Ngày 29.10, TAND tỉnh Phú Thọ ra quyết định xét xử sơ thẩm vụ đánh bạc quy mô nghìn tỷ đồng liên quan đến các ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát) và Nguyễn Thanh Hóa (cựu Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm sử dụng công nghệ cao).
Bị can Phan Văn Vĩnh. Ảnh: IT
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán - chủ tọa là bà Nguyễn Thị Thùy Hương. Thẩm phán còn lại là ông Đỗ Ngọc Tuấn; ông Tạ Văn Thành được phân công thẩm phán dự khuyết.
Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ gồm 4 kiểm sát viên là các ông Lê Xuân Lộc, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Hồng và bà Phạm Thị Bích Liên.
Ngoài ra, phiên tòa có 5 hội thẩm nhân dân (trong đó có 2 người dự khuyết) và 4 thư ký (trong đó có 2 dự khuyết).
Luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (Đoàn luật sư TP.HCM) – người bào chữa cho bị cáo Phan Văn Vĩnh cho biết, ông Vĩnh đã ổn định những vẫn đang ở trong viện, được các bác sỹ chăm sóc.
“Ông Phan Văn Vĩnh là thương binh trong công tác đấu tranh tội phạm trước đây, bị mất gần 80% sức khỏe, đặc biệt là với bệnh tiểu đường dẫn tới biến chứng sang nhiều bệnh khác như suy tim, bệnh viêm gan… Riêng bệnh vẩy nến, ông Vĩnh cũng đã bị từ trước khi bị khởi tố”, luật sư Trang cho biết.
Theo luật sư Trang, sức khỏe hiện tại của ông Vĩnh có thể đảm bảo tham dự trong phiên tòa sắp tới vào ngày 12.11 nhưng cũng khó biết trước được điều gì.
Sáng nay (8.11) cũng trao đổi với Dân Việt, luật sư Trần Tuấn Anh (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho biết, ông Phan Văn Vĩnh đang là bị can trong một vụ án đặc biệt nghiêm trọng nên dù ông nằm viện thì cơ quan chức năng vẫn phải theo dõi, giám sát.
Theo vị luật sư này, nếu ngày vụ án được đưa ra xét xử mà sức khỏe ông Vĩnh đảm bảo, lực lượng chức năng sẽ áp giải ông ra tòa bằng xe chuyên dụng, lực lượng y tế cũng sẽ đi cùng.
“Trong quá trình diễn ra phiên xét xử, nếu có vấn đề gì về sức khỏe thì tòa có bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho ông Vĩnh”, luật sư Tuấn Anh nói.
Trong trường hợp đến ngày xét xử mà sức khỏe ông Vĩnh không đảm bảo thì vụ án vẫn sẽ xét xử để đảm bảo quyền xét xử đối với các bị cáo khác. Lúc này, nếu lời khai của ông Vĩnh với cơ quan điều tra đã đủ, có thể tách riêng phần xét xử ông này ra để xét xử sau.
“Trong phiên xét xử đầu tiên, tòa sẽ công bố lời khai của ông Vĩnh với cơ quan điều tra”, vị luật sư nhấn mạnh.
Bản cáo trạng dài 235 trang của VKSND Phú Thọ cho biết, năm 2011, Nguyễn Văn Dương thành lập Công ty CNC. Sau đó, được ông Vĩnh giới thiệu, Dương gặp ông Hóa để thống nhất CNC trở thành doanh nghiệp bình phong của C50. Theo thỏa thuận, CNC hưởng 80% lợi nhuận kinh doanh, còn lại 20% dành cho C50.
Năm 2015, Phan Sào Nam biết CNC là công ty bình phong nên đề nghị Dương hợp tác phát hành phần mềm đánh bạc qua mạng. Dương sau đó đã chỉ đạo cấp dưới soạn hợp đồng để ăn chia lợi nhuận từ game đánh bạc.
Quá trình hoạt động, đường dây đánh bạc của 2 ông trùm được các ông Vĩnh và ông Hóa bảo kê, tạo điều kiện để vận hành và tránh bị điều tra. Tháng 7.2017, Công an tỉnh Phú Thọ phát giác hành vi phạm tội của Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam.
Điều tra mở rộng, đầu 2018, Cơ quan công an khởi tố 2 bị can Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa. Quá trình điều tra, 2 ông trùm khai cho ông Vĩnh 27 tỷ đồng và 1,7 triệu USD; khai cho ông Hóa 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, Vĩnh và Hóa đã phủ nhận.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.