Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Sẽ siết chặt thanh tra, kiểm tra hoạt động vận động từ thiện

Thanh Xuân Thứ năm, ngày 09/09/2021 07:05 AM (GMT+7)
Trao đổi với Dân Việt, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, quy định mới về vận động từ thiện sẽ chặt chẽ hơn và có thanh, kiểm tra các tổ chức cá nhân tham gia vào hoạt động này.
Bình luận 0

Những lùm xùm xung quanh việc huy động, kêu gọi hàng trăm tỷ đồng để làm từ thiện của những người nổi tiếng như Thủy Tiên, Đàm Vĩnh Hưng, Trấn Thành, ... đang gây tranh luận lớn những ngày qua. 

PV Dân Việt đã trao đổi với ông Hồ Đức Phớc - Bộ trưởng Bộ Tài chính về vấn đề kiểm tra, giám sát các cá nhân huy động tiền làm từ thiện. 

Sửa đổi quy định vận động từ thiện cho phù hợp

Ông Hồ Đức Phớc cho biết thông tin, Bộ Tài chính đang hoàn thiện và trình Chính phủ Dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.

"Dự thảo Nghị định có quy định về thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức cá nhân tham gia hoạt động từ thiện để đảm bảo đúng nguyên tắc, mục đích và đúng quy định, đảm bảo minh bạch. 

Hiện dự thảo Nghị định đang lấy ý kiến. Chắc chắn là sẽ siết chặt hơn về thanh tra kiểm tra, muốn hoạt động từ thiện phải đăng ký với địa phương nơi làm từ thiện cụ thể, rõ ràng", ông Phớc nói.  

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, Nghị định đang ở giai đoạn hoàn thiện và dự kiến sẽ được ban hành trong năm 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Sẽ có thanh tra, kiểm tra hoạt động vận động từ thiện - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc. Ảnh: DV

Theo Bộ Tài chính, hiện Nghị định số 64/2008/NĐ-CP quy định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, thời gian qua đã góp phần hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, Nghị định cũng đã bộc lộ một số bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện, như việc đã không còn đồng bộ với một số quy định pháp luật hiện hành.

Cũng theo đánh giá của Bộ Tài chính, quy định tại Nghị định 64/2008 về thời gian để tổ chức tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện sau mỗi đợt thiên tai, sự cố theo quy định hiện nay là không quá 60 ngày được các địa phương nhận định là còn ngắn. Đặc biệt là đối với công tác tiếp nhận tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân nước ngoài, đồng bào người Việt sinh sống tại nước ngoài.

Đối với một số đợt thiên tai gây hậu quả nghiêm trọng, số lượng tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện lớn dẫn đến công tác tiếp nhận mất nhiều thời gian và công sức. 

Đồng thời, tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện được các tổ chức, cá nhân đóng góp cụ thể cho cá nhân, địa bàn, nội dung nào thì cần được tiếp nhận, phân phối và sử dụng đúng địa chỉ. 

Thời gian tiếp nhận không đủ có thể dẫn đến việc sử dụng không đúng mục đích tiền, hiện vật đóng góp tự nguyện.

Cũng theo Bộ Tài chính, hiện chưa có quy định hình thức hỗ trợ (bằng tiền hay hiện vật) từ nguồn đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước để thực hiện các nội dung chi hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố…

Khi tổ chức thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện, một số địa phương còn gặp khó khăn trong việc phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị tại địa phương như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Chữ thập đỏ các cấp, cơ quan: Lao động – Thương binh và Xã hội, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính,...

Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Sẽ có thanh tra, kiểm tra hoạt động vận động từ thiện - Ảnh 3.

Ca sỹ Thuỷ Tiên thực hiện hoạt động từ thiện tại miền Trung. Ảnh FBNV

Do đó, Bộ Tài chính cho biết việc sửa đổi Nghị định 64/2008 thống nhất trên quan điểm: Thực hiện thống nhất về hoạt động vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ nhân dân khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố, các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo trên phạm vi cả nước, giữa các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội.

Ngoài ra, sẽ có  quy định rõ ràng, cụ thể các nội dung về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, cơ quan kêu gọi vận động, thời gian vận động, tiếp nhận, các nội dung chi từ nguồn đóng góp tự nguyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các bộ, cơ quan trung ương và chính quyền địa phương, đoàn thể, người dân và tránh chồng chéo trong việc triển khai thực hiện vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng nguồn lực này.

Đặc biệt quy định mới sẽ yêu cầu công khai, minh bạch, sử dụng hiệu quả nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân hỗ trợ khắc phục khó khăn, từ đó tạo dựng niềm tin, khuyến khích sự tham gia của các tổ chức, cá nhân khi có thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo, phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc… 

Nhiều đơn vị quản lý hoạt động từ thiện

Theo tìm hiểu của Dân Việt, hiện nay ngoài Bộ Tài chính chủ trì xây dựng trình Chính phủ Nghị định Dự thảo nghị định về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo thì Bộ Nội vụ cũng quản lý vấn đề này. 

Trao đổi với Dân Việt, bà Thang Thị Hạnh – Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ, Bộ Nội vụ cho biết: Bộ Nội vụ chỉ quản lý ở lĩnh vực cấp phép cho các tổ chức thành lập quỹ từ thiện theo quy định tại Nghị định 93/2019 quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý nhà nước về quỹ xã hội, quỹ từ thiện. 

Nghị định này áp dụng đối với công dân, tổ chức Việt Nam và cá nhân, tổ chức nước ngoài có liên quan. Mục đích tổ chức, hoạt động của quỹ là nhằm hỗ trợ, khuyến khích phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục, thể thao, khoa học, công nghệ, cộng đồng và từ thiện, nhân đạo, không vì mục tiêu lợi nhuận.

Bộ trưởng Bộ Tài Chính: Sẽ có thanh tra, kiểm tra hoạt động vận động từ thiện - Ảnh 4.

Nhiều nghệ sỹ được yêu cầu công khai thông tin sử dụng tiền kêu gọi làm từ thiện trong thời gian qua. Ảnh CTV.

Cũng theo một lãnh đạo khác của Bộ Nội vụ, hiện cơ quan này chỉ quản lý cấp phép cho các tổ chức, cá nhân hoạt động vận động tài trợ, từ thiện và thực hiện từ thiện theo đúng quy định của Quỹ được quy định tại Nghị định 93/2019. 

Quỹ có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật. Trụ sở giao dịch của quỹ phải đặt trên lãnh thổ Việt Nam, có địa chỉ cụ thể và phải có tài liệu chứng minh tính hợp pháp của trụ sở quỹ…

Ví dụ, chương trình "Cơm có thịt"  sau này đã được Bộ Nội vụ cấp phép thành lập "Quỹ Trò nghèo Vùng cao", hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhằm mục đích tham gia hỗ trợ học sinh nghèo vùng cao Việt Nam có bữa ăn tại lớp nhiều dinh dưỡng hơn, có quần áo ấm, ủng, đồ dùng học tập, sách truyện, thuốc chữa bệnh, ký túc xá, phòng học... và những trợ giúp cần thiết khác.

"Còn đối với các tổ chức, cá nhân mà hoạt động từ thiện tự phát như các văn, nghệ sỹ, những người nổi tiếng vận động từ thiện không thông qua một tổ chức quỹ nào thì thuộc quản lý theo quy định tại Nghị định 64 hiện hành của Bộ Tài chính. Tôi cũng được biết phía Bộ Tài chính đang hoàn thiện Dự thảo thay thấy Nghị định 64/2008 để trình Chính phủ", một cán bộ của Bộ Nội vụ cho biết.

Ngoài Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Dự thảo quy tắc ứng xử của nghệ sĩ cũng đang được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra lấy ý kiến rộng rãi. Bộ quy tắc không thay thế cho các văn bản pháp quy trong quản lý, nhưng cũng có tác dụng giúp điều chỉnh hành vi trong cộng đồng, xã hội.

Đây là một điều kiện được coi là thực sự cần thiết không chỉ đối với văn nghệ sỹ mà đối với bất cứ cá nhân, tổ chức nào khi tham gia vào công tác từ thiện cần minh bạch, rõ ràng. 

Vấn đề minh bạch trong việc làm từ thiện của giới nghệ sĩ được dự thảo đặt ra đúng vào thời điểm dư luận xã hội đang bàn cãi rất nhiều về những khoản tiền rất lớn mà một số nghệ sĩ đã kêu gọi được khi làm từ thiện trong thời gian vừa qua được cho là rất cần thiết.

Tuy nhiên, dù có tới 3 Bộ quản lý các vấn đề khác nhau liên quan tới vận động từ thiện nhưng nhưng việc dư luận vẫn đang đòi sự minh bạch về công tác từ thiện của một số nghệ sỹ cho thấy các quy định của pháp luật đã và đang còn tồn tại những hạn chế cần sớm được khắc phục.

"Nếu có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tài sản là tiền, hàng từ hoạt động quyên góp ủng hộ, cơ quan chức năng sẽ xem xét, xử lý với tội danh là lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản", Trung tướng Tô Ân Xô - Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết.

Như Dân Việt đã thông tin tới bạn đọc, thời gian gần đây, những thông tin lùm xùm xung quanh vấn đề làm từ thiện của một số nghệ sĩ nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Nhiều người đã bảy tỏ sự nghi ngờ việc thực hiện các chương trình từ thiện của những nghệ sỹ có dấu hiệu trục lợi. 

Do đó, trên mạng xã hội nhiều người đã vào trang cá nhân của văn nghệ sỹ yêu cầu phải sao kê công khai tài khoản, làm rõ các khoản thu chi từ quyên góp để làm từ thiện. Từ đó, cụm từ "sao kê" đã trở thành cụm từ được đặc biệt quan tâm của người dân đối với các nghệ sỹ làm từ thiện.

Hàng loạt các văn nghệ sỹ được cộng đồng mạng nhắc tên yêu cầu sao kê tài khoản như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng, Thuỷ Tiên, Trấn Thành…

Mới đây nhất, Trấn Thành đã chính thức công bố sao kê tài khoản từ thiện nhưng các thông tin công bố vẫn chưa làm hài lòng dư luận. Rất nhiều người bày tỏ mong muốn có sự vào cuộc của cơ quan chức năng để làm minh bạch về số tiền từ thiện của những nghệ sỹ này.

Báo NTNN/Điện tử Dân Việt trao quà của bạn đọc hỗ trợ sinh viên gặp khó khăn tại Khu KTX Mễ Trì. Đây là một trong chuỗi hoạt động hỗ trợ những người gặp khó khăn do Covid-19 bị kẹt lại Hà Nội. Clip: Dân Việt.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem