img

ó là con số đo đạc được và có thể đó cũng chỉ là lượng gỗ lâm tặc vứt lại ở hiện trường thôi. Con số thật sự mà Mẹ Rừng bị xẻo thịt, riêng trong vụ này, có thể còn lớn hơn.

Nguồn tin "mới" được cấp báo lên cơ quan chức năng, lãnh đạo tỉnh Hà Giang, từ Phó Chủ tịch UBND tỉnh đến Chánh Văn phòng UBND tỉnh, rồi Hạt kiểm lâm đều hứa sẽ cho kiểm tra khẩn cấp. Nhiều kiểm lâm địa bàn được bốc máy lệnh cho lên đường ngay.

Rừng nghiến ở Bắc Mê, Hà Giang bị tàn phá ở nhiều điểm

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 2.

Câu hỏi đặt ra là: suốt bao năm tương đối yên bình. Rừng về tận đầu nhà dân, gỗ vẫn sừng sững trong rừng suốt vài trăm năm qua, vì sao đến bây giờ, "đột nhiên" vài chục cây nghiến khổng lồ bị chặt ở dăm bảy địa điểm, cả rừng đặc dụng lẫn rừng phòng hộ, rồi rừng sản xuất? Không chỉ chúng tôi, mà kiểm lâm và cán bộ đều đặt câu hỏi về một vấn đề mấu chốt.

Sau thời gian "ăn bản, ngủ bản", tiếp xúc với dân cùng nhiều cán bộ từ thôn, xã, huyện, chúng tôi mới có được câu trả lời bước đầu cho vấn đề mấu chốt này. Lòng dân! Gỗ ở trong rừng, rừng lẫn với… các hộ dân. Kiểm lâm cũng chỉ chốt chặn ở phía ngoài, cũng phải về ngủ buổi tối và nghỉ dịp lễ Tết. Nếu dân định phá rừng thì có "giời" cũng chẳng giữ được.

Một kiểm lâm viên dày dạn kinh nghiệm "cắm" ở điểm nóng phá rừng xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê nói: "Chúng tôi đi điều tra, mới phát hiện ra. Rất nhiều cây gỗ bị chặt xuống đã được "đánh dấu" trước".

Tức là sao? Là người dân đã không tin là rừng đó có thể được bảo vệ an toàn và họ sớm muộn sẽ phá chúng để bán gỗ kiếm tiền. Vì thế họ "đánh dấu" (vẽ lên cây, hoặc khắc, chặt, băm ký hiệu vào cây) để nhận phần trước. 

Bà con ở đây và nhiều vùng núi khác ở nước ta vẫn có "tục lệ" thế. Cây gỗ ở trong rừng, nếu được ai đó đánh dấu thì không ai được lấy nữa, kể cả họ ngả xuống vứt mục ở đó mà chưa có thời gian lên lấy, cũng không ai xâm phạm. Cả cây chuối rừng định lấy về thái cho lợn ăn, họ cũng đánh dấu. Anh kiểm lâm chỉ cho chúng tôi cách nhìn cây gỗ đã chặt và bị đánh dấu trong rừng.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 3.

Còn anh Hoàng Công Trình - Phó Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Bắc Mê nói luôn trong cuộc trả lời phỏng vấn trực tiếp với Dân Việt tại nhiệm sở: "Chúng tôi bất ngờ thật sự, khi rừng bao năm đứng ngay gần nhà họ mà họ không chặt phá, thế mà chỉ trong thời gian ngắn vừa rồi, họ đồng thời phá nhiều điểm như thế. Cây đứng yên trên rừng không phải của ai, nhưng khi mà tôi đã chặt xuống rồi thì là của tôi. Vì chặt để nhận phần nên người ta cũng chẳng lấy gỗ về, có cây to đùng bị chặt, họ cũng chỉ lấy vài khoanh, còn lại để dành đó!".

Đối với rừng đặc dụng đi vào rừng không có giấy phép đã bị xử lý, lấy măng lấy nấm cũng vi phạm, huống hồ cây nghiến nghìn năm tuổi được bảo vệ đặc biệt trên toàn cõi Việt Nam, chặt một cây 2 đối tượng đã lãnh án 11 năm tù. Vậy tại sao người dân lại dám "xí phần" và đốn hạ cây nghiến trong Rừng đặc dụng Du Già, mà lại là vài chục cây với "kỷ lục buồn" là vài trăm mét khối? Rừng phòng hộ, rồi rừng sản xuất họ cũng không tha.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 4.

Bản báo cáo nhanh của Ban Quản lý Rừng đặc dụng Du Già cho thấy, ít nhất 4 vụ đã bị phát hiện và loanh quanh ở xã Minh Ngọc, huyện Bắc Mê, hàng trăm mét khối gỗ nghiến được kiểm kê đang nằm ngổn ngang giữa rừng. Con số đang được cập nhật và cơ quan Công an tỉnh, huyện đang làm việc ráo riết.

Trong khi đó, ông Mã Xuân Hành - Trưởng thôn Lùng Càng ("thủ phủ" của các vụ việc) - là thành viên tổ bảo vệ rừng trên địa bàn ngắn gọn: "Khu này có 37 cây nghiến cổ thụ bị tàn phá".

Trên địa bàn thôn có khoảng 100ha rừng đặc dụng và 97ha rừng phòng hộ. "Rừng này gỗ nghiến còn nhiều, nhưng người đi tuần rừng ít quá. Người dân vào chặt phá, nhất là dân ở các thôn giáp ranh nữa. Chỉ biết là người dân phá rừng, không bắt tận tay được đâu" – ông Hành nói.

Ông trưởng thôn khẳng định: "Lâm tặc" không đi cưa gỗ, phá rừng nghiến vào ban ngày, mà chủ yếu đi vào ban đêm. "Kiểm lâm cũng chịu. Họ dùng cưa máy. Kiểm lâm có bắt được mấy vụ, họ đi xe máy chở 8-9 cái thớt. Chặn bắt thì họ vứt bỏ cả xe máy mà bỏ chạy" – Trưởng thôn Lùng Càng kể.

"Vì sao rừng gỗ nghiến quý giá mà bao đời bà con và cán bộ đã bảo vệ, nay nâng cấp thành Vườn Quốc gia, nhiều phần diện tích nằm trong Công viên Địa chất Toàn cầu đầu tiên của Việt Nam, giờ chúng lại bị đốn hạ kinh khủng như vậy?", PV Dân Việt hỏi.

Ông Trưởng thôn buồn rầu: "Trong thời gian chúng tôi không đi tuần rừng nữa thì các cây gỗ bị chặt. Lý do là Ban quản lý Rừng đặc dụng (VQG) bảo là hết tiền chi trả công xá cho người tuần rừng. Nói chung, bọn tôi không đi tuần rừng vì có lý do. Không chỉ liên quan đến tiền".

Trưởng thôn cũng biết rõ rừng bị phá ra sao, giờ nào, thủ đoạn nào. Vì sao dân rồi trưởng thôn đều biết mà họ không hề tham gia ngăn chặn? Các lỗ hổng "dân không ưng cái bụng" hỗ trợ công tác bảo tồn rừng này là nghiêm trọng và mang tính cốt tử.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 5.

Ông Mã Xuân Hành kể chi tiết: "Người dân cắt hạ cây nghiến cổ thụ, sau đó dùng cưa máy xẻ làm các cái thớt theo quy cách, cho vào gùi đưa ra khỏi rừng. Chủ yếu họ đi vào ban đêm. Giấu hàng ven đường, kết nối để dùng xe máy chở thớt nghiến ra đường lớn (cây 31) cho đầu nậu.

Chỉ cần "thớt" 50cm đường kính, cắt dày 5cm cho vừa sức người gùi vượt núi, mang ra đường là bán được khoảng 180.000 đồng/chiếc. Có đợt, cuộc họp nào chúng tôi cũng báo cáo về tình trạng ấy, có lần họ cũng bắt giữ vài vụ… Nhưng người "khai thác" gỗ nghiến họ có chân tay rình rập đề phòng hết rồi!".

Chúng tôi đang trò chuyện thì có kiểm lâm phụ trách địa bàn gọi điện thoại cho ông Hành, hỏi về "hành tung" của nhà báo đến thôn ra sao. Ông Hành thật thà, các đồng chí đang ngồi nhà tôi.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 6.

"Riêng ở đây, họ vừa kiểm tra và có ký văn bản 37 cây nghiến lớn bị chặt. Họ chặt, xẻ vài miếng rồi vứt lại tất trong rừng, coi thường luật pháp và phí phạm vô cùng. Cả mấy trăm năm mới có được một cây lớn như thế. Con cháu chúng ta sau này không còn biết cây gỗ nghiến cổ thụ trên núi đá này là gì nữa rồi", ông Hành thở dài buồn bã khi chia tay chúng tôi.

"Giải pháp cho vấn đề bảo vệ rừng ư, tôi biết, kiểm lâm biết hết chứ. Nhưng có nói, người ta họ cũng chẳng làm theo mình đâu!" – vị Trưởng thôn nói với theo.

Các thông tin "rò rỉ" từ cán bộ có chức năng xử lý vụ việc rất "sốc", các điểm mà chúng tôi khảo sát ở Rừng đặc dụng Du Già hầu hết đã được đưa vào hồ sơ báo cáo ban đầu, có dấu có triện kèm theo.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 7.

Sau khi Dân Việt đăng loạt bài, ông Hoàng Ngọc Thực, Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng Du Già bị đình chỉ công tác để phục vụ điều tra, ông Lệnh Thế Tuyển trở thành người phụ trách "thay thế". Ông Tuyển nói với Dân Việt: "Chắc sơ sơ cũng phải vài trăm mét khối gỗ nghiến chứ không phải là ít đâu. Con số chi tiết sắp tới sẽ công bố thôi, bên Công an, Viện kiểm sát cũng đã thống nhất con số để báo cáo tỉnh". 

Bài 2 Vụ "thảm sát" rừng nghiến cổ thụ khủng nhất Việt Nam: Vỡ trận vì để bà con "không ưng cái bụng" - Ảnh 8.

Anh T, một thành viên tổ bảo vệ rừng thông Lùng Càng (xã Minh Ngọc) lại nhớ từng cây nghiến lớn nhỏ theo cách của người cả đời gắn bó với rừng.

"Chỗ gần thôn Lùng Hảo có hàng chục cây nghiến bị chặt, chỗ Khâu Lừa 23 cây rất lớn, một điểm 9 cây, một điểm 10 cây nữa… Bọn phá rừng nó tinh vi lắm. Mình đi ra đến cửa là chúng biết hết và bắn tin cho nhau dừng mọi hoạt động khai thác trái phép.

Khi có người đến tuần tiễu kiểm tra, chỗ nào không có sóng điện thoại để nhắn tin gọi điện thì họ chia thành từng chốt, chạy bộ lên báo tin để "lâm tặc" tẩu thoát. Vì họ cài người theo dõi ngược lại mình. Nói chung, người giữ (rừng) vẫn giữ, người phá (rừng) vẫn cứ phá. Tuyên truyền từ kiểm lâm và lãnh đạo thôn thì cứ tuyên truyền, người không nghe vẫn cứ không nghe" – anh T.

Anh T và người dân biết rõ bọn đầu xanh đầu đỏ, chơi game online, lô đề, rồi người nghèo khó đường cùng phá rừng ra sao, họ chuyển gỗ nghiến bán về Thái Nguyên, sang Tuyên Quang rồi Cao Bằng, ngược Trung Quốc thế nào.

Một người dân tên Th. (anh này đề nghị giấu tên), cũng nằm trong tổ tuần rừng ở thôn Lùng Càng kể: Gần đây, không biết vì lý do gì, phía Ban quản lý cắt hết các tiêu chuẩn mũ, ủng, áo để đi tuần rừng của anh em. 

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 8.

Trong mấy năm điều tra về các đường dây xuyên tỉnh, xuyên huyện từ Bảo Lâm, Bảo Lạc (tỉnh Cao Bằng), sang Bắc Mê (tỉnh Hà Giang) và Na Hang (tỉnh Tuyên Quang), chúng tôi đã nhiều lần đến các địa điểm mà bà con nói về nạn buôn gỗ nghiến, thớt nghiến kể trên.

Phóng viên từng đến nhà các lâm tặc "đầu xanh đầu đỏ" như Trưởng thôn Hành mô tả, từng theo các xe thớt nghiến khi bị bắt giữ vài trăm chiếc ở Bảo Lâm khi họ sắp mang sang Trung Quốc, từng chụp ảnh các xe 16 chỗ bị tai nạn tan hoang, lăn ra đường la liệt thớt nghiến ở chính địa bàn Bắc Mê này.

Và giờ đây, khi "ổ phá rừng đặc dụng, rừng phòng hộ" nhiều trăm mét khối bỏ lại giữa rừng (còn bao nhiêu trăm mét khối bị mang đi thì có giời biết) này, khớp thông tin về các "ông bà trùm" lại thì… trùng khít. Hóa ra là một đường dây quá lớn đã hoạt động nhiều năm.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 9.

Đau hơn, ngồi nghe câu chuyện của anh Lò Văn Tráng, Trưởng thôn Khâu Lừa, cũng lại là thành viên tổ tuần rừng, mấu chốt vấn đề còn sâu xa hơn: Rằng, bà con nhiều người di dân dành đất đai quê hương mồ mả cho lòng hồ thủy điện, lên đây, "thả" vào miền của rừng đặc dụng với rừng phòng hộ, sống ở vùng lõi rừng luôn.

"Thôn có 61 hộ, 295 khẩu, toàn bộ là bà con người Mông. Bà con nghèo quá, nhà tôi (trưởng thôn) cũng phải sang bên thôn khác Lùng Càng để dựng lều trồng ngô sắn. Suối cũng không còn cá mà bắt nữa. Chỉ toàn là núi đá thôi" - anh Giàng Thanh Hậu, thôn đội trưởng Khâu Lừa chán nản kể về cuộc sống "dựa vào rừng", vợ đi tìm ốc núi bán, mỗi ngày được vài cân, một cân bán được 20 nghìn đồng.

Các nhân vật trên không nói tiếp câu sau nữa, song ai cũng hiểu, cái đói nghèo héo hắt làm nhiều người đã "không giữ được mình" trước lời dụ dỗ của đám con buôn thớt nghiến. Họ đặt hàng và xỉa tiền ra luôn. Anh Hậu nói thẳng: từ hồi có "phong trào" chặt rừng làm thớt đến giờ, ở khắp Khâu Lừa, Lùng Càng, sang xã Thượng Tân. Phá rừng không cần theo mùa, khi nào "không có kiểm lâm lên (đi tuần) thì cứ đi ăn trộm thôi".

Thêm nữa, lãnh đạo Sở ngành ở tỉnh kêu trời vì Thủ tướng đã có Quyết định thành lập Vườn Quốc gia Du Già từ năm 2015 (6 năm trôi qua, khoảng 2.000 ngày rồi), song đến giờ … vẫn chưa thành lập được Ban Giám đốc Vườn Quốc gia, chưa có đủ biên chế với trụ sở. Vẫn dùng cơ sở vật chất ọp ẹp và nhân sự rất mỏng của Ban Quản lý rừng Đặc dụng…

Thử hỏi, kho di sản thiên nhiên trên núi đá mênh mông 14.000 ha này sẽ còn bị tàn sát đến mức nào? 

Sau khi vụ việc xảy ra, tỉnh Hà Giang tiến hành đình chỉ công tác ông Hoàng Ngọc Thực - Giám đốc Ban Quản lý Rừng đặc dụng Du Già 15 ngày để tiến hành điều tra. Đó là việc làm cần thiết, song, về bản chất: Lòng dân có muốn giữ rừng hay không mới là mấu chốt của vấn đề. Các bất cập của chúng ta trong công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây cần được chấn chỉnh và thay đổi về bản chất, may ra mới cứu vãn được tình thế.

Bài 2: Vỡ trận vì để bà con “không ưng cái bụng” - Ảnh 10.

Làm việc trực tiếp với chúng tôi, cả Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND và cả Chủ tịch UBND xã Minh Ngọc đều thừa nhận tình trạng "quá nóng" về tàn sát rừng nghiến trên và hứa nỗ lực lập nghiêm để xử lý các đối tượng. Ông Chủ tịch UBND xã Nguyễn Bình Giang tiết lộ: "Đã có đối tượng bị xét xử bằng phiên tòa lưu động vì phá rừng nghiến. Việc bắt giữ các vụ chở một vài cái thớt nghiến là thường xuyên. Họ dùng nhiều thủ đoạn, cuốn thớt nghiến trong chăn, trong thùng mì tôm, thậm chí bỏ trong… tủ lạnh để ngụy trang chở đi. Thấy bị vây bắt là… ném bỏ tất ngay để trốn".

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem