An Giang: Trái chồi mồi - đặc sản rừng phải không cao lương mỹ vị nhưng lại chứa đậm tình quê
An Giang: Trái chồi mồi - đặc sản rừng phải không cao lương mỹ vị nhưng lại chứa đậm tình quê
Thứ bảy, ngày 04/07/2020 13:10 PM (GMT+7)
Mùa mưa đến cũng là lúc cây rừng Bảy Núi đơm bông, kết trái. Với nhiều người, trái cây rừng tuy không cao lương mỹ vị nhưng lại ẩn chứa tình cảm của quê hương, phảng phất một chút tuổi thơ của những ai lớn lên trong cái nắng, cái mưa của vùng Bảy Núi.
Bảy Núi những ngày mưa đất trời dịu mát. Những cánh rừng cũng vì thế trở nên xanh tươi. Lúc ấy, những đứa trẻ ở miệt bán sơn dã này bắt đầu “mùa ăn vặt” với mấy loại trái rừng. Theo quan niệm dân gian, cây nào không được trồng thuần dưỡng thì sẽ gọi là “rừng”. Bởi thế, những loài cây hoang dại mọc sát vách nhà thì trái của chúng vẫn được gọi là trái rừng như một lẽ tự nhiên. Theo chân người bạn về xã An Cư (Tịnh Biên, An Giang) trong một ngày mưa, tôi men theo mấy con đường mòn dưới những hàng thốt nốt đi tìm trái chồi mồi.
Cứ ngỡ, trái chồi mồi sẽ to cỡ quả trứng gà nhưng kỳ thực nó còn nhỏ hơn cả đầu đũa ăn. Có điều, chúng mọc thành chùm nhìn rất mê mắt. Trái non có màu xanh, khi chín chuyển sang màu đỏ hơi tím. Anh bạn thân mạnh dạn trèo lên thân cây chồi mồi to lớn để hái mấy chùm trái cho tôi ăn thử. Hương vị đúng thật trái cây rừng. Có một chút chua chua pha lẫn vị ngọt nhẹ. Bởi mỗi chùm chồi mồi có đến vài chục trái nên người ta đưa nguyên chùm vào miệng nhai cho sướng!
Anh Nguyễn Chí Trung (người dân xã An Cư) kể rằng, trẻ con xứ núi ngày trước đâu có những thứ quà vặt phong phú như bây giờ. Chúng chỉ đợi trời mưa để đón mùa trái cây rừng. Người lớn buồn miệng leo lên cây hái xuống ăn chơi và sẵn tiện cho đám nhóc tì thưởng thức. Tuy trái chồi mồi đơn sơ, chân phương như chính cái tên của nó nhưng cũng từng là quà quý của đám trẻ thơ. Bây giờ, thỉnh thoảng vẫn có người leo lên hái trái ăn dù chồi mồi đã dần vắng bóng bởi người dân mở rộng diện tích đất canh tác nông nghiệp.
Anh Trung còn cho biết lá cây chồi mồi cũng có vị thuốc nên được người dân sử dụng để điều trị bệnh gân khớp, với hình thức đâm nát rồi bó vào chỗ đau. Dù chưa biết công dụng của lá chồi mồi như thế nào nhưng tôi phải thừa nhận hương vị của nó khá đặc trưng, đúng với cách gọi trái cây rừng Bảy Núi. Ngoài chồi mồi, trẻ con vùng Bảy Núi ngày trước còn có thể ăn trái xay hay trái cơm nguội cũng có hương vị rất riêng.
Đặc biệt, một số người bạn nói rằng trái cơm nguội có vị giống… cà phê và hơi chát nhẹ khiến tôi cảm thấy tò mò, muốn được một lần nếm thử. Cũng như chồi mồi, cơm nguội là vị thuốc được người dân sử dụng rộng rãi. Vì nhu cầu chữa bệnh ngày càng cao, cây cơm nguội không còn nhiều như trước, mà chủ yếu tồn tại ở những triền núi ít người lui tới.
Trong số những loại trái hoang dại của vùng Bảy Núi thì nho rừng được biết đến nhiều hơn cả. Bởi lẽ, loại trái này có thể ăn và dùng để ngâm rượu uống. Đã có lần theo chân người dân địa phương đi tìm trái nho rừng, tôi khá bất ngờ khi lần đầu tiên chứng kiến những chùm trái to, nặng trịch treo lủng lẳng trên dây.
Vì là loại dây leo nên nho rừng sinh trưởng theo những thân cây cổ thụ hoặc mấy rặng tre. Vào mùa mưa, chúng kết trái thành từng chùm và mỗi dây sẽ có rất nhiều chùm trái. Trái nho rừng khi còn sống cũng có màu xanh, lúc chín chuyển sang màu tím trong rất đẹp mắt.
Trước đây, người dân Bảy Núi chưa quan tâm đến nho rừng và chúng chỉ để đám con nít buồn miệng hái ăn chơi. Dần dần, người ta nghĩ ra cách tận dụng nho rừng để ngâm rượu và cho ra loại “mỹ tửu” có hương vị và màu sắc rất dân dã. Từng nếm thử rượu nho rừng, tôi không thể quên cái vị chan chát hòa quyện với mùi cay nồng nơi đầu lưỡi.
Thực tế, rượu nho rừng được nhiều người ngâm để đãi bạn hữu và đôi lúc nó cũng là quà quý cho dân phố thị. Vì có giá trị kinh tế nên nho rừng được săn lùng nhiều hơn và cũng khó tìm hơn trước. Tuy nhiên, loại trái mọng nước này vẫn xuất hiện đâu đó trên các góc rừng của núi Phú Cường (xã An Nông, Tịnh Biên) theo cái vòng quay của tạo hóa khi đất trời chìm trong màn mưa trắng xóa.
Những người bạn của tôi tâm sự rằng, mùa trái rừng Bảy Núi dù rất âm thầm, lặng lẽ nhưng vẫn chất chứa những kỷ niệm của họ từ thuở thiếu thời. Theo thời gian, họ có thể rời xa Bảy Núi vì cuộc sống mưu sinh nhưng ký ức về những loại trái hoang sơ vẫn cứ ùa về, khi mùa mưa mang theo màu xanh phủ kín những cánh rừng trên triền núi xa xa.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.