Việt Nam: 99 loài động thực vật mới được phát hiện

Thứ năm, ngày 05/06/2014 22:20 PM (GMT+7)
Quỹ Quốc tế về bảo vệ thiên nhiên (WWF) vừa đưa ra báo cáo đã phát hiện được 367 loài động thực vật mới tại Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng, trong đó có 99 loài được phát hiện ở Việt Nam.
Bình luận 0
Thời gian phát hiện trong hai năm từ 2012 -2013 nhưng do phải phân tích và mô tả nên nay mới được công bố.

Điều bất ngờ là có những loài mới được phát hiện không phải ở trong rừng sâu mà ở một địa điểm gần nơi canh tác nông nghiệp chỉ cách TP HCM chưa đến 100 km. Đó là loài ếch bay Helen (Rhacophorus helenae).

Loài ếch xanh khổng lồ biết bay Helen, với tên khoa học Rhacophorus helenae, được tìm thấy trong vòng bán kính chưa đầy 100km xung quanh TPHCM. Loài này có thể dài đến 10cm và nằm trong nhóm các loài ếch có khả năng bay tốt nhất. Ảnh: WWF cung cấp.
Loài ếch xanh khổng lồ biết bay Helen, với tên khoa học Rhacophorus helenae, được tìm thấy trong vòng bán kính chưa đầy 100km xung quanh TPHCM. Loài này có thể dài đến 10cm và nằm trong nhóm các loài ếch có khả năng bay tốt nhất. Ảnh: WWF cung cấp.

“Loài ếch xanh lớn này đã tránh được sự chú ý của các nhà sinh vật học cho đến tận bây giờ nhờ việc lướt giữa các ngọn cây bằng các chi lớn và có màng; và chúng chỉ nhảy xuống để sinh sản trong các hồ nước mưa. Việc loài ếch bay Helen được phát hiện trong một vạt rừng nằm lọt giữa các khu đất nông nghiệp giúp nhấn mạnh sự cấp thiết của việc bảo tồn các khu rừng miền đất thấp,” báo cáo của WWF viết.

Ngoài ra, các nhà khoa học của WWF cũng phát hiện ở Việt Nam một loài cá tí hon và gần như trong suốt có tên khoa học là Phallostethus cuulong.

Điểm nổi bật của loài cá này là có cơ quan sinh sản nằm ngay dưới miệng, hai con giao phối với nhau bằng đầu, với cơ quan sinh sản của con đực móc vào cơ quan sinh sản của con cái.

Một số loài mới được phát hiện trong thời gian qua như loài sóc bay khổng lồ, tắc kè bay, một loài nhện không mắt sống trong hang… là những loài tiêu biểu được đưa ra trong báo cáo của WWF.

Tất cả 367 loài mới này được WWF nêu trong báo cáo có tên Mekong Kỳ bí, bao gồm 290 loài thực vật, 24 loài cá, 21 loài lưỡng cư, 28 loài bò sát, 1 loài chim và 3 loài động vật có vú.

Theo tiến sỹ Thomas Gray, Quản lý chương trình Loài của WWF-Greater Mekong, những loài mới được phát hiện đã khẳng định Tiểu vùng sông Mekong mở rộng là một trong những khu vực trù phú và có độ đa dạng sinh học cao nhất thế giới.

Kể từ năm 1997, đã có 2.077 loài mới được các nhà khoa học phát hiện tại khu vực Tiểu vùng sông Mekong mở rộng, bao gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Việt Nam và tây nam tỉnh Vân Nam, Trung Quốc.
Kinh Tế Sài Gòn (Theo Kinh Tế Sài Gòn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem