Bất ngờ: Chỉ người Hội An mới được kinh doanh homestay ở địa phương

Nguyên Phương Thứ năm, ngày 30/11/2017 08:45 AM (GMT+7)
Chủ kinh doanh homestay (lưu trú tại nhà dân) tại thành phố Hội An phải là người dân Hội An, không có vợ, chồng là người nước ngoài. Đồng thời, phải có hộ khẩu tại căn nhà làm dịch vụ thì mới được kinh doanh.
Bình luận 0

img

UBND thành phố Hội An vừa ban hành các quy định liên quan đến đầu tư homestay, với nhiều điều kiện kinh doanh cho loại hình này

Chủ homestay phải là người Hội An, nhà xây tối đa 2 tầng

UBND thành phố Hội An vừa ban hành các quy định liên quan đến đầu tư homestay, với nhiều điều kiện kinh doanh cho loại hình này.

Theo đó, chủ kinh doanh homestay (lưu trú tại nhà dân) phải là người dân Hội An, không có vợ, chồng là người nước ngoài, có hộ khẩu tại căn nhà làm dịch vụ thì mới được kinh doanh.

Để làm homestay, thành phố cũng yêu cầu chủ homestay phải tuân thủ nhiều quy định khác như đảm bảo ít nhất hai thế hệ đang sinh sống tại ngôi nhà đó và hộ gia đình được công nhận là gia đình văn hóa tại thời điểm xin chủ trương đầu tư.

Chính quyền thành phố Hội An cũng quy định về kiến trúc xây dựng, diện tích tối thiểu của thửa đất... Trong đó, nhà có số tầng tối đa là 2 tầng, phải có không gian thờ tổ tiên hoặc ngũ tự gia đường, có phòng sinh hoạt chung, khu vực dành cho khách ở phải liền kề với gian nhà chính.

img

Homestay ở Hội An chỉ được phép xây tối đa 2 tầng.

Nhà được phép có tối đa 7 phòng ngủ, trong đó có tối đa 5 phòng cho khách, không được xây hồ bơi. Diện tích tối thiểu của thửa đất được quy định theo vùng, ở những vùng như làng rau Trà Quế, xã Cẩm Thanh, diện tích tối thiểu phải là 300m2; vùng ở làng gốm Thanh Hà, khối Nam Đông... tối thiểu phải 200m2...

Theo kế hoạch này, quy định về kiến trúc, diện tích là nhằm để bảo tồn các làng quê, làng nghề truyền thống, xây dựng Hội An thành thành phố sinh thái, văn hóa, du lịch.

Theo UBND thành phố, Hội An hiện có 842 cơ sở lưu trú với 13.212 phòng. Trong đó, có 479 cơ sở lưu trú với 7.878 phòng đang hoạt động. Số còn lại chưa bắt đầu dịch vụ. Riêng homestay có 322 cơ sở với 1.274 phòng, trong đó, có 1.011 phòng đang hoạt động. Hội An đón khoảng 3 triệu lượt du khách mỗi năm.

Chủ homestay phải “dạy” khách phong tục địa phương

Trước đó, UBND tỉnh Quảng Nam đã ban hành Quy chế hoạt động kinh doanh nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) trên địa bàn tỉnh. Mục đích của Quy chế nhằm tăng cường sự quản lý nhà nước, đưa hoạt động homestay đi vào nền nếp và chuyên nghiệp.

Theo Quy chế, kể từ ngày 2.11, để hoạt động homestay, chủ kinh doanh phải đáp ứng một số điều kiện như: có hộ khẩu hoặc đăng ký thường trú và đang sinh sống tại ngôi nhà kinh doanh homestay; đảm bảo các tiêu chuẩn gia đình văn hóa; diện tích khu đất phù hợp để bố trí không gian sân vườn, cây xanh; mỗi homestay không có quá 5 phòng và mỗi phòng không có quá 4 người.

img

Nhà homestay ở Hội An được phép có tối đa 7 phòng ngủ, trong đó có tối đa 5 phòng cho khách.

Diện tích phòng ngủ, phòng vệ sinh và phòng tắm theo tiêu chuẩn quốc gia hiện hành về nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê; người quản lý hoặc chủ hộ phải qua lớp tập huấn về lưu trú du lịch, giao tiếp ứng xử, an ninh, an toàn, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường, an toàn thực phẩm, am hiểu văn hóa, tự nhiên địa phương.

Ngoài ra, quy định cũng khuyến khích ngôi nhà hoạt động homestay có kiến trúc đặc trưng nông thôn, nhà vườn, có tổ chức các hoạt động sản xuất kinh doanh nghề truyền thống; sử dụng nguyên liệu, vật dụng thân thiện với môi trường; hộ gia đình có 2 thế hệ cùng sinh sống trở lên...

Đặc biệt, quy chế cũng quy định chủ homestay phải có trách nhiệm thông báo cho khách về phong tục, tập quán địa phương và các hành vi ứng xử phù hợp; quy định bảo vệ môi trường, động vật hoang dã của địa phương; tổ chức hoặc phối hợp liên kết tổ chức các hoạt động giúp khách trải nghiệm đời sống sinh hoạt, phong tục, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, hướng dẫn du khách tham quan các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên, các hoạt động có tính tương tác giữa cộng đồng địa phương và du khách…

Điều kiện kinh doanh dịch vụ Homestay

Homestay là một trong những loại hình kinh doanh lưu trú du lịch được Điều chỉnh bởi Mục 4, Chương 6 Luật Du lịch 2005 và được hướng dẫn tại Điều 17, Nghị định số 92/2007/NĐ-CP quy định chi tiết về một số điều của Luật Du lịch.

Tại Khoản 1.7 Mục 1 Phần II của Thông tư 88/2008/TT-BVHTTDL có hiệu lực ngày 30.1.2009 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 92/2007/NĐ-CP có quy định về tiêu chí phân loại, xếp hạng cơ sở lưu trú du lịch như sau: “Nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê (homestay) là nơi sinh sống của người sở hữu hoặc sử dụng hợp pháp trong thời gian cho thuê lưu trú du lịch, có trang thiết bị, tiện nghi cho khách du lịch thuê lưu trú, có thể có dịch vụ khác theo khả năng đáp ứng của chủ nhà.”

Tại Điều 64 Luật Du lịch năm 2005 quy định về điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch, theo đó, tổ chức, cá nhân kinh doanh lưu trú du lịch phải có đủ các điều kiện sau đây:

1. Các điều kiện chung bao gồm:

a) Có đăng ký kinh doanh lưu trú du lịch;

b) Có biện pháp bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường, an toàn, phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật đối với cơ sở lưu trú du lịch;

2. Các điều kiện cụ thể bao gồm:

a) Đối với khách sạn, làng du lịch phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về xây dựng, trang thiết bị, dịch vụ, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ của người quản lý và nhân viên phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;

b) Đối với biệt thự du lịch và căn hộ du lịch phải bảo đảm yêu cầu tối thiểu về trang thiết bị và mức độ phục vụ theo tiêu chuẩn xếp hạng tương ứng đối với mỗi loại, hạng;

c) Đối với bãi cắm trại du lịch, nhà nghỉ du lịch, nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê, cơ sở lưu trú du lịch khác phải bảo đảm trang thiết bị tối thiểu đạt tiêu chuẩn kinh doanh lưu trú du lịch.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem