Gỡ khó để vốn đến với ngư dân

Lâm Anh Thứ ba, ngày 05/08/2014 07:00 AM (GMT+7)
Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản được đánh giá sẽ tạo cú hích lớn cho ngư dân bám biển). Tuy nhiên, để giúp ngư dân vay được vốn, vai trò của tổ chức tín dụng và lãnh đạo địa phương là rất quan trọng…
Bình luận 0

Tâm lý e dè…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đặc điểm của đánh bắt xa bờ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro do thiên tai, bị tàu nước ngoài quấy nhiễu… Trong khi đó lại thiếu cơ chế cho vay, xử lý rủi ro đặc thù và công tác bảo hiểm cho tàu, thuyền chưa được triển khai đồng bộ, quyết liệt. Những khó khăn trên đã làm giảm hiệu quả đầu tư tín dụng, tạo tâm lý e dè đối với các tổ chức tín dụng khi xem xét cho vay lĩnh vực này.

Ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng nêu thực tế: Từ đầu tháng 6, BIDV đã triển khai cho vay vốn lưu động với lãi suất 5%/năm hỗ trợ các chi phí khai thác, hậu cần, thu mua hải sản đối với ngư dân, hộ gia đình tại địa bàn các tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa - đều là những tỉnh trọng điểm có lực lượng lớn đánh bắt xa bờ tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa, DK1, những ngư trường lớn nhất cả nước.

Ngoài gói tín dụng 3.000 tỷ đồng thực hiện theo Nghị định số 67, BIDV cũng sẽ triển khai các gói tín dụng khác để hỗ trợ phát triển ngành thuỷ sản, như gói 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn nhằm cung cấp nguồn lực tài chính cho các doanh nghiệp đóng tàu đảm bảo tiến độ đóng mới tàu cho ngư dân/chủ tàu; Gói 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản...

Để đảm bảo dòng vốn tín dụng được sử dụng đúng đối tượng, góp phần phát triển đội tàu đánh bắt xa bờ, ông Trần Bắc Hà cho rằng, thông tư hướng dẫn cần phải sớm được ban hành.

Lựa chọn những ngân hàng lớn

Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước cũng đã xây dựng xong Dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định 67 để lấy ý kiến. Tuy nhiên, một số điều kiện cho vay theo dự thảo này vẫn còn chưa thuận lợi với các ngư dân, có sự trùng lắp trong khâu thẩm định các phương án cho vay giữa địa phương và ngân hàng. Một số yêu cầu về vay vốn lưu động vẫn còn chưa cụ thể và phức tạp với không ít ngư dân.

Ông Nguyễn Quốc Chinh - Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) nêu quan điểm, chủ trương đóng tàu cá vỏ thép cần tạo điều kiện cho bà con được góp ý, lựa chọn mẫu thiết kế cho phù hợp với từng ngành nghề đánh bắt trên biển như: Đầu tư tàu lưới vây, tàu câu mực, tàu câu cá ngừ đại dương, tàu đánh bắt bằng lưới cản… bởi mỗi loại đều có công năng riêng. Từ đó việc xem xét cho vay vốn mới thuận lợi.

Đại diện Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng cũng cho rằng, Thông tư hướng dẫn nên giải thích rõ từ khai thác hải sản xa bờ và đặt câu hỏi thế nào là xa bờ, nếu không giải thích thì rất khó hỗ trợ. Một số ý kiến khác thì đề nghị các cơ quan chức năng cần tập trung phối hợp giải quyết những vướng mắc, có kế hoạch đào tạo cho ngư dân để họ thực sự làm chủ những con tàu vỏ thép hiện đại, từ đó đánh bắt hiệu quả, trả được vốn cho ngân hàng.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám cũng cho hay, từ trước đến nay ngư dân chủ yếu vay vốn lưu động nặng lãi hoặc vay chịu của chủ tàu vựa. Nghị định 67 về chính sách tín dụng đã đề cập đến chính sách cho vay vốn lưu động, vay đóng tàu và chính sách tín dụng ngắn hạn.

  Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Để vay được vốn này, vai trò của tổ chức tín dụng và lãnh đạo địa phương là rất quan trọng để giúp ngư dân có đủ điều kiện vay vốn.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem