"Còn lâu lắm mới có Apple Store ở Việt Nam. Họ phải 'thắp sáng' thị trường qua các kênh cửa hàng ủy quyền AAR và APR để thay thế hàng xách tay", vị cựu quản lý cấp vùng của Apple trả lời Zing vào năm 2019.

Thực tế đã cho thấy những gì vị cựu quản lý trên dự báo là chính xác. Từ 2020, Apple tăng cường sự hiện diện của hãng tại Việt Nam bằng cách kết hợp cùng các nhà bán lẻ lớn trong nước, mở rộng chương trình đại lý ủy quyền. Trong 2 năm, doanh số sản phẩm Apple, trong đó quan trọng nhất là iPhone, tăng mạnh tại Việt Nam.

"Những lý do giúp Apple tăng trưởng tại Việt Nam bao gồm giá trị thương hiệu lớn và chính sách tốt từ iPhone 12 được tiếp tục áp dụng cho dòng iPhone 13. Ngoài ra, chiến lược phân phối mở rộng ở cả kênh trực tuyến, ngoại tuyến giúp Apple tiếp cận được nhiều khách hàng hơn", chuyên gia phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research trả lời Zing.

Bán sớm hơn và điều chỉnh giá

Ởthế hệ iPhone 11 của năm 2019, sản phẩm được ra mắt toàn cầu vào 1/9/2019, bán ra tại các thị trường lớn từ 20/9/2019. Nhưng người dùng Việt Nam phải chờ đợi 42 ngày để được mua iPhone 11 chính hãng. Con số này ở thế hệ iPhone 12 rút ngắn xuống còn 37 ngày và 28 ngày với iPhone 13.

Apple tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam 2 năm qua: Tiêu diệt iPhone xách tay? - Ảnh 1.

2020 là năm đầu tiên ghi nhận trường hợp xếp hàng mua iPhone tại Việt Nam. Ảnh: Lê Trọng.

Có thể thấy, khoảng cách thời gian khi mở bán các dòng iPhone chính hãng tại Việt Nam dần được rút ngắn, người mua không cần phải săn đón hàng xách tay bán sớm ở Singappore hay Hong Kong như trước.

Theo những người kinh doanh iPhone xách tay, giai đoạn từ lúc máy quốc tế mở bán đến khi sản phẩm chính hãng có mặt tại Việt Nam là thời gian iPhone nhập khẩu đường tiểu ngạch có sức tiêu thụ mạnh nhất. Vì vậy, việc iPhone chính hãng bán sớm khiến thị trường xách tay dần bị thu hẹp.

"Gần 1,3 triệu sản phẩm Apple được bán ra tại Việt Nam trong năm 2021"

Số liệu được CounterPoint Research cung cấp

Ngoài ra, theo thông tin từ các hệ thống bán lẻ lớn, từ 2020, lần đầu tiên Apple áp dụng chính sách chiết khấu giá bán cho đại lý Việt Nam. Cụ thể, trước đây nhà bán lẻ trong nước phải nhập iPhone chính ngạch với giá bán tương đương người dùng cuối ở thị trường quốc tế.cou

Do đó, giá thành iPhone bị đội lên bởi nhiều loại thuế, chi phí vận hành. Điều này dẫn đến chênh lệch lớn về giá bán giữa sản phẩm iPhone chính hãng và xách tay.

Với việc được Apple chiết khấu trực tiếp vào giá bán iPhone mới, nhà bán lẻ trong nước có thể áp dụng nhiều chương trình khuyến mãi, quà tặng, nhằm thu hút khách hàng. Ngoài ra, một số hệ thống giảm giá trực tiếp vào giá bán. Nhờ vậy, người dùng có thể tiếp cận iPhone chính hãng với mức giá rẻ hơn.

Tác động đến hệ thống bán lẻ

Cùng thời điểm mở bán iPhone 12 vào 2020, Apple phối hợp cùng các nhà bán lẻ trong nước, mở rộng hệ thống AAR (Apple Authorized Store- Cửa hàng Ủy quyền Apple). Theo thông tin từ các đại lý, Apple tích cực làm việc với hệ thống để cung cấp chứng nhận AAR trong khoảng thời gian ngắn.

Cùng thời điểm, CellphoneS, Di Động Việt và ShopDunk trở thành đại lý ủy quyền Apple, trước khi mở bán iPhone 12 chính hãng. Đến 2021, Minh Tuấn Mobile được kết nạp vào danh sách đại lý ủy quyền của Táo khuyết tại Việt Nam.

Apple tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam 2 năm qua: Tiêu diệt iPhone xách tay? - Ảnh 3.

Loạt đại lý trở thành cửa hàng ủy quyền Apple tại Việt Nam. Ảnh: Lê Trọng.

Để trở thành AAR, đại lý chính hãng phải đáp ứng nhiều tiêu chuẩn mà Apple đưa ra. Một trong những điều kiện quan trọng nhất là không kinh doanh iPhone xách tay, iPhone cũ.

Ngoài ra, Táo khuyết còn liên kết với ShopDunk, Thế Giới Di Động khai trương chuỗi cửa hàng độc quyền thương hiệu (mono store). TopZone, ShopDunk Mono, eDigi, F.Studio đem đến không gian trải nghiệm chuyên biệt theo tiêu chuẩn Apple. Có thể hiểu, mono store là Apple Store thu nhỏ của Táo khuyết tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, Apple kết hợp cùng Shopee, Lazada khai trương gian hàng chính thức của hãng trên hai nền tảng thương mại điện tử phổ biến nhất Việt Nam. Các sàn này cũng có động thái xóa sản phẩm Apple cũ, xách tay.

Tiêu diệt iPhone xách tay sau hai năm dịch bệnh

Trong 2 năm tăng cường sự hiện diện của Apple tại Việt Nam, thị trường xách tay còn bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh Covid-19. Đường bay từ Singapore, Hong Kong, Nhật Bản, Mỹ, các quốc gia cung cấp lượng lớn iPhone xách tay bị gián đoạn trong thời gian dài, khiến nguồn cung thiếu hụt.

Apple tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam 2 năm qua: Tiêu diệt iPhone xách tay? - Ảnh 4.

Dịch bệnh khiến nguồn cung iPhone xách tay trở nên khan hiếm. Ảnh: Reuters.

Do khó khăn trong việc vận chuyển, lượng máy xách tay về Việt Nam giảm sút nghiêm trọng. Theo một nguồn tin giấu tên, số iPhone 13 xách tay về Việt Nam trong giai đoạn này chỉ bằng 1/10 các năm trước. Nhiều người chuyên kinh doanh mặt hàng này đã chuyển sang bán máy chính hãng.

"Từng có lúc iPhone xách tay bán ngang chính hãng. Hiện tại, tỷ lệ là 1:9"

Đại diện nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM chia sẻ.

Ngoài nguồn hàng khan hiếm, giá của máy xách tay còn cao hơn sản phẩm chính hãng. Mẫu iPhone 13 Pro Max 128 GB xách tay từ thị trường Mỹ, Hong Kong từng có giá 39-40 triệu đồng. Trong khi đó, sản phẩm tại đại lý trong nước có giá dao động 30-35 triệu đồng. Do đó, phần lớn người dùng đều chọn mua máy chính hãng.

"Trước đây, tỷ lệ iPhone xách tay và chính hãng là 1:1. Hiện tại, phải 9 máy chính hãng được bán ra thì mới có một máy xách tay", đại diện một nhà bán lẻ lớn tại TP.HCM chia sẻ.

Đồng quan điểm, chuyên gia Ivan Lam của Counterpoint Research cho rằng khách hàng Việt Nam đang dần ưu tiên các lựa chọn chính hãng vì chính sách giá tốt, thời gian chờ đợi được rút ngắn.

"Làm khó" người dùng để giảm máy xách tay, tăng doanh số chính hãng

Theo ông Nguyễn Lạc Huy, đại diện nhà bán lẻ CellphoneS, việc thay đổi các chính sách về bảo hành, bán hàng góp phần vào sự gia tăng doanh số của Apple trong năm 2021.

Táo khuyết nhiều lần điều chỉnh chính sách bảo hành thiết bị của hãng tại Việt Nam trong năm 2021. Đầu tiên, các trung tâm ủy quyền Apple yêu cầu người sử dụng máy xách tay phải cung cấp hóa đơn mua hàng để được bảo hành. Ngoài ra, thay vì được đổi máy mới khi gặp lỗi, người dùng Việt Nam sẽ được thay thế linh kiện khi sản phẩm gặp vấn đề.

Apple tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam 2 năm qua: Tiêu diệt iPhone xách tay? - Ảnh 6.

Chính sách bảo hành "khắt khe" của Táo khuyết gây khó khăn cho người dùng trong nước. Ảnh: iFixit.

Đến cuối năm, việc bảo hành thông qua hóa đơn được áp dụng cho toàn bộ thiết bị của hãng, gồm iPhone, iPad, MacBook, AirPods, Apple Watch và các loại phụ kiện. Nguyên nhân của các thay đổi này được nhà bán lẻ lý giải là để hạn chế giao dịch chợ đen và sản phẩm xách tay.

Tuy nhiên, chính sách mới gây khó khăn cho người dùng khi thiết bị gặp vấn đề. Ông Nguyễn Nam, ngụ tại TP.HCM, một khách hàng lâu năm của Apple cho rằng việc thủ tục bảo hành của Apple ngày càng khó khăn, phức tạp. Người dùng này cho rằng việc đơn vị bảo hành lấy lý do "chống trộm cắp" là không thuyết phục, vì nguồn gốc sản phẩm có thể dễ dàng truy suất qua số serial.

"Năm 2021, doanh số iPhone tại Việt Nam trong khu vực chỉ đứng sau Thái Lan, cao hơn Indonesia"

Nhà phân tích Ivan Lam, Counterpoint Research

"Tại sao phải bắt số đông người dùng phải giữ hóa đơn khi bảo hành trong khi những hãng khác ở Việt Nam chỉ cần số serial", ông Nam bức xúc bày tỏ.

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Lạc Huy cho rằng đây có thể là khó khăn ban đầu cho người dùng, nhưng sẽ giúp thị trường chính hãng phát triển. Về lâu dài, quy định bảo hành sẽ trở lại bình thường và không còn gây khó khăn trong quá trình mua và bảo hành sản phẩm.

Ngoài ra, số lượng sản phẩm cũng là một vấn đề. Ở giai đoạn mở bán iPhone 12, iPhone 13, MacBook M1, lượng thiết bị cung ứng cho khách hàng trong nước không đủ. Nhiều người dùng đặt trước phải đợi 15-30 ngày để nhận được thiết bị. Chính sự khan hiếm này khiến sản phẩm bị đội giá trên thị trường chợ đen.

Theo thống kê của Counterpoint Research, Apple là thương hiệu smartphone tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2021 với 119%. Thị phần mảng điện thoại thông minh của Táo khuyết tại Việt Nam đã tăng lên 11%, so với 7% trong một năm trước đó.

Ngoài ra, MacBook chạy chip Apple Silicon cũng tạo được tiếng vang lớn, trở thành dòng laptop bán chạy nhất ở nhiều đại lý.

Tổng số thiết bị Apple bán ra đạt gần 1,3 triệu đơn vị. Chuyên gia phân tích Ivan Lam của Counterpoint Research nhận định Apple đang có chỗ đứng vững chắc với khách hàng Việt Nam. Bên cạnh đó, việc phổ cập 5G cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy doanh số của dòng iPhone 13.

Apple tăng cường sự hiện diện tại Việt Nam 2 năm qua: Tiêu diệt iPhone xách tay? - Ảnh 8.

Apple có bước tăng trưởng lớn tại Việt Nam trong năm 2021. Ảnh: Getty.

Đặc biệt, Táo khuyết cũng không có đối thủ trong thị trường smartphone cao cấp tại Việt Nam với 79% thị phần vào tháng 10/2021, theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường GfK.

Trao đổi với Zing, hai nhà bán lẻ tại Việt Nam là FPT Shop và CellphoneS đều cho biết doanh số iPhone tại chuỗi cửa hàng đã có sự tăng trưởng rõ rệt năm 2021. Trong khi doanh số tại FPT tăng gấp đôi, CellphoneS cũng đạt mức 250% ở ngành hàng Apple.

Với sức hút từ thị trường, việc Apple mở Apple Store chính thức có thể không còn xa.

"Năm 2021, doanh số iPhone tại Việt Nam chỉ đứng sau Thái Lan, và còn cao hơn Indonesia. Với doanh số ngày càng tăng, tôi kỳ vọng sẽ sớm có Apple Store chính thức tại Hà Nội hoặc TP.HCM", ông Ivan Lam, nhà phân tích tại Counterpoint Research chia sẻ với Zing.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem