Bị cáo Đinh La Thăng. Ảnh: TTXVN
Chiều 12.1, phiên tòa xét xử bị cáo Đinh La Thăng và đồng phạm vẫn tiếp tục với phần các LS trình bày bào chữa cho các bị cáo. LS Đinh Anh Tuấn là người bào chữa cho bị cáo Phùng Đình Thực - nguyên Tổng Giám đốc PVN (bị đề nghị mức án 12 - 13 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng).
Mở đầu phần tranh luận, LS Tuấn đã nói được tham gia tranh tụng trong một phiên tòa mà Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 được áp dụng. Và đây cũng là lần đầu tiên ông được tham gia phiên tòa mà các công tố viên ngồi ngang hàng với LS.
Theo LS Tuấn, những diễn biến tại phiên tòa hầu như không được phản ánh trong lời luận tội, tất cả nỗ lực của bị cáo Phùng Đình Thực khi trả lời câu hỏi được đặt ra tại phiên tòa chỉ khiến cho phía công tố viên đi đến nhận định bị cáo Thực “khai báo không thành khẩn, đổ lỗi cho cấp dưới”.
LS Tuấn dẫn chứng các luận cứ như bị cáo Phùng Đình Thực không chỉ đạo PVC làm tổng thầu dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; bị cáo Thực không thúc ép tiến độ đến mức hợp đồng EPC số 33 phải được ký cho kịp ngày khởi công dự án Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2; trước ngày 16.6.2011, bị cáo Thực không biết hợp đồng số 33 thiếu căn cứ pháp lý và chưa có hiệu lực thi hành…
Theo LS Tuấn, ngày 26.6.2011, thực hiện việc rà soát lại hợp đồng số 33 theo chỉ đạo của ông Thực, Ban Điện đã có công văn số 29 báo cáo ông Thực tiếp tục kiến nghị cần có thêm thời gian để PVPower cung cấp thêm các tài liệu còn thiếu.
“Xin thưa HĐXX, cuộc họp ngày 31.3.2011, về phía Ban Điện có đến 2 người tham gia là Trưởng ban Nguyễn Tiến V và Phó ban Lê Hòa Thắng. Người ký ủy quyền ký văn bản kết luận cuộc họp chính là ông Nguyễn Tiến V.
"Giả sử cuộc họp đó ông Vũ Huy Quang đã báo cáo hợp đồng số 33 cần thanh lý, ông Thăng, ông Thực, ông V nghe rõ mà 3 tháng sau Ban Điện vẫn đề nghị tiếp tục chờ để hoàn thiện thì…", tới đây LS Tuấn ngừng lại và nói tiếp: “Xin phép ông Đinh La Thăng, tôi nhận xét thế này: Giả sử xảy ra trường hợp đó, với tính cách của ông Đinh La Thăng thì ông sẽ cách chức Trưởng ban Điện ngay chứ không thể để nguyên chức…”.
Từ phân tích trên cùng với những phân tích khác, ông Tuấn đi đến nhận định, trước ngày 16.6.2011, ông Phùng Đình Thực không hề biết hợp đồng số 33 không có giá trị pháp lý. (Từ hợp đồng số 33 dẫn tới việc PVN cấp tiền tạm ứng cho PVC để Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm sử dụng sai mục đích hàng nghìn tỷ đồng).
Kiến nghị dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản của con Trịnh Xuân Thanh
Trước đó trong phần bào chữa cho bị cáo Trịnh Xuân Thanh, LS Trần Hồng Phúc đã đề nghị HĐXX xem xét lại việc xử lý tài sản kê biên của vụ án này. “Lẽ ra chúng tôi không có quyền nói nhưng vì liên quan đến người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là anh T.H.C (con bị cáo Trịnh Xuân Thanh). Trong phần luận tội, cơ quan truy tố vẫn giữ quan điểm đề xuất với HĐXX giữ nguyên việc kê biên những tài sản đã kê biên trong quá trình điều tra vụ án”, LS Phúc nói.
Từ lý giải trên, LS Phúc đề nghị HĐXX xem xét lại việc kê biên xe ô tô và các căn hộ hiện nay đang mua trả góp của anh T.H.C.
LS Phúc cho biết, theo lời khai của anh C trong hồ sơ vụ án cũng như qua việc thẩm vấn công khai tại phiên tòa, HĐXX đã làm rõ, anh C khai những tài sản nói trên là tài sản ông bà nội cho. Anh C hoàn toàn không có lời khai nào xác định đây là tiền do bị cáo Trịnh Xuân Thanh cho con trai.
“Điều này được thể hiện trong hợp đồng tặng cho tiền. Hợp đồng này được ông bà T.X.G tặng cho số tiền tại 6 sổ tiết kiệm. Anh C khai việc anh mua các tài sản (đã bị kê biên) bằng số tiền ở 6 sổ tiết kiệm ông bà cho”, LS Phúc nêu.
LS Phúc cho hay hợp đồng tặng cho tiền nói trên được lập năm 2011, ở thời điểm chưa xảy ra hành vi tham ô ở PVC. “Đây không phải là tài sản anh C có được từ nguồn tiền tham ô của bố anh ấy (nếu có), đây là tài sản hợp pháp của ông bà nội anh C cho. Còn trách nhiệm chứng minh vấn đề này thuộc về các cơ quan tiến hành tố tụng. Đề nghị HĐXX xem xét xử lý giải quyết việc dỡ bỏ lệnh kê biên tài sản”, LS Phúc kiến nghị.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.