Về Cô Tô nghe đờn ca tài tử

Thứ năm, ngày 27/10/2011 08:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Vùng núi Cô Tô (huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang) không phải là "xứ sở" của vọng cổ. Nhưng vài năm gần đây, các CLB đờn ca tài tử ở nơi này đã trở thành sân chơi hấp dẫn của những người dân nông thôn.
Bình luận 0

Mang cá lóc đi nghe ca

"Trụ sở" sinh hoạt của CLB Đờn ca tài tử ấp Huệ Đức (xã Cô Tô, Tri Tôn) cũng chính là văn phòng Ban nhân dân ấp, nằm cặp tuyến kênh Tri Tôn. CLB vẫn duy trì sinh hoạt vào tối Chủ nhật hằng tuần, nhưng hoạt động xôm tụ nhất là ngày 20 hằng tháng. Vào thời gian này, ngoài sự tham gia của 25 thành viên CLB, còn có rất đông người dân ở các ấp khác và các xã lân cận như Tà Đảnh, Tân Tuyến (huyện Tri Tôn), Vọng Thê (huyện Thoại Sơn)... đến dự.

img
CLB cũng là nơi giúp người dân thắt chặt thêm tình làng xóm.

18 giờ bắt đầu, nhưng từ 17 giờ, mọi người đã có mặt để chuẩn bị bàn ghế, trà nước, âm thanh... Lần sinh hoạt này, mấy anh em ở ấp Tân Trung (xã Tà Đảnh) mang theo hơn 3kg cá lóc để "giao lưu". Vợ chồng anh Nguyễn Văn Liêm và chị Huỳnh Thị Sang (ấp Huệ Đức) thì "tài trợ" mớ khô cá trê đồng với xoài sống. Các thành viên khác thì ủng hộ gạo nấu cháo, trái cây, bánh ngọt...

“Ở đây anh em chủ yếu chơi theo kiểu "cây nhà lá vườn", có món gì thì đem hùn vô. Tùy theo điều kiện kinh tế, mỗi thành viên có thể đóng góp thêm từ 10.000 - 30.000 đồng/tháng để duy trì sinh hoạt của CLB và làm kinh phí tổ chức các đợt giao lưu. Ngoài ra, chúng tôi còn nhận được tài trợ từ một số anh em ở Xí nghiệp Khai thác đá Cô Tô - ông Phạm Thành Long (Sáu Long) - Chủ nhiệm CLB Đờn ca tài tử ấp Huệ Đức cho hay.

Nhân rộng phong trào

Thành lập vào ngày 30.4.2008, CLB Đờn ca tài tử ấp Huệ Đức ban đầu chỉ có 10 thành viên. Nhưng sau một thời gian hoạt động hiệu quả, CLB đã phát triển được 25 thành viên và "kết nghĩa" với nhiều CLB khác ở các xã giáp ranh với Cô Tô. Khi mà cuộc sống còn nhiều khó khăn, vất vả, việc được thả hồn cùng lời ca, tiếng hát vào dịp cuối tuần như một giải pháp tinh thần giúp họ thêm yêu lao động và nhìn thấy cuộc đời tươi đẹp hơn...

Nồi cháo cá lóc vừa chín cũng là lúc CLB bắt đầu sinh hoạt. Mọi người quây quần bên 2 chiếc bàn dài. Sau khi Sáu Long "mở hàng" bằng 2 câu vọng cổ trong bài "Nhớ cha trong mùa phượng đỏ", Hai Du tiếp nối với bài "Đài hoa dâng Bác".

Buổi sinh hoạt trở nên rộn rã. Ly rượu đế xoay vòng, món khô cá trê đồng trộn gỏi xoài chấm với mắm me, món cháo cá lóc dùng với mắm ớt, cùng những điệu nam ai, xuân tình, những câu vọng cổ mượt mà... khiến mọi người quên hết mệt mỏi của những ngày lao động cực nhọc. Họ thả hồn theo tiếng đàn đinh, đàn thùng hòa với tiếng gõ nhịp song lang. Một lúc, tràng pháo tay lại vang lên khi nghe ai đó vừa xuống câu vọng cổ...

"Ở Cô Tô, phần lớn người dân đều có đời sống còn khó khăn. Thiếu thốn cơ sở vật chất nên các sân chơi chưa có nhiều, các CLB đờn ca tài tử được xem là nơi tập hợp người dân sinh hoạt hiệu quả nhất hiện nay."

Ông Nguyễn Việt Hải
- Cán bộ văn hóa xã

Buổi đờn ca kéo dài đến 22 giờ, dù chưa ai muốn kết thúc, nhưng cũng phải tạm dừng "để bà con nghỉ ngơi chuẩn bị cho ngày lao động mới" - ông Tư Biền, Phó Chủ nhiệm CLB phân trần. Ông Nguyễn Văn Vui - Trưởng ấp Tân Trung (xã Tà Đảnh) hứng khởi: "Chúng tôi đã đến đây giao lưu cũng nhiều lần. Đúc kết từ kinh nghiệm hoạt động của CLB ấp Huệ Đức, chắc vài tháng nữa, Tân Trung cũng sẽ thành lập CLB để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của anh em".

Theo ông Nguyễn Việt Hải - cán bộ văn hóa xã Cô Tô, cùng với CLB Đờn ca tài tử ấp Huệ Đức thì CLB Đờn ca tài tử ấp Tô Bình cũng được xem là những CLB văn nghệ mạnh nhất huyện Tri Tôn hiện nay. Ngoài sinh hoạt tại chỗ, các CLB này còn là nòng cốt trong phong trào văn nghệ tại địa phương nhân các ngày lễ, Tết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem