Liên quan đến vụ lùm xùm nguồn gốc của cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú có nội dung nhạy cảm, đại diện Nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin, Phó giám đốc bà Vũ Thanh Việt đã cho biết như trên.
Trước đây, Giám đốc nhà xuất bản, ông Lê Tiến Dũng từng trả lời là nhiều khả năng cuốn Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú là sách lậu trôi nổi trên thị trường. Tuy nhiên, theo thông tin từ Cục xuất bản cũng như Thư viện Quốc gia thì điều này khó có khả năng xảy ra bởi sách này có trên hệ thống đăng ký của 2 cơ quan này. Vậy nhà xuất bản đã kiểm tra lại và nếu có thì kết quả cuối cùng là như thế nào?
Ảnh bìa cuốn sách
- Trước hết phải rõ ràng rằng, cuốn sách này đã xuất bản cách đây 8 năm, khi đó Giám đốc Nhà xuất bản Văn hóa- Thông tin là ông Bùi Việt Bắc (hiện nay là Giám đốc Nhà xuất bản Hồng Đức) chịu trách nhiệm xuất bản.
“Văn hóa 18+” đầu độc trẻ em: Đáng báo động hay chỉ là... tưởng tượng?
Việc trước đó, ông Lê Tiến Dũng (Giám đốc Nxb Văn hóa - Thông tin hiện tại) trả lời là không có cuốn sách “Truyện cổ tích về các loài chim và muông thú” nào do Gia Mạnh sưu tầm và tuyển chọn, 2006 là căn cứ vào việc chúng tôi đã sơ bộ rà soát phần hồ sơ lưu chiều lưu trong máy.
Cũng có thể bị thiếu do máy tính nhiều lần hỏng hóc và nhiễm virus. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ thấy lưu tên 2 đề tài khác cũng là cuốn sách nhưng lại của các tác giả khác.
Vì sách xuất bản từ năm 2006, đã qua nhiều thời kỳ lãnh đạo, hiện tại chúng tôi vẫn chưa tìm thấy sách lưu (theo luật lưu chiểu quy định thì thời hạn lưu giữ và thanh lý xuất bản phẩm lưu chiểu trong thời gian 02 năm). Và tại thị trường sách ở Hà Nội, chúng tôi đi tìm mua lại cũng không còn có bán.
Theo bà, nguyên nhân chủ quan và khách quan dẫn tới tình trạng nội dung nhạy cảm “lọt” vào sách thiếu nhi này là gì?
- Thời điểm cuốn sách được xuất bản, Giám đốc hiện tại của chúng tôi chưa về làm việc tại Nhà xuất bản (2009 mới về), mà do ông Bùi Việt Bắc chịu trách nhiệm xuất bản.
-Mỗi cuốn sách được xuất bản theo đúng quy trình xuất bản và được kiểm duyệt chặt chẽ qua nhiều khâu: biên tập trình trưởng ban biên tập phê duyệt, rồi được chuyển lên Phó giám đốc nội dung xét duyệt và cuối cùng là trình cho ông giám đốc quyết định có được phép xuất bản hay không.
Cuốn sách là những câu chuyện cổ của Việt Nam và thế giới, đoạn trích dẫn mà nguồn Facebook đưa chỉ là phần cắt cúp đầu đuôi trong tổng thể câu chuyện. Thực chất đoạn văn trên nằm trong một tích truyện thuộc Thần thoại Hy Lạp – một tác phẩm kinh điển của nhân loại thể hiện thế giới quan của người Hy Lạp cổ đại và những vị thần linh mà họ tôn thờ.
Xét tổng thể và đặt trong cả câu chuyện, theo tôi cũng chỉ đơn thuần là miêu tả tình cảm của con thiên nga thể hiện với một cô gái, còn nếu suy diễn ngoài văn bản thì rất vô cùng.
Một số hình ảnh về thông tin cuốn sách được chụp lại ở Thư viện Quốc gia.
Vậy theo quan điểm cá nhân bà, cũng là một người mẹ, quyển sách như thế này ảnh hưởng như thế nào tới tương lai con em chúng ta?
- Như đã nói ở trên, nếu cho rằng đây là sách viết cho thiếu nhi thì xét trên tổng thể và đặt trong cả câu chuyện, đó chỉ đơn thuần là miêu tả tình cảm của con thiên nga thể hiện với một cô gái. Vì trẻ em thường rất trong sáng, thông thường các em sẽ chỉ cảm nhận ngữ nghĩa thể hiện trên văn bản.
Ngay khi nhận được thông tin phản ánh trên báo chí, tôi cho các con tôi đọc lại mấy trang trích dẫn mà nguồn Facebook cung cấp. Cháu gái 16 tuổi và cháu trai 13 tuổi, các cháu đều cho rằng những trang sách viết hết sức bình thường, một hình ảnh đẹp thể hiện tình cảm của một con thiên nga với nhân vật nàng.
Hơn nữa, Thần thoại Hy Lạp hay truyện cổ tích dân gian nào đó đều dành cho tất cả mọi đối tượng, không phân biệt tuổi tác. Không ai người ta cấm thiếu nhi đọc truyện dân gian cả. Thậm chí loại truyện này còn hướng tới độc giả là thiếu nhi. Bởi lẽ, tất cả những gì thuộc về dân gian đều gần gũi với tư duy của con trẻ. Và như thế cũng không cấm đoán độc giả là những đứa trẻ. Cá nhân tôi nghĩ như thế.
Để tình trạng này không tái diễn, theo bà, các nhà xuất bản cần làm gì để tránh những hạt sạn đáng tiếc này?
- Trong bối cảnh hiện nay, để tránh những hiểu lầm không đáng có, chúng tôi đã và sẽ tiếp tục cho kiểm tra trên thị trường, nếu có sách sẽ thu hồi và sữa chữa lại một số câu chữ và cần phải có chú dẫn rõ ràng để bạn đọc người lớn không dễ suy diễn theo hướng phản cảm.
Ngoài ra, chúng tôi sẽ lưu ý và nhắc nhở biên tập viên trong những cuốn sách hướng tới bạn đọc là thiếu nhi, Nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin sẽ thận trọng và cân nhắc thật kỹ khi dùng từ ngữ, sao cho phù hợp lứa tuổi, tránh những suy diễn tiêu cực.
XEM THÊM: Tôi cùng con xem… “sách 18+”, thì đã sao?
Quan điểm của bạn đối với vấn đề này thế nào? Hãy chia sẻ suy nghĩ của bạn với Dân Việt thông qua bài viết gửi về địa chỉ hòm thư điện tử: baodanviet@gmail.com. Bài viết sẽ được đăng tải trên trang điện tử Dân Việt (www.danviet.vn) và được hưởng nhuận bút theo quy định.
(Theo Infonet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.