Họp báo công bố sai phạm thi cử tại Hà Giang chiều 17.7.
Không ai bảo ai, họ chỉ biết thở dài ngao ngán. Những cô cậu học trò 18 tuổi chưa khỏi phờ phạc sau những đêm dài thức trắng ôn thi đã phải đối mặt với dư luận và sự ngờ vực, đánh đồng đến đáng sợ. Những phụ huynh tức tối muốn lật tung tất cả để đòi lại công bằng, uy tín cho con mình… Và đã có những giọt nước mắt rơi xuống. Đồng nghiệp tôi khi gõ những dòng ghi nhận từ hiện trường đã phải đắn đo xóa rồi viết, viết rồi xóa những lời bực dọc, bức xúc của người dân trước sự việc này.
Nhiều chuyên gia giáo dục, những người chưa bao giờ im lặng trước những tiêu cực, luôn mạnh mẽ đưa ra những quan điểm, đề xuất các giải pháp, góp ý và “gỡ rối” chính sách dường như cũng đang bất lực. Hiệu phó một trường đại học lớn, người đã có hàng chục năm làm trong các hội đồng thi coi thi, chấm thi, cũng là một trong những người đầu tiên đưa ra giải pháp về phần mềm chấm thi trắc nghiệm…, khi được hỏi về sự cố Hà Giang, chỉ lắc đầu: “Tôi đau lắm! Tôi thất vọng vô cùng! Họ đã đánh cắp niềm tin của cả xã hội!”.
114 thí sinh với hơn 330 bài thi đã bị can thiệp sửa điểm. Không ít thí sinh được nâng 20 điểm so với điểm ban đầu. Cá biệt có những thí sinh được làm tăng đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm thật. Chỉ 6 giây để “phù phép” một thí sinh từ trượt thành thủ khoa. Một vị phó phòng “lộ diện” với tài “hô mưa gọi gió”, không chỉ thay đổi vài con số mà có thể sẽ thay đổi số phận, tương lai của cả trăm cá nhân, cũng có thể là tương lai của nhiều ngành, là tương lai của đất nước.
Bộ GDĐT đã cử người vào cuộc, hoặc là chủ động hoặc là “bị ép” phải đưa ra kết luận về vụ việc sai trái vào lúc 1 giờ sáng. Tôi nghĩ rằng, cuộc phỏng vấn chưa từng có trong lịch sử báo chí lúc nửa đêm như vậy đã đủ để khiến một “Hà Giang” không được phép “ngủ” mà còn khiến cả xã hội phải… bừng tỉnh.
Nói như vậy để thấy rằng, vụ “bê bối” sửa điểm thi ở Hà Giang thực sự đã để lại hậu quả không kém gì một cơn lũ quét. Điểm khác nhất là những con số thống kê sau thiệt hại không phải là số người chết, nhà đổ… mà là sự thất vọng, ngờ vực, hoang mang, quan trọng hơn cả là sự mất niềm tin vào nền giáo dục. Những thứ đó không thể nào thống kê, đo đếm được.
Sau Hà Giang, những “tin đồn” tiêu cực thi tương tự tại Sơn La, Lạng Sơn… bắt đầu xuất hiện như một “dịch bệnh” lan truyền mạnh mẽ trên mạng xã hội, mỗi giờ, mỗi ngày lại khiến sự hoang mang nâng lên. Thủ tướng Chính phủ đã phải có công văn yêu cầu Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ GDĐT chỉ đạo điều tra, xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Nhưng….
Trong cơn bấn loạn ấy, người ta thấy có một sự im lặng. Như thường lệ, người đứng đầu ngành giáo dục - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ vẫn không nói gì! Trên website chính thức của ngành giáo dục, ngoài những thông tin “sáng sủa” của các hội thảo, tọa đàm, sơ kết, đón đoàn học sinh giỏi…, không có một dòng nào nói về tiêu cực thi cử ở Hà Giang. Tất nhiên, việc báo cáo cấp trên, cử cấp dưới vào cuộc trực tiếp làm rõ ông đã làm, nhưng dường như dư luận vẫn cảm thấy chưa đủ. Họ cần một lời giải thích, một câu nhận trách nhiệm và hơn hết là một lời xin lỗi của người đứng đầu ngành về vụ việc đang tác động trực tiếp đến uy tín, niềm tin của xã hội về ngành đó.
Chúng ta đã từng chứng kiến những vụ việc gian lận tương tự như Đồi Ngô (Bắc Giang), những Phú Xuyên, Quang Trung (Hà Nội), hay sự việc 11 tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long bắt tay chấm thi lỏng… mọi việc rồi cũng sẽ “chìm”. Và Hà Giang rồi cũng sẽ bị quên lãng.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, dư luận đang cần một… “liều thuốc an thần” từ người đứng đầu ngành giáo dục. Người ta không hy vọng tiếng nói của ông sẽ làm thay đổi cục diện, người ta cũng thừa hiểu ông cũng chỉ là người đang phải “đứng mũi chịu sào” hứng chịu hệ quả của những thay đổi, sai lầm diễn ra nhiều năm trước… Nhưng ít nhất tiếng nói của ông ở thời điểm này sẽ giúp nhiều người có nơi để “bấu víu” niềm tin của mình vào nền giáo dục những ngày sắp tới…
Vì vậy, Bộ trưởng Nhạ, ông hãy nói gì đi!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.