Chuyên gia nói thật Hải quân Nhật Bản: Số 2 thế giới

Chủ nhật, ngày 07/01/2018 19:00 PM (GMT+7)
Nhật Bản vừa thông qua khoản ngân sách quốc phòng cao kỷ lục 19 nghìn tỷ yên (gần 45,76 tỷ USD) cho năm tài khóa 2018.
Bình luận 0

Nhân thông tin này, chúng ta hãy cùng xem một phần trong khoản ngân sách trên đã được chi một cách hiệu quả như thế nào qua bài viết mới nhất của chuyên gia quân sự Nga Oleg Kuptsov đăng trên “Bình luận quân sự” (Nga) ngày 5.1.2018. Các ảnh và chú thích trong bài là của tác giả.

img

Đại bàng dũng mãnh thường giấu móng vuốt

“Mùa thu năm ngoái (2017), tại thành phố Nagasaki đã diễn ra buổi lễ trọng thể hạ thủy chiếc tàu khu trục thứ hai kiểu “Asahi”.

Tàu này được đặt tên“Shiranui” (Hào quang biển) - một hiện tượng quang học chưa được nghiên cứu thường xuất hiện ven biển Nhật Bản.

Cùng thời gian đó, chiếc tàu kiểu “Asahi” đầu tiên hạ thủy năm 2016 đang hoàn thành chu kỳ thử nghiệm. Lễ bàn giao đưa tàu vào trang bị dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 3/2018 sắp tới.

Đại diện Phía Hải quân Nhật Bản chỉ đưa ra các thông tin hết sức ngắn gọn về chức năng của các tàu khu trục mới này: “Asahi” và Shiranui” (Type25DD) có khả năng chống ngầm hiệu quả.

Thân tàu khu trục mới có nhiều điểm giống seri trước thuộc dự án 19DD “Akizuki”. Các điểm khác biệt nhìn thấy từ bên ngoài là trên tầng thượng của tàu có radar mới với các modul thu- phát chế tạo từ nitrua galli.

Thay vì copy AN/SQQ-89 của Mỹ, trên các khu trục 25DD có lắp các tổ hợp thủy âm do Nhật Bản tự sản xuất.

Xuất phát từ những tính toán nhằm giảm chi phí , cơ số tác chiến của “Asahi” bị cắt giảm một nửa (từ 32 xuống còn 16 tổ hợp phóng thẳng đứng). Tàu khu trục này (“Asahi”) được trang bị động cơ turbin khí với bộ truyền động điện.

Và có lẽ đấy là tất cả những gì mà chúng ta biết được một cách chắc chắn về những con tàu chiến trên của những con cháu Nữ thần Mặt trời.

img

“Shiranui” là chiếc tàu cuối cùng đánh dấu sự kết thúc một giai đoạn lịch sử của Hải quân Nhật Bản. Những dự án tiếp theo sẽ là: tàu khu trục trong tương lai (33DD) và các khinh hạm hộ vệ (30DEX) được đóng để hoạt động trong cùng đội hình với nó (khu trục 33DD) sẽ thay đổi cơ bản diện mạo của Hải quân Nhật Bản.

Dự kiến chiếc tàu 33DD đầu tiên sẽ được hạ thủy vào năm 2024. Do người Nhật có truyền thống giữ bí mật nghiêm ngặt về những dự án ưu tiên và thời hạn hạ thủy còn xa, không thể có một mô tả chính xác về hình dáng (và các tính năng) của các tàu 33DD.

Chúng ta hãy trở lại với “Shiranui” và “Asahi”: trong 3 thập kỷ gần đây các tàu Nhật được đóng theo đúng quan điểm của một học thuyết cứng.

Đứng đầu (hạt nhân) của một cụm tàu tác chiến – đó là các tàu khu trục lớn trang bị hệ thống “Aegis” (6 chiếc), có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ phòng không và đánh chặn mục tiêu ở các độ cao tiếp giáp giữa Bầu khí quyển Trái Đất và Vũ trụ.

Xung quanh các “soái hạm” trên là một vành đai bảo vệ dày đặc gồm 20 tàu khu trục do Nhật Bản tự thiết kế và chế tạo.

Tuy về cơ bản vẫn giữ cách bố trí sắp xếp và các đặc tính của các tàu lớp “Arleigh Burke” của Mỹ, các tàu dự án Nhật Bản có điểm khác biệt là có kích thước nhỏ hơn, nhưng được trang bị nhiều thiết bị hơn và có hiệu quả hơn khi giải quyết các nhiệm vụ phòng thủ.

Ví dụ, người Nhật đã đi đầu trong khai thác sử dụng radar mạng pha chủ động trên tàu chiến (hệ thống OPS-24 trên tàu khu trục “Hamagiri”, năm 1990).

Để đối phó với các mối đe dọa từ các tên lửa tốc độ cao tầm thấp, người Nhật đã cùng người Hà Lan chế tạo tổ hợp radar FCS-3 với 8 ăngten mạng pha chủ động. Bốn trong số đó- để phát hiện và bám mục tiêu. Còn 4 ăng ten còn lại- để dẫn đường cho các tên lửa phòng không.

Cho đến thời điểm hiện tại - đây là hệ thống tốt nhất trong những hệ thống có chức năng tương tự trên thế giới.

img

Tổ hợp radar dưới các dạng khác nhau (FCS-3A, OPS-50) được trang bị cho tất cả các tàu khu trục của Hải quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản từ năm 2009. Đặc điểm của tổ hợp radar nói trên là dải tần làm việc của nó là dải tần cm đảm bảo khả năng phân giải tốt nhất (tuy phải trả giá là cự ly phát hiện mục tiêu giảm xuống).

Các tàu khu trục Nhật với các phương tiện tác chiến như vậy sẽ hoạt động trong đội hình cùng với các tàu khu trục-“Aegis”.

Những tàu khu trục Nhật đáng sợ và hiện đại nhất- “Akizuki” (Trăng Thu”) và “Asahi" (Ánh Bình minh). Một đội tàu có 6 “samurai” và 6 “samurai” này, kể cả trong trường hợp hoạt động không cùng đội hình với các tàu “đàn anh”, vẫn là một trong dự án tàu khu trục tốt nhất thế giới.

Mặc dù vẫn có những nhược điểm (không có radar quan sát từ xa) nhưng những nhược điểm này được bù lại bằng một ưu điểm cực kỳ có giá trị: chúng tỏ ra cực kỳ thích hợp với những nhiệm vụ cần giải quyết.

Đó là các tàu chiến đa năng (lượng giãn nước 7.000 tấn – đủ để bố trí bất kỳ loại vũ khí nào) với lực lượng phòng không tầm gần là lực lượng nòng cốt. Còn đối với các mục tiêu tầm xa và trên tầng bình lưu, các mục tiêu đó sẽ giao cho các tàu “Aegis”xử lý.

Cơ số tác chiến hạn chế - đấy là ảo ảnh thời bình mà người Nhật cố tình tạo ra. Người Nhật đã từng trình diễn màn ảo thuật tương tự, bằng cách thay các tháp pháo của các tàu tuần dương lớp “Mogami” (“Mogami”-lớp tàu tuần dương hạng nặng gồm 4 chiếc của Nhật Bản trong những năm 1930-ND).

Các tàu tuần dương lớp “Mogami” được bí mật thiết kế để mang mang pháo cỡ lớn, nhưng theo các thỏa thuận quốc tế, nên chúng chỉ mang các pháo “đạo cụ” nhỏ hơn.

Chúng chỉ mang “đạo cụ” khi bão táp chưa ập đến. Trong khi người Nhật có trong tay tới 4 chiếc tàu tuần dương hạng nặng “Mogami”.

Trong trường hợp với “Asahi”- chiếc tàu có lượng giãn nước 7.000 tấn này rõ ràng là được thiết kế cho một mục tiêu nào đó cao hơn những gì đã công bố.

Chắc chắn là trên tàu có không gian dự phòng để lắp thêm các tổ hợp phóng thẳng đứng khi cần thiết.

Trên tàu “Asahi” không có vũ khí tấn công vì những lý do chính trị. Nhưng nếu tính tới trình độ khoa học-công nghệ và công nghiệp Nhật Bản, việc chế tạo tên lửa tương tự như “Calibr”(của Nga) cho Hải quân Nhật sẽ không phải là một vấn đề gì to tát đối với người Nhật, mà đó chỉ đơn thuần là phải chi một số khoản chi phí không quá lớn.

Chính quyền Nhật Bản đang nghiên cứu khả năng thành lập ngành công nghiệp chế tạo tên lửa tầm xa để tấn công các mục tiêu trên mặt đất.

Đấy là thông tin mới được một quan chức cao cấp trong Chính phủ Nhật Bản tiết lộ với tờ báo Sankei (Nhật Bản) ngày 28.12.2017 mới đây. Sở dĩ có những kế hoạch như vậy, theo giải thích của quan chức trên, là do tình hình mất ổn định trên Bán đảo Triều Tiên.

Còn về tên lửa chống hạm, Nhật Bản đã tự chế tạo lớp tên lửa này từ cách đây rất lâu - “Type90”. Tên lửa chống hạm này đã được quy chuẩn để có thể phóng từ cả tàu nổi lẫn tàu ngầm.

Cho đến cách đây không lâu, người Nhật không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực đóng tàu chiến. Đó là điều mà những kỹ sư Nhật đã từng đóng các tàu “Nagato” (lớp tàu của Hải quân Đế quốc Nhật từ sau Chiến tranh Thế giới thứ nhất cho đến Chiến tranh Thế giới thứ hai-ND) và “Yamato” (lớp tàu chiến Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai-ND) khó có thể nghe lọt tai.

Nhưng hỡi ôi, đó là sự thật, những kinh nghiệm (đóng tàu chiến) trong quá khứ (của người Nhật) đã một đi không trở lại cùng với thất bại trong chiến tranh (Thế giới thứ hai).

Trong suốt 40 năm, lực lượng tàu nổi của Nhật là các khinh hạm mang vũ khí của Mỹ. Người Nhật chỉ tự tiến hành hiện đại hóa trang thiết bị (hệ thống điều khiển FCXS-2 cho tổ hợp tên lửa phòng không “ Sea Sparrow”), triển khai sản xuất quy mô lớn theo giấy phép các động cơ turbin khí “Mitsubishi vs Rolls-Royce và “Shikawajima- Harima”, nhưng trình độ đóng tàu chiến nói chung lúc đó rõ ràng là không xứng tầm với các hậu duệ của Đô đốc Yamamoto (Đô đốc Yamamoto, 4.4.1884-18.4.1943 - đô đốc Hải quân Đế quốc Nhật Bản trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Chỉ huy trận Trân Châu Cảng nổi tiếng-ND).

Những đột phá trong công nghiệp đóng tàu bắt đầu từ năm 1990, khi Nhật Bản khó khăn lắm mới được chuyển giao tài liệu kỹ thuật của tàu khu trục “Arleigh Burke” và hệ thống phòng không trên biển “Aegis”.

img

Sau khi có được công nghệ, người Nhật ngay lập tức đóng 4 chiếc tàu khu trục siêu hạng kiểu “Kongo”. Cái tên gọi “Kongo” này hoàn toàn không liên quan gì đến quốc gia Công gô Châu Phi mà là để vinh danh chiếc tàu tuần dương huyền thoại đã từng tham gia cả hai cuộc chiến tranh thế giới, nếu dịch ra có nghĩa là “không thể bị đánh chìm”.

Những gì đã diễn ra tiếp theo không quá khó đoán. (Nhật Bản) bắt đầu đóng hàng loạt các tàu chiến theo các dự án của chính Nhật Bản, - những dự án này kết hợp một cách “hài hòa” những đặc tính tốt nhất của “Arleigh Burke” với những tư duy Nhật Bản về một lực lượng hải quân hiện đại.

img

Chỉ trong vòng một thập kỷ, đã có tới 14 tàu khu trục kiểu “Murasame” và “Takanami” được đưa vào trang bị và chúng đã trở thành” giáo trình giảng dạy” trên con đường phục hưng Hải quân Nhật Bản.

Chúng ta thấy trong kết cấu các tàu này sự ứng dụng những giải pháp kỹ thuật hiện đại nhất thời bấy giờ (xin nhắc lại – chúng ta đang nói về những năm 1990), cụ thể:

- Không gian trên boong tàu được hợp lý hóa và tận dụng tối đa, tương tự như “Burke”;

- Ứng dụng công nghệ “Stealth” (tàng hình). Thân tàu và tầng thượng có các góc nghiêng không lặp lại nhau trên các bề mặt bên ngoài, còn trong kết cấu các trụ tàu sử dụng các vật liệu trong suốt với sóng vô tuyến;

- Các tổ hợp phóng đa năng Mk.41và Mk.48;

- Trạm tác chiến điện tử tổng hợp NOLQ-3, copy tổ hợp tác chiến điện tử của Mỹ;

-  Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới –sử dụng radar mạng pha chủ động;

- Trên tàu có hệ thống thông tin – điều khiển tác chiến, sau đó là ATECS (advanced technology command system)- tức “Aegis thuần Nhật”.

Như đã biết, trên thế giới không một ai có quyền nghi ngờ về những thành tựu của ngành vi điện tử Nhật Bản.

- Ứng dụng các biện pháp nhằm tăng cường khả năng tự động hóa cho phép rút gọn kíp thủy thủ của “Murasame” xuống chỉ còn 170 người;

- Sử dụng động cơ turbin khí mạnh, có thể chuyển sang chế độ chạy hết công suất chỉ trong 1,5 phút.

Tất cả những cái gì còn lại đó là không phô trương ầm ỹ và không đưa ra các tuyên bố huênh hoang không cần thiết. Mục tiêu là đóng các tàu có độ tin cậy cao và phù hợp với khả năng hiện có lúc đó của nền công nghiệp của Nhật Bản.

Người Nhật, với đặc tính kiên trì và chú ý đến từng chi tiết vụn vặt cố hữu của mình, thậm chí còn đóng cả một “maket” tàu khu trục như thật với tên gọi JS-6102 Asuka. Trên thực tế đây là một giá thử nghiệm (stend) để thử nghiệm và hoàn thiện các giải pháp kỹ thuật mới.

Nhưng điều đáng chú ý là ở chỗ - do trên thực tế chiếc “maket” này có những tính năng tương đương với một tàu khu trục thực thụ (trừ một số bộ phận và một vài tiểu tiết khác – ví dụ như vũ khí) nên người Nhật, trong trường hợp cần thiết có thể có trong tay thêm một tàu chiến thực thụ nữa.

img

Sau khi đã nắm chắc kỹ thuật đóng các tàu chiến hiện đại ở trình độ thượng thặng, các “samurai” đã bắt tay vào thực hiện những dự án đắt tiền hơn và tinh vi hơn.

Và các “Akizuki” (2010) và “Asahi”(2016) đã ra đời như thế đó.

Hiện nay, với 36 chiếc tàu chiến hoạt động trên các đại dương, trong đó có 26 tàu khu trục mang tên lửa và 4 tàu mang máy bay, nếu tính tới trình độ kỹ thuật hoàn thiện của các phương tiện đó, thành tố tàu mặt nước (tàu nổi) của Hải quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản xứng đáng đứng ở vị trí số hai trên thế giới.

Yếu tố kinh tế cấu thành góp phần tạo nên thành tựu nói trên– tức ngân sách quân sự của Nhật Bản chỉ chiếm vẻn vẹn có 1% GDP (nước “xếp hàng đầu” theo tiêu chí này trong số các nước phát triển- nước Nga- có chỉ số tương tự là hơn 5% (GDP)), còn nếu tính theo giá trị tuyệt đối thì ngân sách quân sự Nhật kém ngân sách quân sự Nga 1,5 lần.

Chỉ còn lại một câu hỏi quan trọng duy nhất- khi nào thì Hải quân Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ cắt cái đuôi từ “tự phòng vệ” trong tên gọi của mình?

Thay lời kết:

Nước Nhật đã xây dựng được lực lượng Hải quân Nhật Bản thần kỳ của mình vào đầu thế kỷ XX, biến Đất nước Mặt trời mọc thành một siêu cường vì họ đã dựa hoàn toàn vào Chủ nghĩa duy lý.

Khác với sự lủng củng và chuệch choạc ngự trị trong các cơ quan tham mưu và bộ tư lệnh hải quân của rất nhiều nước (và đặc biệt là ở Nga), người Nhật trên thực tế đã không hề mắc một sai sót nào dù rất nhỏ, không làm một điều gì thừa - họ đã tiếp thu từ đồng minh Anh Quốc tất cả những gì tiên tiến, tinh túy nhất: từ kỹ thuật, chiến thuật, công tác huấn luyện tác chiến, cách bố trí hệ thống cơ sở trú quân (các quân cảng) đến hệ thống cung cấp - đảm bảo

Và chỉ trong một thời gian ngắn nhất đã xây dựng từ “tờ giấy trắng” một hạm đội hiện đại, thống trị trên các vùng biển Viễn Đông.

img

Lê Hùng- Nguyễn Hoàng (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem