FSA đến Washington: Mỹ lộ bài, người Kurd chạnh lòng

Thứ hai, ngày 08/01/2018 21:00 PM (GMT+7)
Một số chỉ huy của Quân đội Tự do Syria (FSA) đã tới Thủ đô Washington, để gặp các quan chức Mỹ.
Bình luận 0

Áo gấm đi đêm

Các phe đối lập của Syria tiết lộ, ngày 6.1, một số chỉ huy của Quân đội Tự do Syria (FSA) đã tới Thủ đô Washington, để gặp các quan chức Mỹ. Chuyến thăm này không được công bố khai trên các phương tiện truyền thông của cả Mỹ và FSA.

Trưởng Văn phòng Chính trị của Lữ đoàn Mu'tasim, Mustapha Sejeri, nói với phóng viên ANA rằng, chuyến thăm này nhằm tăng cường hợp tác giữa FSA và Mỹ.

Sejeri cũng tiết lộ rằng, "ảnh hưởng của Iran ở Syria" sẽ là chủ đề chính trong cuộc gặp giữa hai bên. Lữ đoàn Mu'tasim cũng nhấn mạnh, FSA sẵn sàng chiến đấu với Iran ở Syria dưới sự hỗ trợ của Mỹ.

Theo Sejeri, các vấn đề khác cũng đã được hai bên thảo luận cùng nhau, bao gồm cả việc từ chốt tham gia cuộc đối thoại sẽ diễn ra tại thành phố Sochi của Nga vào ngày 29.1. Hai bên cũng thảo luận về kết quả của các cuộc đàm phán tại Geneva.

img

Quân đội Tự do Syria (FSA)

Viết trên Twitter, Sejeri tiết lộ FSA và Mỹ cũng thảo luận về việc chống lại ảnh hưởng của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) do phía Mỹ hậu thuẫn ở miền đông Syria.

Lời tuyên bố của Sejeri là một cú sốc lớn đối với lực lượng người Kurd ở Syria. Bởi lẽ, từ trước tới nay, người Kurd luôn được coi là con cưng của Washington ở Syria.

Chuyến thăm của FSA tới Hoa Kỳ đã bị nhiều nhà hoạt động người Kurd chỉ trích. Trong đó, một số người còn cho rằng, Washington đã phản bội người Kurd vì Mỹ chưa bao giờ mời bất kỳ quan chức nào của SDF tới Washington.

Ở góc nhìn khác, các quan chức chính phủ Syria cho rằng, cuộc viếng thăm này là một nỗ lực khác của Washington nhằm gây bất ổn cho tình hình ở Syria, đồng thời làm cho cuộc chiến tiếp tục kéo dài sau khi quét sạch IS.

Trước đó, một số quan chức cấp cao của Mỹ trong đó có Thượng nghị sĩ John McCain và cựu đại sứ Mỹ tại Syria Robert Ford đã gặp các chỉ huy FSA  nhiều lần ở Syria.

Quân bài chiến lược

Việc một số chỉ huy của FSA tới Washington để gặp các quan chức Mỹ khiến giới phân tích cảm thấy khó hiểu. Bởi lẽ, hiện tại vị thế của lực lượng này đã hạn chế rất nhiều so với SDF.

Suốt một thời gian dài chiến đấu không hiệu quả, để mất nam Syria, Mỹ đã tuyên bố cắt viện trợ cho FSA. Điều gì đã khiến Mỹ quay trở lại với nhóm phiến quân này?

Căn cứ vào tình hình chiến trường Syria hiện tại, có hai lý do khiến Washington đi đêm với FSA.

Thứ nhất: Lực lượng "đối lập ôn hòa" đang bị quân đội Syria dồn vào chân tường ở bắc Hama và Idlib. Để có thể chống lại lực lượng chính phủ, nhiều nhóm FSA đã bắt tay với HTS (al-Qaeda Syria). Để đảm bảo liên kết này hoạt động hiệu quả thì cần có một lực lượng trung gian đứng ra điều tiết.

Vì sao Mỹ không muốn bắc Hama, Idlib rơi vào tay SAA? Câu trả lời nằm ở căn cứ al-Tanf - nơi Mỹ đang bị cáo buộc nuôi dưỡng 20.000 tay súng. Mất Idlib, bắc Hama thì al-Tanf sẽ bị cô lập hoàn toàn, kế hoạch chia cắt Syria sẽ bị đổ bể. Mỹ sẽ không để chuyện đó xảy ra, bằng bất cứ giá nào.

Thứ hai: Cục diện đông Syria đã được định hình, vị thế của người Kurd đã được nâng lên rất nhiều sau khi kiểm soát phần lớn lãnh thổ đông Euphrates.

Mỹ cần thêm một lực lượng khác cho những mục tiêu tiếp theo của mình tại Trung Đông.

Theo các nguồn tin, Mỹ đang ấp ủ kế hoạch thành lập nhóm Quân đội Syria Mới (NSA) nhằm mục đích gia tăng con bài mặc cả với các lực lượng của Nga và quân chính phủ Syria, qua đó, kéo dài "canh bạc" của Mỹ tại chiến trường Syria.

Nếu kế hoạch này được triển khai thì FSA sẽ là một trong những trụ cột của lực lượng mới này, bên cạnh các "nhóm đối lập ôn hòa" khác.

Đúng như giới chuyên gia từng nhận định, Mỹ sẽ không từ bỏ miếng bánh Syria. Cuộc chiến Syria sẽ còn kéo dài dù cho IS có bị quét sạch khỏi Syria.

Hoàng Giang (Báo Đất Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem