Xây làng trong lòng đất

Thứ ba, ngày 27/08/2013 06:33 AM (GMT+7)
Cựu Đồn trưởng Đồn Công an vũ trang nhân dân 140 Lê Xuân Vy đã kể cho chúng tôi nghe những chuyện mà ít người biết về những ngày “xây làng” trong lòng đất Vịnh Mốc.
Bình luận 0
Ông được gọi với chức danh “tổng công trình sư” của làng hầm.

Ông Lê Xuân Vy (hiện sống tại khu phố 4, phường 5, TP.Đông Hà, Quảng Trị) chính là người phát kiến, thiết kế và trực tiếp chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Đồn Công an vũ trang 140 cùng nhân dân thôn Vịnh Mốc đào địa đạo Vịnh Mốc (xã Vĩnh Thạch, Vĩnh Linh, Quảng Trị).

Sắp đặt mô phỏng cuộc sống gia đình trong địa đạo Vịnh Mốc.
Sắp đặt mô phỏng cuộc sống gia đình trong địa đạo Vịnh Mốc.

18 tháng gian khổ

Theo ông Vy, vào những năm 1965, đất thép Vĩnh Linh không lúc nào ngớt tiếng bom rơi, đạn nổ bởi những đợt oanh tạc ác liệt của không quân và pháo binh Mỹ. Quân và dân ta thương vong nhiều. Vậy nhưng, đồng bào Vĩnh Linh vẫn quyết tâm bám trụ, chi viện cho miền Nam.

Vấn đề hết sức cấp thiết đặt ra là việc tổ chức phòng tránh bom đạn cho con người. Trong khi nghiên cứu đặc điểm của địa bàn đóng quân phục vụ phương án tác chiến, phát hiện ra yếu tố “địa lợi” ở những quả núi, quả đồi lớn sát mép biển, ông Vy cho đào thí điểm những căn hầm hình chữ U trên những đỉnh đồi đề phục vụ việc quan sát của quân ta. Mỗi hầm chữ U sẽ liên thông với 2 hầm chữ U khác, tạo thành một hệ thống “nhà hầm”.

Thấy đây là cách làm hiệu quả, địch khó phát hiện nên trong một cuộc họp quân chính, ông Vy nói rằng: “Thằng địch mặc áo giáp đánh ta, tại sao ta có áo giáp mà không mặc? Áo giáp của ta chính là lòng đất. Chúng ta có nhà hầm, thì tại sao không xây dựng làng hầm?”. Sau thời gian khảo sát, nghiên cứu và được sự đồng tình của quân và dân địa phương, ngày 18.2.1965, công trình “làng hầm” bắt đầu được xây dựng.

Ông Vy kể về địa đạo Vịnh Mốc.
Ông Vy kể về địa đạo Vịnh Mốc.

Để đẩy nhanh tiến độ và tăng sự quyết tâm đào địa đạo, ông Vy chia 3 người thành một tổ và tổ chức thi đua đào địa đạo. Tổ nào trong một ngày đào được 7m độ sâu, 1m chiều dài sẽ được gọi là kiện tướng đào địa đạo, đội nào trên 7m sẽ là đại kiện tướng, trên 8m sẽ là đại kiện tướng đặc biệt.

“Hồi đó thiết bị, máy móc không có, tất cả đều nhờ bàn tay, khối óc và lòng quyết tâm đánh Mỹ mà nên. Có lần, anh em đào được một đoạn lại cảm thấy dường như đào vòng tròn, nguyên do là mọi người đều thuận tay phải, khi đào thường móc cuốc sang trái nhiều hơn. Tôi nghĩ ra cách dùng ba cây đèn đặt thành một đường thẳng rồi theo đó đào sâu vào, không lo bị cong” – ông Vy nhớ lại.

Dưới sự chỉ đạo của ông Vy, ròng rã 18 tháng trời dưới mưa bom, bão đạn, trong điều kiện thiếu ánh sáng, phương tiện chỉ là những công cụ thô sơ như cuốc, xẻng, cúp, xe cút kít..., quân và dân Vịnh Mốc đã đào và vận chuyển hơn 6.000m3 đất đá, đóng góp gần 2 vạn ngày công để làm nên một hệ thống địa đạo chằng chịt dưới lòng đất.

Kỳ tích trong lòng đất

“Làng hầm” như một toà lâu đài cổ nằm trong lòng quả đồi đất đỏ, có độ sâu chừng 23m, rộng hơn 7ha. Hệ thống đường hầm cấu trúc hình vòm có kích thước 0,9mx1,75m, dài 2.034m, bao gồm nhiều nhánh nối thông với nhau qua trục chính dài 780m. Toàn bộ hệ thống địa đạo Vịnh Mốc có 13 cửa thông ra ngoài, trong đó có 7 cửa thông ra biển, 6 cửa thông lên đồi, mỗi cửa hầm được coi như một lỗ thông hơi. Tại các cửa hầm được chống đỡ bằng cột gỗ để chống sập và sụt lở, ngụy trang khá kín đáo, tất cả đều đào chếch theo hướng gió, đảm bảo chức năng thông hơi cho đường hầm.

Năm 1972, tại chiến trường Tân Lịch, huyện Gio Linh, ông Vy bị thương nặng do trúng bom B52, khiến một mắt mù hẳn, một mắt chỉ còn 7/10 thị lực. Dù vậy, ông vẫn xin vào chiến trường Hải Lăng chiến đấu ở tuyến trước. Năm 1984, sau khi rời quân ngũ, trung tá Lê Xuân Vy được giao đảm trách nhiều chức vụ trong các cơ quan nhà nước. Năm 1995, ông làm Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Trị. Đến 2003, khi mắt không còn nhìn được nữa, ông mới nghỉ.

Địa đạo gồm 3 tầng có độ sâu và chức năng khác nhau. Tầng 1 cách mặt đất 8 - 10m dùng để cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng 2 sâu 12 - 15m, là nơi sống và sinh hoạt của dân làng; tầng 3 có độ sâu hơn 23m, cách mặt nước biển khoảng 5m, là nơi tránh bom, đồng thời trung chuyển hàng hoá, vũ khí xuống thuyền ra đảo Cồn Cỏ.

Dọc hai bên đường hầm được khoét sâu 1,8m, rộng 0,8m là những căn hộ gia đình, mỗi căn hộ đủ chỗ cho 3 - 4 người ở. Ngoài ra, trong đường hầm còn có hội trường với sức chứa hơn 50 người (dùng làm nơi hội họp, biểu diễn văn nghệ, chiếu phim), 3 giếng nước, bếp Hoàng Cầm, kho gạo, trạm phẫu thuật, bệnh xá, trạm gác, máy điện thoại, nhà hộ sinh, nhà tắm…

Trong những ngày tháng người dân cư ngụ dưới lòng địa đạo từ năm 1967 - 1972, đã có 17 đứa trẻ ra đời an toàn, trong đó có con trai ông Vy là Lê Xuân An - hiện đang công tác tại Viện Kiểm sát nhân dân thị xã Đông Hà, không một người nào bị thương, điều này minh chứng cho sự an toàn của địa đạo.

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ Văn hoá - Thông tin đã công nhận địa đạo Vịnh Mốc là di tích quốc gia và đưa vào danh mục di tích đặc biệt quan trọng. Khu bảo tàng địa đạo Vịnh Mốc chính thức mở cửa đón khách từ năm 1995, đến nay đã thu hút được một lượng lớn du khách.

Ngọc Vũ (Ngọc Vũ)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem