Bộ luật Hình sự 2015 được ban hành ngày 27.11.2015 với rất nhiều quy định mới về tội phạm; những trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự; thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự; hình phạt; các biện pháp tư pháp; quyết định hình phạt; chấp hành hình phạt; xóa án tích; pháp nhân thương mại phạm tội… và nhiều điều luật được người dân hết sức quan tâm có hiệu lực từ ngày 1.7.2016.
Trong số các điều luật mới của Bộ luật Hình sự 2015 như quy định về ngoại tình, bỏ án tử với 7 tội danh… thì một điểm rất mới mẻ là quy định về tội hối lộ các lợi ích phi vật chất hay có thể hiểu là hối lộ tình dục.
Hối lộ tình dục sẽ phải ngồi tù (hình minh họa/Internet).
Như đã biết, Điều 279 Bộ luật Hình sự hiện hành (năm 1999) có quy định rõ về tội nhận hối lộ. Theo đó:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Gây hậu quả nghiêm trọng;
b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;
c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục A chương này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a) Có tổ chức;
b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;
c) Phạm tội nhiều lần;
d) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;
đ) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt;
e) Của hối lộ có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm:
a) Của hối lộ có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình:
a) Của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 1 năm đến 5 năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến 5 lần giá trị của hối lộ, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Và khi áp dụng điểm a khoản 4 Điều 279 cần xem xét Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15.3.2001 được quy định như sau:
Trong trường hợp không có tình tiết tăng nặng và không có tình tiết giảm nhẹ hoặc vừa có tình tiết tăng nặng, vừa có tình tiết giảm nhẹ, nhưng đánh giá tính chất tăng nặng và tính chất giảm nhẹ tương đương nhau, thì xử phạt người phạm tội mức án tương ứng với của hối lộ như sau: Xử phạt hai mươi năm tù nếu của hối lộ có giá trị từ ba trăm triệu đồng đến dưới tám trăm triệu đồng; Xử phạt tù chung thân nếu của hối lộ có giá trị từ tám trăm triệu đồng đến dưới hai tỷ đồng. Xử phạt tử hình nếu của hối lộ có giá trị từ hai tỷ đồng trở lên.
Như vậy theo Điều 279 Bộ luật Hình sự 1999 về tội nhận hối lộ và Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao tại Nghị quyết số 01/2001/NQ-HĐTP ngày 15.3.2001 thì hình thức của hối lộ có thể là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác (vàng, ngọc, ô tô, nhà đất …). Như vậy, trong khi Công ước quốc tế chống tham nhũng của Liên Hợp Quốc xác định hối lộ bao gồm lợi ích vật chất và phi vật chất thì quy định pháp luật của nước ta mới chỉ dừng lại ở đối tượng hối lộ là vật chất.
Tuy nhiên đến Bộ luật Hình sự năm 2015 thì vấn đề trên đã được giải quyết. Cụ thể: Tại khoản 1, Điều 354 quy định: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:
a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
b) Lợi ích phi vật chất.
Hành vi đưa, nhận loại lợi ích như tình dục được thống nhất gọi là lợi ích phi vật chất và được luật hóa phù hợp với thực tiễn, thực trạng của loại tội phạm này góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật của nước ta.
An An (Công Lý)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.