“Bỗng dưng” bị bắt
5 năm trước, anh Trịnh Công Minh (SN 1974, trú tại thôn Quỳnh Tân 3, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana, Đắk Lắk) bắt xe lên TP.Buôn Ma Thuột gặp chúng tôi để nhờ đưa nỗi oan khuất suốt 15 năm qua của anh lên công luận. Anh bảo, 15 năm qua, anh đã gõ cửa khắp nơi để yêu cầu cơ quan tố tụng gỡ bỏ lệnh "cấm đi khỏi nơi cư trú" nhưng vẫn không có kết quả.
Anh Trịnh Công Minh khi còn sống đã đến nhiều cơ quan chức năng đòi công bằng cho mình nhưng bất thành.
Theo hồ sơ anh cung cấp, ngày 2.2.1997, được Nguyễn Bá Tính (trú thị trấn Buôn Trấp) hẹn trước, anh Minh đi bộ đến nhà Trần Hợp Sơn (thị trấn Buôn Trấp) gặp Tính để nhờ người này mượn giúp 1 chỉ vàng. Sau khoảng 5 phút ngồi tại nhà Sơn, bỗng dưng anh Minh và Tính bị Công an huyện Krông Ana ập vào còng tay dẫn đi.
Theo kết luận điều tra của Công an huyện Krông Ana, khoảng 20h30 ngày 2.2.1997, Tổ tuần tra Công an huyện Krông Ana phát hiện anh Minh và Tính chạy xe máy tốc độ nhanh đến nhà Sơn. Chiếc xe mà Tính và Minh chạy được xác định là của một người dân bị mất cắp trước đó vài ngày (thời điểm anh Minh và anh Tính bị bắt có một chiếc xe máy được cho là đã bị mất trộm trước đó dựng ở nhà Sơn).
Tuy nhiên, theo lời khai của anh Minh tại Cơ quan điều tra, khoảng 21h anh đi bộ đến nhà Sơn để gặp Tính và không hề biết tại nhà Sơn có chiếc xe máy. Riêng Tính không thể lái xe do bị cụt tay phải.
Bên cạnh đó, ngoài chiếc xe máy dựng tại nhà Sơn cùng lời khai của Sơn (cho rằng chiếc xe máy trên là của Minh và Tính), Cơ quan điều tra không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy anh Minh và Tính đã trộm xe.
Dù vậy, cơ quan công an vẫn truy tố 2 anh tội trộm cắp tài sản và ngày 24.10.1997, anh Minh bị Tòa án huyện Krông Ana (do ông Nguyễn Quang Chiến - Chánh án, chủ tọa phiên tòa) tuyên phạt 12 tháng tù giam và Tính 9 tháng tù giam. Riêng Sơn không được đề cập đến trong vụ án.
Ngày 18.12.1997, tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cho rằng, kết quả điều tra không khách quan, chứng cứ thu thập được của cơ quan điều tra không làm sáng tỏ được hành vi phạm tội của anh Minh nên hủy bản án sơ thẩm; giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm truy tố, xét xử lại từ đầu. Và từ đây, dù không điều tra thêm được bất cứ điều gì nhưng anh Minh vẫn tiếp tục bị giam giữ.
Tối 27.6.1998, sau hơn 17 tháng bị giam giữ, anh Minh được cán bộ nhà tạm giữ gọi ra làm việc, rồi thừa cơ “tống” anh về nhà cùng quyết định của Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Ana thay đổi biện pháp ngăn chặn, áp dụng biện pháp "cấm đi khỏi nơi cư trú" với anh Minh.
Chưa có đơn vị nhận trách nhiệm
Sau gần 18 năm bị "giam lỏng" với quyết định "cấm đi khỏi nơi cư trú", cơ quan chức năng không hề đề cập gì thêm về vụ án.
Khi nhiều cơ quan báo chí lên tiếng, ngày 16.3.2015, Viện Kiểm sát nhân dân huyện Krông Ana mới ra quyết định “Hủy bỏ biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú” đối với anh Minh.
Ngày 19.3.2015, Công an huyện Krông Ana cũng ra quyết định đình chỉ điều tra đối với bị can Trịnh Công Minh.
Vợ anh Minh cho biết sẽ quyết tâm đòi lại công bằng cho chồng mình dù có vất vả thế nào.
Tại thời điểm gặp chúng tôi, anh Minh đưa ra nhiều băng ghi âm thể hiện cuộc nói chuyện giữa anh và những người đã đưa anh vào tù (có người đã nghỉ hưu, có người đang đương chức). Những người trong cuộc đối thoại với anh Minh đều tỏ thái độ thiếu trách nhiệm và khuyên anh không nên kiện nữa.
Tối 13.2.2018, anh Minh đã qua đời do bệnh hiểm nghèo. Và cho đến lúc trút hơi thở cuối cùng, người công dân ấy vẫn không lấy lại được công bằng cho mình.
Trước khi mất, điều anh Minh mong muốn là có một cơ quan nhận trách nhiệm đã gây ra oan sai, công khai xin lỗi và bồi thường những tổn thất mà suốt gần 20 năm qua, anh đã mất mát.
Vợ anh Minh nói với chúng tôi, do bị "giam lỏng" mà suốt gần 20 năm qua, gia đình làm ăn thua lỗ, cuộc sống hết sức khó khăn.
Giờ đây, khi người chồng đột ngột qua đời, chị một mình dựa vào tiệm buôn bán gạo nhỏ để nuôi 2 con ăn học.
Nhưng cho đến nay, vẫn chưa có cơ quan nào nhận lãnh trách nhiệm đã để xảy ra vụ án oan này.
Trước đó, tháng 6.2015, liên ngành huyện Krông Ana vào tháng đã có cuộc họp để làm rõ trách nhiệm các bên nhưng không có đơn vị nào nhận trách nhiệm.
Ngày 28.8.2015, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk có công văn xin ý kiến chỉ đạo giải quyết vụ việc gửi Tòa án nhân dân Tối cao nhưng mãi đến nay vẫn chưa có hồi âm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng cho biết, trong năm 2015, Viện cũng có văn bản xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên nhưng đến nay, cấp trên vẫn chưa có ý kiến xử lý vụ việc.
"Tôi sẽ tiếp tục thay chồng đòi lại công bằng cho anh ấy. Dù khó khăn đến đâu, tôi cũng sẽ đi đến cùng để anh ấy thanh thản ra đi, yên nghỉ nơi chín suối", vợ anh Minh nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.