà các hoạt động này thường bị hạn chế.

Bờ kè lấn biển ở cạnh bãi tắm 30.4 - nơi thi thể các học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bị sóng đánh dạt vào
Bờ kè lấn biển ở cạnh bãi tắm 30.4 - nơi thi thể các học sinh Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm bị sóng đánh dạt vào

Cô Nguyễn Thị Hương – giáo viên Trường THPT Bán công Tiền Hải (Thái Bình) cho biết: “Để tổ chức tham quan hay dã ngoại cho các em an toàn, cần nhiều giáo viên tham gia đi cùng, nhưng thường thì một lớp chỉ có giáo viên chủ nhiệm làm được điều này. Vì vậy, các thầy cô thường không khuyến khích các em”. Cô Hương cũng cho hay, vì trường không tổ chức được mà nhiều khi học sinh tự đi với nhau không thông qua lớp, điều này tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ dẫn đến tai nạn, sự cố...

Cô Phùng Lan Hương - giáo viên phụ trách đoàn của một trường THPT ở Vĩnh Phúc cho biết, rất nhiều trường THCS, THPT chỉ dám tổ chức 1 đợt dã ngoại duy nhất trong năm là cắm trại nhân ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (26.3). “Khi tổ chức, chúng tôi cũng thường rất lưu ý tránh cắm trại ở những khu gần sông, gần hồ nước bởi các em thường hay thách đố nhau bơi, lội. Giáo viên thì ít, không quản nổi 1 lớp 40-50 em nên dễ sơ sẩy đáng tiếc”. Cô Hương cũng cho biết, trường từng tổ chức một đợt cắm trại gần sông Hồng và nhiều người... đứng tim khi có khoảng 20 học sinh đưa nhau lên một con tàu hút cát và có 3 em rơi xuống nước, may được cứu kịp thời.

Tại Hà Nội cũng đã xảy ra không ít vụ tai nạn đau lòng xảy ra khi học sinh đi tham quan, dã ngoại: Nổi cộm nhất là năm 2008 có 3 học sinh lớp 6 Trường THCS Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) trượt chân ngã xuống suối chết đuối khi tham quan tại khu du lịch Thiên Sơn – Suối Ngà (Ba Vì, Hà Nội); đầu tháng 11.2013 cũng có 1 học sinh Trường THCS Giáp Bát (Hà Nội) bị chết đuối khi đi tham quan tại khu du lịch sinh thái Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc)...

Cảnh báo về những chuyến dã ngoại

Để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra, năm nào, Sở GDĐT Hà Nội cũng có thông báo gửi các phòng giáo dục và các trường chỉ đạo việc đảm bảo an toàn cho học sinh khi tổ chức đi dã ngoại, tham quan, học ngoại khóa. Đặc biệt, Sở cũng thường yêu cầu các trường hạn chế các hoạt động này những thời gian “trọng điểm” như trước sau Tết Nguyên đán, tết dương lịch, trong dịp hè…

Phó Giám đốc Sở GDĐT Hà Nội - ông Nguyễn Hiệp Thống cho rằng: Học sinh đang ở độ tuổi rất hiếu động, hay nghịch dại, nhiều em thiếu kỷ luật chủ quan nên nguy cơ xảy ra tai nạn đáng tiếc luôn tiềm ẩn. Vì vậy, để có một buổi hoạt động dã ngoại tốt, các trường nên chọn những địa điểm thuận tiện về giao thông, địa hình bằng phẳng, không nên đưa học sinh vào những khu vực tiềm ẩn nguy hiểm như sông, hồ, núi… Ngoài ra, trường phải huy động tối đa lực lượng thầy cô có thể huy động để giám sát các em, cần đi “tiền trạm” trước để có các phương án bảo vệ học sinh của mình. Bên cạnh đó, phải thường xuyên nhắc nhở, nâng cao nhận thức của học sinh trước những hiểm họa như tai nạn giao thông, đuối nước, ngộ độc…

Tuyên truyền, tư vấn nhiều hơn cho học sinh


Chiều 30.12, trao đổi với phóng viên Báo NTNN, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GDĐT) cho biết: Thực sự tôi hết sức đau lòng trước vụ việc đáng tiếc xảy ra đối với 7 học sinh ở Cần Giờ. Về công tác quản lý, năm nào, Bộ GDĐT cũng có chỉ đạo các sở GDĐT và các trường sát sao trong việc quản lý, đảm bảo an toàn cho học sinh, sinh viên trong các hoạt động dã ngoại, ngoại khoá. Bộ cũng yêu cầu Sở GDĐT địa phương làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể có liên quan đến vụ việc, báo cáo về Bộ.


Tôi cho rằng đây cũng là một bài học xương máu để các trường khác rút kinh nghiệm sâu sắc trong việc tổ chức tham quan, dã ngoại an toàn cho học sinh. Các trường cần tuyên truyền, tư vấn và nâng cao hơn nữa nhận thức của học sinh khi tham gia các hoạt động ngoài trời, cấm các hoạt động tự phát không có sự giám sát của giáo viên. Năm 2013, Bộ GDĐT cũng đã chủ trương đưa môn bơi lội vào trong trường học, tuy nhiên việc thực hiện vẫn chưa được sâu sắc vì cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên chưa đáp ứng. Thời gian tới, công tác này phải làm mạnh mẽ hơn. Học sinh chỉ có thể an toàn nhất khi biết tự bảo vệ mình trước các biết cố.


Nguyễn Thiêm (Nguyễn Thiêm)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem