Những trăn trở của thẩm phán xử vụ ông Đinh La Thăng và đồng phạm

Anh Thư - Lương Kết Thứ hai, ngày 22/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
"Khi trao cho một người nhiều quyền lực quá, người ta rất dễ dẫn đến sự độc quyền, độc đoán nếu không được kiểm soát tốt. Độc quyền, độc đoán đồng nghĩa với việc là những người cấp dưới gần như bị tê liệt, người ta không dám đấu tranh trước những cái sai, đồng thời không phát huy được cái tốt" - Thẩm phán Trương Việt Toàn nói về điều trăn trở nhất sau phiên toà xét xử ông Đinh La Thăng và đồng phạm.
Bình luận 0
Đây là phiên tòa được dư luận trong nước cũng như quốc tế rất quan tâm, được đánh giá là dân chủ, thể hiện rõ nét tinh thần cải cách tư pháp. Xin ông cho biết, HĐXX gặp những khó khăn gì trong điều hành phiên toà?

 Mặc dù là rất áp lực về thời gian, nhưng áp lực đấy cũng được hạn chế đi rất nhiều bởi sự phối hợp rất tốt giữa các cơ quan nội chính Trung ương với Toà án Hà Nội, đặc biệt khi kết thúc điều tra, các điều tra viên đã chủ động sao chụp hồ sơ chuyển cho thẩm phán nghiên cứu, sự phối hợp giữa toà án với các cơ quan tố tụng Trung ương đặc biệt tốt.

img

Thẩm phán Trương Việt Toàn. 

Đây không phải là phiên đầu tiên xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp là tập trung công tác tranh tụng tại phiên toà, HĐXX không thấy có khó khăn gì. Tuy nhiên, đây là một trong những phiên toà đầu tiên áp dụng Bộ luật Tố tụng mới, nên song song với việc nghiên cứu hồ sơ, HĐXX cũng phải cập nhật ngay những văn bản pháp luật mới liên quan đến Bộ luật Tố tụng để làm sao quá trình điều khiển phiên toà từ khâu hình thức đến nội dung của phiên toà đều phù hợp với Bộ luật Tố tụng. Do kịp thời như vậy, HĐXX thấy rằng phiên toà diễn ra một cách rất dân chủ. 

Xuyên suốt trong phiên tòa, các bị cáo thể hiện sự ăn năn, hối cải... Việc thể hiện sự ăn năn, hối hận, nhận trách nhiệm của các bị cáo tại tòa, theo ông có là lời khuyên răn những "con sâu mọt" khác chưa bị lộ?

- Thực ra xuyên suốt quá trình nghiên cứu hồ sơ, có một số bị cáo cũng chưa thực sự thành khẩn, nhưng ra phiên toà, do cách thẩm vấn của HĐXX, các bị cáo khai nhận đúng về hành vi của mình và thể hiện sự ăn năn, hối cải. Mặc dù sự ăn năn này hơi muộn màng một chút, do có thể trong quá trình còn công tác, thủ trưởng đơn vị được trao quyền rất lớn, trong đó thiếu phát huy dân chủ ở cơ sở, thiếu sự giám sát kiểm tra nên các bị cáo giữ các chức vụ, quyền hạn trong vụ án này tự cho mình một cái quyền và có thể hành xử không phù hợp với pháp luật. Nhưng khi ra phiên toà, các bị cáo hiểu rằng hành xử thiếu quyền dân chủ như vậy là một hệ quả tất yếu một ngày nào đó các bị cáo phải rơi vào vòng lao lý, nên các bị cáo tỏ ra ăn năn.

Ông có suy nghĩ thế nào về việc trong phiên xét xử, ông Đinh La Thăng xin được ăn Tết với gia đình, còn bị cáo Trịnh Xuân Thanh cũng xin được tại ngoại để được chăm sóc vợ con?

- Trong luật pháp có quy định về việc thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với tội phạm. Tuy nhiên, tội của bị cáo Đinh La Thăng là tội nghiêm trọng, việc thay đổi các biện pháp ngăn chặn đối với tội phạm này là điều không thể xảy ra nếu như không mắc bệnh hiểm nghèo. Việc bị cáo đề nghị như vậy cũng thể hiện các bị cáo chưa hiểu hết pháp luật.

img

Bị cáo Đinh La Thăng.

Đây là phiên tòa mà các bị cáo đã nộp tiền khắc phục hậu quả, có lẽ là một trong những vụ lớn nhất trong lịch sử tố tụng với số tiền hàng chục tỷ đồng. Ông đánh giá lý do này là vì sao, vì sự hối cải của bị cáo hay vì chính sách khoan hồng của chế độ, hay vì sự cảm hóa của quan tòa?

- Việc khắc phục hậu quả của các bị cáo cũng đã nói lên phần nào các bị cáo nhận thức được hành vi sai phạm của mình nên tự nguyện nộp. Trong các loại án liên quan đến chức vụ quyền hạn nói chung, việc khắc phục hậu quả để thu hồi tài sản lại cho Nhà nước là một trong những tiêu chí mà các cơ quan tiến hành tố tụng rất coi trọng, cho nên từ khâu điều tra, chuyển VKS và ra toà, các bị cáo đã nhận thức rõ hành vi của mình nên tự nguyện nộp tiền khắc phục hậu quả.

Theo ông, bản án sẽ có tác động cảnh tỉnh những đối tượng khác đã và đang có ý định "nhúng chàm"... như thế nào? Những bài học rút ra từ vụ án này trong công cuộc chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước?

- Trong công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, nhất là thời gian gần đây, Đảng và Nhà nước đã thể hiện một sự quyết tâm cao độ của tất cả các hệ thống chính trị cũng như là dư luận xã hội. Chính vì công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đẩy lên mạnh mẽ như vậy, các vụ án liên quan đến lạm dụng chức vụ, quyền hạn và tham nhũng được kịp thời đưa ra xét xử cũng là một tiếng chuông cảnh tỉnh, có tác dụng răn đe, phòng ngừa với những người có ý định xâm phạm đến tài sản của Nhà nước và thực hiện những hành vi tham nhũng.

Những năm gần đây mặc dù các hiện tượng tiêu cực tham nhũng làm cho dư luận rất bức xúc, nhưng Đảng và Nhà nước cũng đã nhìn thẳng vào vấn đề đó và rất quyết liệt trong huy động toàn bộ hệ thống chính trị, đẩy mạnh công tác phòng chống tham nhũng, việc đẩy mạnh có thể nói đem lại rất nhiều niềm tin của nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, cũng thể hiện không có vùng cấm, thượng tôn luật pháp trong công cuộc chống tham nhũng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem