Gia Tưởng
Thứ tư, ngày 14/07/2021 13:00 PM (GMT+7)
Các tỉnh biên giới Đông Bắc đều có những con sông nổi tiếng chảy qua đô thị: Sông Lô ở Hà Giang, sông Bằng Giang ở Cao Bằng, sông Kỳ Cùng ở Lạng Sơn...
Trong đó, có lẽ sông Kỳ Cùng là kỳ lạ nhất bởi nó là con sông chảy ngược về hướng đông bắc và cũng là con sông duy nhất chảy từ địa phận nước ta sang địa phận Trung Quốc.
Được biết, đoạn chảy qua địa phận TP.Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn) là một đoạn sông Kỳ Cùng đẹp nhất đi vào lịch sử.
Dòng sông chảy khắp Lạng Sơn
Kỳ Cùng là con sông chính ở tỉnh Lạng Sơn. Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1.166m thuộc huyện Đình Lập, sông Kỳ Cùng chảy theo hướng Đông Nam-Tây Bắc qua TP. Lạng Sơn. Khi cách thành phố này khoảng 22km, sông bất ngờ đổi dòng chảy nghiêng về hướng Nam - Bắc tới thị trấn Na Sầm (huyện Văn Lãng, tỉnh Lạng Sơn) rồi lại đổi hướng thành Đông Nam - Tây Bắc trước khi rẽ sang hướng Đông ở gần thị trấn Thất Khê (huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn). Từ Thất Khê, sông chảy gần như theo đường vòng cung, cho tới khi vượt biên giới sang Trung Quốc để hợp lưu với sông Bằng Giang tại thị trấn Long Châu (Quảng Tây, Trung Quốc).
Sông Kỳ Cùng đoạn chảy trên đất Việt Nam dài khoảng 243km. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy ngược.
Dòng sông Kỳ Cùng, ôm trọn lấy thành phố, với những khúc cua lúc ẩn mình vào núi, lúc thênh thang giữa phố phường, vẫn lặng lẽ dòng chảy ngược để vun bồi những phù sa... cho từng mạch đất quý giá nơi miền biên viễn này.
Bắt nguồn ở Đình Lập, ở đó, Kỳ Cùng chỉ là một khúc suối nhỏ, sau khi hợp lưu với sông Ba Thín ở gần thị trấn Lộc Bình (huyện Lộc Bình, tỉnh Lạng Sơn), con sông mới mở rộng thêm với nhiều đoạn sông rộng gần trăm mét.
Sông Kỳ Cùng chạy vòng quanh thị trấn Lộc Bình, ngay sau lưng khu phố cổ. Từ chợ trung tâm đi ra đến bờ sông chỉ chừng hai chục bước chân. Cũng bởi vậy mà bến sông phía sau con phố cũng chính là một phần không thể tách rời của khu chợ, đồng thời bến cũng là một trong những điểm giao thương của tuyến đường từ cửa khẩu Chi Ma qua chợ Lộc Bình rồi về TP.Lạng Sơn.
Dạo quanh chợ Lộc Bình sầm uất, chúng ta có thể đi bộ trong khu phố cổ với những ngôi nhà có niên đại đến hơn một trăm năm tuổi, nhiều ngôi nhà vẫn còn nguyên trạng những "lỗ châu mai". Dấu ấn của cuộc đấu tranh chống giặc ngoại xâm còn hiện hữu, xen vào cổ kính tường vôi, ngói máng. Nhà thờ của thị trấn nằm ngay phía cuối con đường, đứng ở tháp chuông có thể nhìn thấy dòng Kỳ Cùng chảy một vòng bao quanh phố núi.
Ở phía bên kia bờ sông, những bản làng người Nùng, Tày, Dao chen lẫn trong thung lũng xanh mướt ruộng ngô bảng lảng khói lam chiều. Dòng Kỳ Cùng chảy qua thị trấn Lộc Bình với con nước hiền hòa, ngay cả mùa mưa cũng hiếm khi dòng sông "làm dữ". Dòng chảy uốn lượn mềm mại từ phía đầu cho đến cuối thị trấn trước khi đi xiên vào khe núi.
Đứng bên bến sông trước chợ mà ngắm nhìn người dân qua lại trên cây cầu nổi, những cô cậu học trò vùng cao chạy nhảy trên cầu, cảm giác thanh bình, êm ả đến lạ. Ở phía sau lưng, chợ Lộc Bình tấp nập vào phiên như điểm nhấn cho sức sống mạnh mẽ của một thị trấn nhỏ.
Dòng sông chiến lũy
Sông Kỳ Cùng ngoài việc cung cấp nước sinh hoạt, canh tác cho người dân Lạng Sơn, còn là một chiến lũy vững vàng.
Con đường "thiên lý" từ kinh đô Thăng Long qua đất Lạng Sơn. Khi đi tới trung tâm TP.Lạng Sơn hiện nay, nó gặp dòng sông Kỳ Cùng chắn ngang. Khách bộ hành phải qua sông bằng đò, mảng từ bờ Nam (phía chùa Thành) sang bờ Bắc (phía đền Kỳ Cùng). Bến đò đó có tên là "Kỳ Cùng thạch độ" (bến đá Kỳ Cùng). Cuối thế kỷ XVIII, quan Đốc trấn Ngô Thì Sĩ có bài thơ "Trấn doanh bát cảnh" (8 cảnh đẹp của Trấn doanh - TP.Lạng Sơn ngày nay) đã xếp Bến đá Kỳ Cùng là 1 trong 8 cảnh đẹp đó nên ai đi xứ sang Trung Quốc cũng phải qua đây.
Sau Hiệp ước Thiên Tân (4/4/1885), cuối năm 1885, Pháp chiếm được thị xã Lạng Sơn, Đồng Đăng, Thất Khê và một số vị trí chiến lược quan trọng trên đường số 4. Xét thấy vị trí quan trọng của con đường Hà Nội - Lạng Sơn, Đồng Đăng, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng chiếc cầu qua sông Kỳ Cùng ngay từ năm 1887, đến năm 1889 thì hoàn thành. Người Pháp đã dựng tấm bia đá ghi thời gian xây cầu, đặt ở đầu cầu phía Bắc, gần đền Kỳ Cùng. Trải qua những năm chiến tranh chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ Tổ quốc (1979), cầu bị phá hủy hoàn toàn. Năm 1985 -1987, chúng ta làm chiếc cầu mới.
Cụ Hoàng Thị Thầm năm nay 83 tuổi, sống ở phố Trần Đăng Ninh (TP.Lạng Sơn) kể lại, năm 1979, Trung Quốc đánh vào thị xã Lạng Sơn nhưng chúng không làm thế nào để tấn công được sang bên tỉnh bởi chúng ta đã phá cầu Kỳ Cùng. Giặc bị chôn chân ở bên kia của thị xã thỉnh thoảng bắn tỉa sang. Nếu không có sông Kỳ Cùng thì có khi quân Trung Quốc đã gây thiệt hại lớn cho khu vực tỉnh ngày xưa rồi.
Nói đến sông Kỳ Cùng trong cuộc chiến chống quân xâm lược Trung Quốc phải nói đến những trận đánh ở cầu Khánh Khê (huyện Văn Quan, tỉnh Lạng Sơn) của Sư đoàn 337. Từ ngày 23/3- 4/3/1979, quân ta đã tiêu diệt hàng nghìn tên địch. Những trận ở cầu Khánh Khê phải dùng từ chính xác để miêu tả là "máu nhuộm đỏ sông Kỳ Cùng".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.