Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho nông dân
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại, lắng nghe để tháo gỡ khó khăn cho nông dân
Đức Thịnh
Thứ tư, ngày 28/09/2022 06:32 AM (GMT+7)
Tại Hội nghị Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối thoại với nông dân, ông Đinh Tiến Dũng - Bí thư Thành uỷ Hà Nội chỉ đạo các cấp chính quyền từ TP đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới…
Tại Hội nghị Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng đối thoại với nông dân Thủ đô ngày 27/9, nhiều nông dân đã kiến nghị, đề xuất với lãnh đạo thành phố Hà Nội tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách đất đai, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tiêu thụ nông sản…
Là 1 trong những nông dân tham gia đặt câu hỏi tại Hội nghị Bí thư Thành uỷ Hà Nội đối thoại với nông dân Thủ đô, bà Đặng Thị Cuối – Giám đốc HTX rau an toàn Cuối Quý, Đan Phượng chia sẻ: "Với tiềm năng để phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch gắn công nghệ cao ở huyện Đan Phượng là rất lớn. Thời gian tới, đề nghị lãnh đạo thành phố tháo gỡ một số tồn tại, vướng mắc về cơ chế đất đai (Kéo dài thời gian cho thuê quỹ đất công ích 5%, xử lý dự án quy hoạch treo), hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại vùng sản xuất nông nghiệp sạch chuyên canh tập trung và các đơn vị ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao".
Với mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao, ông Nguyễn Văn Thanh – Giám đốc HTX Chăn nuôi Hoà Mỹ, xã Vạn Thái, huyện Ứng Hoà nêu ý kiến, để thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển ở mức cao hơn ngoài sự phấn đấu nỗ lực của cán bộ, hội viên và nông dân còn phụ thuộc rất nhiều vào chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng, Nhà nước và thành phố.
"Tôi xin kiến nghị một số vấn đề như sau: Đất đai lập trang trại thời gian sử dụng quá ngắn hầu như các trang trại ký hợp đồng đất 5% công ích. Song việc chăn nuôi đầu tư quá lớn mà đất 5% công ích giao UBND các xã chỉ ký được 5 năm, sau 5 năm mà hủy bỏ thì rất lãng phí. Đề nghị thành phố nghiên cứu vận dụng cơ chế đặc thù của Thủ đô, tạo điều kiện cho phép UBND cấp xã ký hợp đồng với các trang trại thực hiện quyền sử dụng đất dài hơn hoặc sử dụng đất đai đã được phê duyệt cho thuê dài hạn" - ông Thanh nêu kiến nghị tại Hội nghị đối thoại với Bí thư Thành uỷ Hà Nội.
Bên cạnh về việc kéo dài thời gian cho thuê đất, ông Thanh cũng nêu kiến nghị, thành phố cần có chính sách quan tâm để cung cấp hỗ trợ con giống dòng thuần giống gốc cho các trang trại để làm nái nền tạo điều kiện cho các trang trại nâng cao hiệu quả sản xuất. Đồng thời, cần có cơ chế tạo mặt bằng, hỗ trợ đặc thù nhằm thu hút nhà đầu tư xây khu giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm tập trung…
Ông Nghiêm Quang Vinh - hội viên nông dân xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) cho hay, hiện nay để quản lý điều hành 157ha vùng sản xuất rau an toàn của huyện Phú Xuyên với 1.700 hộ, UBND xã Minh Tân đã thành lập HTX rau an toàn Minh Tân nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu quản lý và chuyển giao khoa học kỹ thuật, chưa triển khai dự án được bài bản, quy mô lớn.
Ông Vinh đề xuất lãnh đạo TP Hà Nội, các sở ban ngành có cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp cho doanh nghiệp có điều kiện đầu tư, tạo hành lang thuận lợi cho doanh nghiệp và hội viên nông dân sớm thực hiện dự án. Đồng thời, kiến nghị TP có chính sách cụ thể, rõ ràng về chế độ, nguồn kinh phí đầu tư để hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp, nông dân bước đầu bớt khó khăn khi thực hiện dự án.
Giải đáp trực tiếp nhiều vướng mắc của nông dân
Trả lời các câu hỏi của nông dân liên quan đến vướng mắc về thời gian cho thuê đất, Giám đốc Sở TNMT Hà Nội Bùi Duy Cường cho biết: Theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 thì Đất nông nghiệp công ích do UBND cấp xã nơi có đất quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và Chủ tịch UBND cấp xã chịu trách nhiệm trước Nhà nước đối với việc sử dụng đất nông nghiệp vào mục đích công ích theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 và Khoản 4 Điều 132 Luật Đất đai năm 2013.
UBND cấp xã cho thuê đất thuộc quỹ đất nông nghiệp công ích thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, thời hạn cho thuê không quá 5 năm. Người đang sử dụng đất nông nghiệp công ích của xã, phường, thị trấn thì không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ.
Theo Giám đốc Sở TNMT Hà Nội, thực hiện Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao", hiện nay Bộ TNMT đang chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó có nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đẩy mạnh cơ chế chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất để thực hiện tái cơ cấu nguồn nông nghiệp. Đối với quỹ đất nông nghiệp sử dụng vào mục đích công ích sẽ tăng thời hạn mỗi lần thuê đất là 20 năm, để người thuê đất bảo đảm có sự yên tâm đầu tư đối với loại đất này.
Giải quyết bài toán liên kết, tiêu thụ nông sản
Tại Hội nghị, lãnh đạo Hội Nông dân Hà Nội đã báo cáo 6 nhóm vấn đề chung của nông dân Hà Nội đó là: Chủ trương, định hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ Nông dân phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; các cơ chế, chính sách về đất đai; xây dựng Nông thôn mới và phát triển kinh tế tập thể về đất đai; xây dựng người nông dân chuyên nghiệp, hỗ trợ nông dân khởi nghiệp; công tác xây dựng tổ chức Hội và cán bộ Hội. Về câu hỏi trực tiếp tại hội trường có 10 câu hỏi của 10 nông dân nêu ý kiến, kiến nghị.
Chia sẻ về nông dân về bài toán liên kết, tiêu thụ nông sản, Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ chỉ ra: Những năm vừa qua, mặc dù sản xuất nông nghiệp đã có những kết quả khá, tăng trưởng bình quân năm sau cao hơn năm trước. Tuy nhiên, được mùa mất giá vẫn là nỗi lo của người sản xuất và các cơ quan quản lý Nhà nước.
Theo ông Chu Phú Mỹ, nguyên nhân là do sản xuất nông nghiệp còn manh mún, tự phát, quy mô nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu; không chú trọng quy trình kỹ thuật; tình trạng sản xuất theo "phong trào", không theo tín hiệu thị trường, dẫn đến dư thừa cục bộ sản phẩm khi vào vụ thu hoạch; thiếu chuyên nghiệp trong hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại; chưa tạo được cơ chế liên kết bền vững trong việc hình thành các chuỗi giá trị nông sản... Đặc biệt là sự yếu kém về công nghiệp bảo quản, chế biến sau thu hoạch.
Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho biết: Hiện nay, UBND TP đã chỉ đạo Sở NNPTNT đã có nhiều hoạt động hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ sản phẩm nông sản, giới thiệu các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, hàng năm Sở NNPTNT còn ký kết hợp tác với các báo, đài của Trung ương, TP để tuyên truyền những chủ trương, chính sách của Nhà nước, những tiến bộ kỹ thuật mới, quảng bá những sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của TP. Đề nghị các tổ chức, cá nhân có sản phẩm đảm bảo chất lượng chủ động liên hệ với các cơ quan chuyên môn của Sở NNPTNT Hà Nội để được hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, kết nối tiêu thụ sản phẩm.
Tiếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân
Thay mặt Thành ủy, Bí thư Thành uỷ Hà Nội ghi nhận, tiếp thu và cảm ơn các ý kiến đóng góp xây dựng Thủ đô rất tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu, đặc biệt hoan nghênh, đánh giá cao những kiến nghị với thành phố những giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Lãnh đạo thành phố, các sở, ngành của Thành phố đã có ý kiến trao đổi, chia sẻ, giải đáp trực tiếp các vấn đề, nội dung câu hỏi của nông dân; một số vướng mắc đã được thống nhất tháo gỡ ngay tại Hội nghị; các nội dung khác đã có biện pháp tiếp tục giải quyết sau Hội nghị, cơ bản đáp ứng mong muốn của bà con.
Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng cũng nhiệt liệt biểu dương các thành tích nổi bật của các cấp Hội, hội viên, bà con nông dân đã góp phần vào sự ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và kiểm soát dịch bệnh Covid-19 của Thủ đô trong thời gian vừa qua.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội Đinh Tiến Dũng chỉ đạo các cấp chính quyền từ thành phố đến cơ sở phối hợp chặt chẽ với Hội Nông dân lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; giúp nông dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, có giá trị kinh tế cao...
"Tôi đồng ý với đề xuất của Hội Nông dân Thành phố trong báo cáo tổng hợp các nhóm vấn đề kiến nghị, đề xuất và ý kiến của đại biểu Nguyễn Trọng Long, Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Long, xã Tân Ước, huyện Thanh Oai tại hội nghị về chỉ đạo hoạt động công tác Hội và và phong trào nông dân của Hội nông dân Thành phố.
Giao Hội Nông dân Thành phố chủ động xây dựng "Đề án nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi và hỗ trợ nông dân khởi nghiệp giai đoạn 2023-2025" để trình UBND Thành phố xem xét, phê duyệt triển khai thực hiện để giúp cho phong trào SXKD giỏi tiếp tục phát triển mạnh trong thời gian tới, đặc biệt quan tâm xây dựng lực lượng nòng cốt nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương và Thành phố trở thành những nông dân chuyên nghiệp, là những hạt nhân dẫn dắt cho phong trào khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong nông nghiệp, nông thôn, xây dựng người Nông dân Thủ đô chuyên nghiệp gắn với khởi nghiệp sáng tạo trong phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị vận động nông dân liên kết với nhau để tập trung ruộng đất, nâng quy mô sản xuất; phát triển các mô hình trang trại, gia trại, hợp tác xã, tham gia liên kết với doanh nghiệp xây dựng cánh đồng lớn tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.